Bí thư chi bộ
Truyện ngắn - Ngày đăng : 11:40, 31/01/2021
Chi bộ có 53 đồng chí, đông nhất xã. Cơ số này đủ để thành lập một đảng bộ. Nhưng làng anh ở lại rất gọn. Hộ tuy đông, đảng viên tuy nhiều nhưng đều ở tập trung. Do quốc lộ chạy qua làng, lại ở liền kề sư đoàn nên nhiều anh em sĩ quan trung cao cấp quân đội về nghỉ chế độ ở lại xây dựng quê mới. Có người tận miền Trung. Có người ở dưới xuôi. Họ mua đất làm nhà và ở lại. Đúng là đất lành chim đậu. Chi bộ đông đảng viên cũng do nguồn cơ học ấy bổ sung. Đảng viên nông thôn chỉ có 9 người thôi. Các vị đảng viên quân đội kia toàn cấp tá, có mấy vị đại tá, thượng tá thì suốt đời quân ngũ am hiểu gì về nông nghiệp, nông dân đâu. Hơn nữa, họ không phải người ở đây nên càng khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất. Cũng đã có vài khóa bí thư chi bộ do các vị đó đảm nhiệm nhưng phong trào vẫn không lên được. Đảng viên đông nhưng không mạnh là ở chỗ đó. Lãnh đạo xã băn khoăn lắm. Hoàng về, họ rất mừng. Thường vụ Đảng ủy xã họp duyệt nhân sự đại hội các chi bộ, tất cả đều nhất trí trăm phần trăm.
Hồi còn ở đơn vị, Hoàng có tới gần chục năm phụ trách tăng gia của sư đoàn. Vậy nên cây con, giống má, dịch bệnh… tóm lại là làm nông anh thông thạo lắm. Với kiến thức và kinh nghiệm ấy, anh thừa sức lãnh đạo làng. Tuy nhiên, làng bây giờ phát triển tổng hợp, đa ngành nghề nên Hoàng cũng khá lo. Phải dựa vào sức mạnh tập thể, quy tụ và khơi dậy tiềm năng của cả chi bộ. Nguồn chất xám của số cán bộ quân đội nghỉ hưu, không biết làm nông thì họ sẽ là người xây dựng phong trào văn thể mỹ, cố vấn công tác cán bộ, đoàn thể. Số đảng viên thuần nông thì “bám đội, lội đồng, tinh thông kỹ thuật”. Tùy theo khả năng mỗi người để giao nhiệm vụ lãnh đạo hộ, lãnh đạo các tổ liên gia hòa giải… Trí tuệ tập thể, sức mạnh cộng đồng dứt khoát làng sẽ bứt phá đi lên.
Hôm được bầu làm bí thư chi bộ, Hoàng vừa về đến nhà thì ông chú anh chống gậy tới. Ông vuốt râu cười mãn nguyện: “Thằng cháu làm bí thư chi bộ rồi phỏng? Hai thôn sáp nhập lại, to lắm đấy. Có thế chứ. Phen này họ Dương hết đường tinh tướng”. Hoàng ngạc nhiên hỏi: “Chú nói vậy là sao?”. “Là sao nữa? Anh biết làng này bao đời nay họ Dương chiếm hết các ghế không? Khi họ thất thế thì mấy bố quân đội nhảy vào. Tưởng ngon ăn, nào ngờ vưỡn lẹt đẹt. Họ Phùng nhà mình lâu nay có ai ngóc được đầu lên? Giỏi lắm có thằng Huệ làm chi hội trưởng nông dân. Ấy thế mà vừa rồi, tinh giản biên chế, cái chức ấy cũng về tay thằng Huy, trưởng thôn kiêm. Kỳ này, anh phải chú ý đến họ nhà ta nhé”. Ông Thủ nói một mạch, giọng hả hê.
