Viếng lăng mộ ông tổ nghề dệt chiếu Việt Nam
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 10:01, 31/01/2021
Khu lăng mộ ông tổ nghề dệt chiếu Việt Nam Phạm Đôn Lễ ở thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương)
Tam nguyên hiếm có trong lịch sử khoa bảng
Lăng mộ của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ và các con tọa lạc ở đồng Cời thuộc thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương).
Cụ Phạm Văn Vao (83 tuổi) là hậu duệ nhiều đời của Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ được giao nhiệm vụ trông nom khu lăng mộ nhưng giờ đã yếu. Con trai cụ Vao đưa chúng tôi ra thăm lăng mộ. Anh nói ở thôn Thanh Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà (Thái Bình) có ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ nhưng mộ phần của cụ lại ở thôn Mỹ Xá. Bia đá ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) có ghi lại cuộc đời, sự nghiệp, công lao của Phạm Đôn Lễ.
Lăng mộ ông tổ nghề dệt chiếu Việt Nam nằm trên một khu đất cao thoáng, quay hướng đông nam rộng chừng 300 m2. Lăng mộ đã trải qua nhiều lần tôn tạo, gần nhất vào năm 2005 do con cháu họ Phạm ở Mỹ Xá góp công, góp của thực hiện. Cổng khu lăng mộ xây kiểu tam quan khá bề thế. Phía bên trong, chính giữa là lăng mộ thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ xây theo lối kiến trúc phương đình, cách điệu đơn giản. Hai bên lăng mộ là 2 nhà bia. Cả 2 tấm bia đã mờ chữ, nghe con trai cụ Vao bảo có từ thời vua Thành Thái. Nội dung 2 tấm bia chủ yếu ghi lại tiểu sử của cụ Phạm Đôn Lễ. Phía sau lăng mộ là ngôi mộ nhỏ của 4 người con trai của cụ.
Không có ai ở Mỹ Xá còn lưu giữ tư liệu lịch sử về danh nhân Phạm Đôn Lễ. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tứ Kỳ và Bảo tàng tỉnh cũng đều không có thông tin. Những câu chuyện về cuộc đời của cụ chủ yếu được người dân nơi đây truyền miệng.
Theo một số tư liệu khai thác và lời kể của người dân: Phạm Đôn Lễ (1457-1531) sinh tại làng Hải Triều (tục gọi là làng Hới) thuộc tổng Thanh Triều, phủ Long Hưng, huyện Ngự Thiên, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) trong một gia đình nghèo khó. Bố ông làm nghề chài lưới, mẹ bán quán nước cho khách qua đò. Phạm Đôn Lễ mất bố từ khi còn rất nhỏ. Cuộc sống của 2 mẹ con ông phụ thuộc cả vào quán nước. Một lần đi chơi ven bờ sông Luộc, Phạm Đôn Lễ bị lạc. Một gia đình giàu có quê ở Thanh Hóa khi đi thuyền qua thấy cậu bé khôi ngô nên đưa về nhà nuôi.
Phạm Đôn Lễ được gia đình trên chăm sóc như con ruột, cho học hành đầy đủ. Vào năm 1481, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Phạm Đôn Lễ đỗ đầu các kỳ thi hương, thi hội, thi đình, trở thành trạng nguyên tam nguyên hiếm có trong lịch sử khoa bảng.
Ngày Phạm Đôn Lễ vinh quy bái tổ, nghe cha nuôi kể chuyện ông mới biết được gốc tích của mình. Ông tìm về quán nước bên bến đò tìm mẹ. Hai mẹ con gặp nhau trong niềm xúc động nghẹn ngào. Không lâu sau, mẹ ông qua đời.
Truyền nghề làm chiếu
Phạm Đôn Lễ làm quan Tả thị lang rồi lên đến chức Thượng thư. Ông được cử đi sứ sang nhà Minh. Tới vùng Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), ông thấy người dân nơi đây cũng có nghề dệt chiếu như ở làng Hải Triều quê mẹ. Có điều chiếu ở đây làm nhanh, đẹp và bền hơn quê ông. Không chỉ quan sát toàn bộ quy trình làm chiếu, lúc trở về nước ông còn ghé qua Quế Lâm mua khung dệt chiếu mang về làng Hải Triều. Ông cho gọi người đến nghiên cứu để nhân rộng nhưng ai cũng than khó, không làm được. Phạm Đôn Lễ đành tự làm. Rất nhanh chóng, ông không chỉ nắm được cấu tạo, nguyên lý hoạt động mà còn cải tiến đưa khung dệt chiếu thấp xuống, lại làm thêm ngựa đỡ đay ở trên khung dệt. Điều này giúp cho sợi chiếu thêm căng, sản phẩm làm ra đẹp, bền, tinh xảo hơn. Cải tiến khung dệt chiếu xong, Phạm Đôn Lễ lại truyền dạy cho dân chúng nhân rộng. Dân làng vui mừng, kính trọng nên suy tôn ông là trạng chiếu.
Dưới thời vua Lê Uy Mục, triều đình suy thoái, nhà vua nghe lời những kẻ nịnh thần, Phạm Đôn Lễ lúc này giữ chức Thượng thư thường can ngăn. Những kẻ xấu này rất căm ghét tìm cách bịa đặt, vu khống ông nhiều lần. Do không chịu đựng được triều đình mục nát nên cuối cùng Phạm Đôn Lễ đã phải từ quan.
Nhưng những kẻ gian thần không chịu buông tha, vẫn muốn trừ khử Phạm Đôn Lễ. Để trốn tránh bọn chúng, ông âm thầm dẫn vợ và các con về làng Mỹ Xá ẩn cư. Ông truyền nghề làm chiếu cho người dân nơi đây, đồng thời mở trường dạy học cho đến cuối đời... Triều đình phong kiến sau này mới khôi phục thanh danh, suy tôn và sắc phong cho những công lao đóng góp của ông. Dân gian tôn Phạm Đôn Lễ là ông tổ nghề dệt chiếu Việt Nam.
Hiện nay, dòng họ Phạm ở thôn Mỹ Xá rất phát triển, chiếm tới 2/3 số dân. Con cháu của ông tổ nghề dệt chiếu từ đời này qua đời khác sống quần tụ bên nhau, đoàn kết xây dựng quê hương. Cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng họ không bao giờ quên công lao của cụ tổ. Cứ vào ngày 9.7 âm lịch hằng năm, 4 ngành họ Phạm ở xã Ngọc Sơn lại tập trung làm lễ giỗ, tưởng nhớ công lao của cụ. Đại diện các dòng họ Phạm ở thôn Hải Triều cũng sang làm lễ dâng hương. Vào dịp Tết Nguyên đán, các dòng họ Phạm ở Mỹ Xá lại cử người ra dọn vệ sinh, trang trí điện, nến, bày biện lễ vật. Đêm giao thừa nào họ cũng ra đây dâng hương tưởng nhớ công ơn tam nguyên Phạm Đôn Lễ, cầu quốc thái, dân an, mọi người, mọi nhà được sống trong vui vẻ, hạnh phúc.
TIẾN MẠNH