Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:13, 01/02/2021
Nông nghiệp xanh là xu thế tất yếu hướng tới bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Ảnh tư liệu
Nhận thức dần thay đổi
Nhiều năm trước, do lạm dụng nên tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón trong đất, nước còn cao gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nông sản, tác động trực tiếp sức khỏe của nông dân. Đất bị thoái hóa, chất lượng nguồn nước không bảo đảm, sâu bệnh phát triển mạnh khiến sản xuất nông nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn: càng sử dụng nhiều thuốc BVTV, phân bón, càng làm chất lượng đất suy thoái, sâu bệnh càng phát triển, năng suất cây trồng không thể tăng cao, chất lượng nông sản suy giảm. Một thời, hình ảnh những kênh mương, ruộng lúa đầy vỏ bao bì thuốc BVTV không còn xa lạ.
Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết những năm gần đây, công tác truyền thông đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng phân bón và thuốc BVTV. "Qua theo dõi, chúng tôi thấy lượng thuốc BVTV sử dụng hằng năm đã giảm. Sản lượng tiêu thụ thuốc BVTV của các doanh nghiệp giảm từ 50 - 60% so với những năm trước. Lượng phân bón vô cơ cũng được sử dụng hợp lý hơn trong sản xuất", bà Kiểm cho biết. Cũng theo bà Kiểm, nguyên nhân do ngành nông nghiệp đã đưa vào sử dụng rộng rãi nhiều bộ giống kháng sâu bệnh nên sâu bệnh khó bùng phát thành dịch, không có dịch lớn. Quy trình canh tác đã thay đổi nhiều khi các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng luân canh được áp dụng rộng rãi làm giảm tích lũy nguồn bệnh, nâng cao sức khỏe cho đất. Ngoài ra, nhận thức của nông dân về thuốc BVTV cũng đã thay đổi. Người dân đã tuân thủ quy trình sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp nên thuốc BVTV không được sử dụng tràn lan như trước. Trong 3 yếu tố tác động đến chất lượng nông sản là thuốc BVTV, phân bón và nước tưới thì chất lượng nguồn nước là yếu tố khó kiểm soát nhất. Kết quả quan trắc định kỳ cho thấy chất lượng nước ở hầu hết các tuyến kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đều ô nhiễm, đặc biệt là hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ô nhiễm nguồn nước đang trở thành thách thức lớn để Hải Dương hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.
Toàn tỉnh hiện có trên 15.500 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, trong đó trên 5.000 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Các sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP đã phát huy hiệu quả vượt trội cả về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao như vải, cà rốt, cải bắp... đủ điều kiện để xuất khẩu sang các nước khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Hàn Quốc... Tuy nhiên, toàn tỉnh mới có khoảng 421 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, chủ yếu là vùng sản xuất lúa trên diện tích khai thác sản phẩm rươi cáy tự nhiên với diện tích 403,7 ha và một số ít diện tích trồng rau hữu cơ mới bắt đầu ở dạng mô hình, đề tài khoa học.
Sản xuất xanh là tất yếu
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ một trong bốn trụ cột trong phát triển tới năm 2030 là: nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp ngày càng hoàn thiện, đồng bộ và phát huy hiệu quả tốt.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì, mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển diện tích đất nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ, Hải Dương cần có những giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý bao bì đúng cách sau khi sử dụng. Đánh giá hiện trạng, tác động của ô nhiễm môi trường đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ khí sinh học biogas nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, giảm mùi, diệt khuẩn có hại và tăng khả năng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Nông nghiệp xanh là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là sức khỏe của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Việc kiểm soát các loại hóa chất trong sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường sẽ góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước mặt và nước ngầm, đồng thời tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.
VỊ THỦY