“Còn có dân làng, chi bộ nữa cơ ông trẻ ơi! - Hoàng đáp lại - Mình cháu quyết sao được? Với lại, thời này là thời nào rồi mà ông trẻ vưỡn cổ hủ vậy?”. “Cổ hủ là thế nào? - Ông Thủ vặc lại - Anh biết bao nhiêu năm anh xa nhà, ở làng chúng coi khinh họ Phùng nhà mình như thế nào không? Giờ cờ đến tay rồi. Anh phải phất cho tôi. Lấy lại vị thế dòng họ!”.
Bảy mươi tuổi, lão nông tri điền, ông chú Hoàng đỏ au, quắc thước. Ngày trước, ông đã từng làm tới trại trưởng trại chăn nuôi hợp tác xã. Sau rồi, do tham ô, ông đã bị kỷ luật khai trừ đảng, cách chức trại trưởng. Về làm dân thường nhưng ông vẫn quan tâm tới thời sự chính trị của làng, của xã. Cứ mỗi đợt bầu cử hội đồng nhân dân, đại hội chi bộ, đảng bộ, ông lại đi nghe ngóng, bàn luận. Rồi ông "sắp xếp" người nọ, người kia vào các chức này chức nọ. Mới rồi, sáp nhập thôn, ông Thủ cuống cả lên. Mấy đứa cháu trong họ đang từ trưởng xuống phó, có đứa thì mất hẳn chức. Ông cũng mất ăn, mất ngủ cả tuần liền. Cứ đà này thì bao giờ dòng họ nhà ông ngóc đầu lên được?
“Ông trẻ ơi! Cán bộ, đảng viên là phải nghĩ và làm cho cái chung không thể nghĩ riêng cho mình và dòng họ được đâu”. Hoàng nhẹ nhàng nói với ông chú. Ông nhìn thẳng vào mặt anh như nhìn một người từ hành tinh khác tới. Đoạn, ông phẩy tay: “Lý thuyết là vậy nhưng thực tế đâu phải vậy. Anh phải nghe tôi. Còn có tôi đây này. Mọi đường đi nước bước tôi sẽ cố vấn cho anh. Cờ đến tay phải phất”. Ông chú Hoàng nhắc lại câu châm ngôn. Biết tính ông, Hoàng đành thở dài. Chưa chi đã khó từ trong nhà khó ra rồi. Các cụ bảo “tiên trị gia, hậu trị quốc”, chả biết mình có làm được không đây?
Việc đầu tiên, Hoàng xây dựng và thông qua ban chi ủy quy chế làm việc của chi bộ và chi ủy. Cùng với điều lệ Đảng, quy chế của Đảng ủy xã thì đây là căn cứ để điều hành, phối hợp hoạt động của mỗi đảng viên, cấp ủy trong chi bộ với nhau và với các tổ chức đoàn thể. Bàn kỹ, thảo luận sâu, thống nhất rồi, cứ thế mà làm. Ai vào việc đó. Có chức thì có trách, không bao biện làm thay, không dây dưa đùn đẩy. Sau đó là kế hoạch triển khai từng bước nghị quyết của đại hội. Phải phân kỳ rõ ràng. Không ôm đồm, tham vọng quá nhiều. Việc phát triển kinh tế thì từng hộ đã chủ động. Chi bộ chỉ cần định hướng cho họ là xong. Cái người ta quan tâm mà mỗi hộ riêng lẻ không thể làm được là phong trào văn hóa, giao thông nông thôn, môi trường sinh thái… Chi bộ và các tổ chức đoàn thể phải đứng ra lo việc này.
Hoàng thao thức bao đêm về những ý nghĩ đó. Phải nâng cấp đường làng. Phải tổ chức các hoạt động bề nổi khuấy động phong trào. Người trung cao tuổi thì bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, yoga, thể dục dưỡng sinh. Món này các thủ trưởng nhà ta và các bà khoái lắm. Họ có thời gian, có nguồn lực, có điều kiện để tìm lại tuổi thanh xuân của mình. Cánh thanh niên thì khiêu vũ, thể thao, hát hò văn nghệ. Chi đoàn phải lo được việc đó. Hiện nay, những hoạt động này đã manh nha tự phát, chỉ cần có người đứng ra tổ chức duy trì là xong. Mỗi năm, dịp Tết đến xuân về, rồi Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6, rằm Trung thu, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18.11 sẽ tổ chức liên hoan văn nghệ, thi đấu thể thao. Tha hồ cho mọi người thể hiện. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, chắc chắn phong trào sẽ phát triển.
