Tìm hiểu ý nghĩa hình tượng con trâu trong tranh dân gian Đông Hồ
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 17:42, 11/02/2021
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, người dân thường có xu hướng chọn những bức tranh đẹp nhất để trang trí ngôi nhà của mình ngày Tết. Bên cạnh việc lựa chọn những bức tranh phong cảnh, hoa lá thì việc treo tranh linh vật của năm đang là xu hướng.
Đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần đó, những người sản xuất tranh Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đang ngày đêm sáng tạo, bảo tồn dòng tranh quý.
Ước vọng cuộc sống thanh bình
Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế, thôn Đông Hồ, xã Song Hồ, những người chơi tranh dân gian Đông Hồ đam mê tranh không chỉ vì vẻ đẹp bề ngoài mà trong mỗi bức tranh còn có ý nghĩa sâu xa mà các nghệ nhân xưa đã gửi gắm.
Với những người dân trong vùng, tranh Đông Hồ thường được gọi là tranh Tết vì người chơi tranh thường chủ yếu chơi vào dịp Tết. Mỗi bức tranh lại có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho mơ ước người dân. Đặc biệt, với mỗi năm, các nghệ nhân ở đây thường gắn với những con vật tượng trưng cho năm đó.
Năm 2021 là năm Tân Sửu, con giáp biểu tượng là con trâu nên những ngày này, đến Đông Hồ, người dân thường chọn cho mình những bức tranh có hình ảnh con trâu.
Vừa giới thiệu ý nghĩa những bức tranh cho các du khách, anh Nguyễn Đăng Tâm, con trai Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế cho biết, trong số những con vật biểu tượng trong các năm, con trâu là hình ảnh được các nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ sáng tạo nhiều nhất với hơn 10 mẫu tranh bởi con trâu gắn liền với cuộc sống sinh hoạt thường ngày và đời sống sản xuất của người dân Việt Nam xưa.
Mỗi mẫu tranh có ý nghĩa riêng nhưng anh tâm đắc nhất là hai bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” và “Chăn trâu đọc sách”.
Để chuẩn bị các mặt hàng tranh Tết, gia đình anh đã làm hàng vạn bức tranh lớn nhỏ, phục vụ khách hàng.
Với bức tranh “Chăn trâu thổi sáo”, từ xa xưa, các nghệ nhân tranh Đông Hồ đã có sự kết hợp hài hòa giữ bố cục, màu sắc. Với màu sắc tự nhiên như xanh, đen, nâu, những nghệ nhân đã khắc họa hình ảnh chú bé khôi ngô ngồi trên lưng trâu xếp tròn chân dưới tàu lá sen màu xanh thổi sáo, bên dưới là chú trâu đen đang vểnh tai nghe, chân tung tăng như nhảy theo tiếng sáo.
Qua bức tranh, những nghệ nhân Đông Hồ như muốn thể hiện sự giao hòa giữa trời, đất, người, vật, chú trâu cũng đang hòa mình vào tiếng sáo của cậu bé, trở thành bạn thân thiết của con người.
Nhìn vào bức tranh, người thưởng thức đều cảm nhận cuộc sống thanh bình, khiến tất cả mệt mỏi đều xua tan.
Bên cạnh bức tranh “Chăn trâu thổi sáo”, bức tranh “Chăn trâu đọc sách” cũng được mọi người tìm mua rất nhiều, nhất là dịp Tết đến.
“Hình ảnh con trâu gặm cỏ, thể hiện đức tính siêng năng, cần cù, chăm chỉ, bên cạnh là cậu bé vừa chăn trâu vừa đọc sách. Qua đó, những nghệ nhân xưa muốn tôn vinh tinh thần hiếu học của người dân Việt Nam. Mặc dù trong điều kiện thiếu thốn, nhưng cậu bé vẫn luôn ham học, tìm tòi, khám phá. Đức tính này không thể thiếu trong mọi thời đại. Ngoài ra, với cuộc sống của người nông dân, việc mục đồng chăn trâu đọc sách mang tới sự thanh bình, yên vui. Những nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ đã khéo léo thể hiện ước mơ của người nông dân cho thời tiết thuận hòa, yên ấm để mùa mang được tươi tốt, bội thu”, anh Nguyễn Đăng Tâm cho biết thêm.
