Làm sao giúp trẻ ăn Tết vui ở nhà
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:57, 13/02/2021
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, giảng viên Đại học Thái Nguyên, trẻ phải ở yên trong không gian hẹp suốt thời gian dài có thể gặp một số vấn đề bất thường như khó thở, chán ăn uống, ngủ không say giấc. Các triệu chứng đau cơ thể dễ xuất hiện như đau đầu, đau bụng, ngứa ngáy. Ngoài ra, tính cách trẻ có thể đột ngột thay đổi như thu mình, buồn bã, tránh giao tiếp, khóc không rõ nguyên nhân, hung hăng, khó tính hoặc "nhi hóa", tức trở nên trẻ con hơn tuổi thực.
Đặc biệt, những trẻ phải rời xa người chăm sóc có nhiều khả năng rơi vào trạng thái bất ổn như trường hợp một em bé 20 tháng tuổi không được ở gần gia đình do mẹ phải cách ly mà tiến sĩ Nhung đã tiếp xúc. "Vì nhớ mẹ mà em bé trở nên cáu gắt, đêm ngủ hay giật mình", chuyên gia kể.
Để giúp các con ăn Tết vui vẻ tại nhà, trước hết người lớn cần hiểu rằng những phản ứng khác lạ ở trẻ trong giai đoạn này là hết sức bình thường. Sau đó, phụ huynh hãy cố gắng duy trì nhịp độ sống quen thuộc và ổn định, đồng thời kích thích trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi, trải nghiệm vui vẻ nhằm tạo cảm giác an toàn và tin tưởng bằng các biện pháp sau đây.
Cung cấp, giải thích cho trẻ hiểu về tình trạng hiện tại một cách tích cực nhất và hướng dẫn trẻ những cách phòng chống dịch bệnh an toàn theo cách dễ hiểu và trực quan.
Động viên, khuyến khích trẻ tiếp tục duy trì hoặc tham gia vào các hoạt động lành mạnh như tập thể dục, súc miệng nước muối, rửa tay đúng cách, đọc sách truyện, vẽ tranh, nghe nhạc, làm đồ handmade. Bố mẹ, ông bà có thể cùng con lập thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày, dọn dẹp, bài trí, sắp xếp lại không gian sống.
Thông báo và nhắc nhở trẻ về hoạt động phòng chống dịch đang diễn ra tại nơi cư trú với tinh thần đảm bảo cao nhất cho sự an toàn của trẻ.
Thường xuyên khen ngợi, động viên trẻ nếu trẻ làm tốt hay hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Nhẹ nhàng tìm hiểu nguyên nhân trước khi đưa ra hình thức trừng phạt nếu trẻ cáu kỉnh hay khó chịu, phá phách.
Liên tục trò chuyện, tâm sự, lắng nghe những nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn của trẻ và khuyến khích con chia sẻ để phát hiện sớm những khó khăn tâm lý hoặc biểu hiện bất thường. Nếu thấy trẻ lo lắng, căng thẳng nghiêm trọng hay cảm thấy mất mát, thiếu hụt cầm kết nối, người lớn hãy chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý hoặc nhân viên công tác xã hội.
Trường hợp trẻ phải xa gia đình (do cách ly hoặc nguyên nhân nào khác), hãy tạo điều kiện cho trẻ giữ kết nối thuờng xuyên với người thân.
Người lớn cần làm gương cho trẻ trong việc tự vệ sinh, chăm sóc bản thân cũng như kiểm soát và điều hòa cảm xúc. Bên cạnh đó, hướng dẫn trẻ một số biện pháp đơn giản để nhận diện cảm xúc tiêu cực, tự điều chỉnh lại xúc cảm cũng là điều rất cần thiết. "Như vậy, trẻ sẽ học được cách tự bảo vệ sức khỏe cũng như duy trì trạng thái cân bằng, giảm bớt sự lo lắng và căng thẳng để đón cái Tết vui vẻ và hào hứng", tiến sĩ Nhung nói.
Theo VnExpress