Ý tưởng của Hoàng được ban chi ủy và chi bộ ủng hộ hoàn toàn. Làm được thế thì còn gì bằng. Những vị có chút năng khiếu về từng lĩnh vực, đã từng đảm đương phụ trách lĩnh vực đó khi còn công tác hăng hái xung phong gánh vác nhiệm vụ. Mấy vị chính ủy sư đoàn, trung đoàn, rồi sĩ quan chính trị các cấp, lại cả diễn viên văn công hưu trí nữa như được gãi đúng chỗ ngứa. Ai cũng hào hứng. Chỉ trong thời gian ngắn, các câu lạc bộ văn thể làng ra đời. Từng xóm rộn lên tiếng hát hò, đàn sáo. Rậm rịch bước chân khiêu vũ. Ồn ã tiếng hò reo cổ vũ bóng chuyền hơi, cầu lông. Cả làng như có luồng sinh khí mới thổi vào.
Không đám ma nào Hoàng lại không có mặt. Anh cùng các đoàn thể tham gia sắp đặt công việc, chu đáo tỉ mỉ từng chi tiết. Nhà có đám thấy anh là họ yên tâm. Các cụ cao tuổi trong làng ai ốm đau nằm viện anh đều tới thăm. Các tổ chức đoàn thể sinh hoạt anh đều đến dự. Mọi người quý anh lắm. Đúng là ra ngoài, ăn cơm gạo quân đội có khác.
Làng được cấp trên cho thực hiện dự án giao thông nông thôn mới. Khảo sát phóng tuyến. Mọi người xôn xao, nhất là các hộ ven đường. Hộ bà Nga phải lùi vào mất hơn mét, dài mấy chục mét vườn, cả bức tường rào cũng phải phá đi. Hộ ông Tuy lấp mất nửa ao. Hộ bà Bình đi cả dãy mít dai đặc sản. Hộ ông Cư phạt bay một góc bếp. Hộ ông Thủ mất cây bưởi tổ ở góc vườn và hai vệt đất. Hầu như nhà nào giáp đường đều bị ảnh hưởng. Không ít thì nhiều. Bắt đầu có sự so đo tính toán. Bắt đầu có sự phản ứng, đòi hỏi. Đường làng, đường xóm có cần thiết phải mở rộng, nắn thẳng như thế không? Có cần cống rãnh cọc tiêu biển báo không? Bảo là trên phố, trên huyện lại đi một nhẽ. Đằng này mình nông thôn miền núi vẽ vời làm gì?…
Nhiều cuộc họp được tổ chức. Chi bộ, thôn, các đoàn thể. Rồi thì từng xóm một. Các hộ phía trong ai nấy đều hết sức đồng lòng ủng hộ. Các hộ mặt đường cũng cơ bản tán thành. Nếu được như thế, làng này có khác gì phố? Phố có cây đa, có bến nước, có nhà văn hóa thì đẹp quá rồi còn gì. Thôi, các ông các bà ngoài đường ủng hộ đi. Cơ hội ngàn năm có một đấy. Mai kia đường thông hè thoáng chẳng sướng quá ư? Tội gì đi chui rúc, quanh co cho khổ. Trên đã cho làm đường lớn rồi, cho cả cái áo rồi, chẳng lẽ có cái dải ta không làm được chắc? Tôi đề nghị mỗi nhà góp công góp sức một tí, nhân dịp này “té nước theo mưa” là khang trang ngay…
Cả làng khí thế như vậy nhưng riêng ông Thủ, chú của anh vẫn bình chân như vại. Ông chẳng nói chẳng rằng cứ ngày ngày chắp tay sau đít ra ngó nghiêng công trình. Hoàng đau đầu. Hết gặp gỡ sớm tối, nói đủ điều mà ông cụ đâu có nghe. Sau rồi thì cứ thấy bóng anh là cụ đóng cửa không tiếp. Hoàng đành tiếp tục thông qua vợ chồng Thạch, con ông Thủ để nhờ họ khuyên giải nhưng họ cũng lắc đầu. “Bác cứ phép công mà làm”. “Thế còn cây bưởi tổ?”. “Thì cứ phóng tuyến đến đó cho nó trơ ra để cả làng, cả họ người ta thấy. Lúc đó, dân làng nói rát tai bố em lại chả nghe?”. “Mất mấy chục mét đất ven vườn đấy, chú thím đồng ý nhá”. “OK bác. Ông Mười thương binh nặng còn hiến cả trăm mét vuông đất được nữa là nhà em? Tự nhiên nhà em có hai mặt phố chả nhất rồi còn gì”.