Ngoài sản xuất ra những bức tranh truyền thống, phục vụ người dân, các nghệ nhân làng tranh dân gian Đông Hồ vẫn đang hàng ngày sáng tạo, phát triển những giá trị của dòng tranh quý, đáp ứng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh, làng Đông Hồ, xã Song Hồ cho biết, từ năm 10 tuổi bà đã được cha ông truyền dạy cho cách làm tranh. Từ đó, bà đã thuần thục các kỹ thuật tạo bản khắc, dập khuôn, tạo màu, vẽ… cho bức tranh.
Đến nay, cùng với những nhu cầu ngày càng cao của người dân, bà luôn sưu tầm, phục chế bản khắc tranh cổ của cha ông; đồng thời sáng tạo thêm cho bức tranh phong phú. Tuy nhiên, những sáng tạo đó đều trên cơ sở, chất liệu cổ truyền cha ông để lại, từ chất liệu giấy điệp và màu sắc lấy từ thiên nhiên.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh, năm nay là năm Tân Sửu, khách hàng chủ yếu đến tìm hiểu về tranh con trâu, bên cạnh làm ra những bức tranh treo truyền thống với hình tượng con trâu đen, trâu xanh gắn liền với đồng ruộng, bà sáng tạo thêm hình ảnh con trâu vàng với mong ước cuộc sống sung túc, phú quý.
Với bàn tay khéo léo, sự sáng tạo, dịp Tết Tân Sửu gia đình bà chuẩn bị hàng trăm bức tranh lớn nhỏ với đầy đủ các chủ đề, kích thước có giá từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng.
Cấp bách bảo tồn làng nghề truyền thống
Tranh dân gian Đông Hồ là một dòng tranh tiêu biểu có giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo, mang lại dấu ấn đậm nét, tạo nên bản sắc riêng cho văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên cùng với những thăng trầm của lịch sử, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, thời gian qua, ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, dòng tranh đang đối mặt với nguy cơ mai một khi các đoàn khách du lịch thưa vắng, vì thế nguồn thu từ nghề làm tranh cũng giảm hẳn.
Anh Nguyễn Đăng Tâm chia sẻ, nếu như những năm trước, mỗi năm gia đình đón hàng vạn khách du lịch, bán hàng vạn tờ tranh thì năm 2020, các tour du lịch bị hủy, khách du lịch giảm hẳn, vì thế, cả gia đình anh và các anh chị em từ nhiều năm nay sống bằng nghề làm tranh, gặp nhiều khó khăn.
Những năm trước, mỗi dịp Tết, mặt hàng chủ lực của gia đình anh là cuốn lịch tranh có in hình các con giáp của năm đó. Tuy nhiên, năm nay, do dịch COVID-19, không có khách du lịch nên gia đình anh cũng không làm lịch, doanh thu giảm hơn một nửa, khiến đời sống các thành viên trong gia đình rất khó khăn.
Mọi người đều cố gắng động viên nhau tin tưởng dịch bệnh sẽ lùi xa để có điều kiện tiếp tục gìn giữ, bảo tồn dòng tranh quý từ thời cha ông để lại, anh Nguyễn Đăng Tâm chia sẻ thêm.
Trao đổi về những giải pháp bảo tồn và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết tranh dân gian đông Hồ là một trong những dòng tranh cổ, có giá trị đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Trước đây, dòng tranh này đã có thời phát triển rực rỡ, cả làng Đông Hồ nhà nhà đều làm tranh.
Tuy nhiên, những năm sau này, do ảnh hưởng của chiến tranh, sự vận hành của xã hội, dòng tranh đang phải đối diện với nguy cơ bị mai một. Trong làng chỉ còn một số gia đình còn gìn giữ, bảo tồn nghề làm tranh quý.
Với những giá trị văn hóa, tinh thần độc đáo của dòng tranh, năm 2012, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của dòng tranh, năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030”, dự án “Xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ”.
Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá dòng tranh; đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với địa phương hoàn thiện trung tâm bảo tồn tranh Dân gian Đông Hồ với diện tích 19.000m2 để đưa vào hoạt động và tiếp tục tuyên truyền quảng bá, xây dựng khu bảo tồn tranh.
Đặc biệt, tháng 2.2019, tỉnh Bắc Ninh đã công nhận làng tranh dân gian Đông Hồ là một trong số các điểm du lịch.
Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền tranh trên các tuyến đường chính, quảng bá qua các tờ rơi, tờ gấp, trên các cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết đến và có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo của dòng tranh này - ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết thêm.
Theo TTXVN