Được gia đình Thạch bật đèn xanh, Hoàng thông báo cho bên công trình cứ mốc giới mà làm. Sau hơn hai tháng thi công, con đường mới đã thênh thang. Mọi cong cua đã cơ bản được uốn nắn. Chỉ tức là cây bưởi nhà lão Thủ cứ lồi ra, trơ trơ ở ngã ba đường. Mọi người thấy chướng tai gai mắt vô cùng. Lão Thủ cũng mặc. Rồi tai nạn xảy ra đúng vào nhà ông. Thằng Thỉnh uống rượu đâu về, đêm khuya thanh vắng, đường mới thông thoáng phóng bạt tử cả lũ. Thằng này đi sau cùng đuổi theo loạng choạng lao chính vào cây bưởi nhà mình và phải đi bệnh viện cấp cứu.
Ông Thủ nằm vắt tay lên trán trân trân nhìn lên trần nhà. Vợ chồng thằng cả kéo đi viện hết với thằng út. Lũ trẻ cũng hoảng sợ ngồi ru rú chẳng chịu ngủ. Lát sau, Hoàng lai vợ Thạch về. Lão Thủ ngồi nhỏm ngay dậy hỏi rối rít: “Thằng Thỉnh sao rồi? Có nặng lắm không?”. “Gãy hai cái răng cửa và cánh tay trái - Hoàng nói - Phẫu thuật ổn rồi ông trẻ ạ”. Vợ Thạch tiếp lời: “Chả biết nốc ở đâu mà mồm miệng sặc hơi rượu bố ạ”. “Thì nào tao ngờ tới - Ông Thủ chép miệng - Đua đòi lắm cơ. Giờ thì chừa rồi con nhé!”. “Thôi, nhân tiện vụ này con đề nghị ông trẻ cho con chuyển cây bưởi vào trồng ở đầu nhà này ông nhé - Hoàng lựa lời - Chứ để đấy dân làng họ chửi cho. Chú Thỉnh đấy, hậu quả nhỡn tiền rồi”. Ông Thủ quay mặt nhìn thẳng Hoàng. Hoàng chột dạ, tưởng ông ấy sửng cồ lên như các lần trước nhưng ông lại buông một câu gọn lỏn: “Đấy. Anh muốn làm thế nào thì làm!”. Rồi quay sang con dâu, ông nói: “Vợ chồng anh chị chăm sóc chu đáo cho thằng Thỉnh nhé. Lỡ nó mà thành tật thì khốn”.
Sáng hôm sau, Hoàng báo bên thi công tiến hành múc cẩu cây bưởi vào trồng đúng vị trí mà anh chỉ. Lão Thủ chắp tay sau đít ra phụ họa. Rất nhiều người đến hỏi thăm tình hình tai nạn của Thỉnh tiện thể xem việc chuyển cây. Thông thoáng, đẹp đẽ hẳn. Có thế chứ. Đường chính của làng. Ngã ba của xóm. Phải rộng rãi xứng tầm thế này chứ. Giá cụ cho làm sớm thì thằng Thỉnh đâu đến nỗi. Mỗi người mỗi câu xì xào. Lão Thủ không nói gì chỉ lặng lẽ nhìn con đường và nhìn cây bưởi đã yên vị xanh tươi ngay đầu hồi.
Hoàng nhìn con đường và mọi người cùng ông chú của mình, anh khẽ mỉm cười.
Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU