Ngày đầu sản xuất sau Tết khi thực hiện giãn cách xã hội: Doanh nghiệp chủ động khắc phục khó khăn

Công nghiệp - Ngày đăng : 09:10, 18/02/2021

 Ngày đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp trong tỉnh đã thay đổi kế hoạch sản xuất để phù hợp với tình hình dịch bệnh, giãn cách xã hội.


Các doanh nghiệp chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Trong ảnh: Các dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH May Tinh

Lợi đều bảo đảm giãn cách 

Ngày đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn khi kế hoạch sản xuất đầu năm bị thay đổi. Có DN phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù vậy, các DN trong tỉnh vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng lòng cùng chính quyền phòng chống dịch.

Khó chồng khó 

Công ty TNHH Mizuho Precision Việt Nam trong khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) có khoảng 250 lao động. DN chuyên sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử dùng cho thiết bị văn phòng tự động và các loại thiết bị điện, điện tử khác. Trước đây, trung bình mỗi tháng, đơn vị sản xuất khoảng 3 triệu sản phẩm các loại nhưng do ảnh hưởng của dịch nên từ cuối tháng 1.2021 đến nay, công ty này mới sản xuất được khoảng 500 sản phẩm. Theo kế hoạch, ngày 16.2, các lao động sẽ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh nên chỉ có khoảng 100 lao động của công ty đang cư trú trên địa bàn huyện Cẩm Giàng có thể đến làm việc. Dù vậy, ngày 16.2 công ty vẫn phải đóng cửa, chưa hoạt động để chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của công nhân.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Mizuho Precision Việt Nam, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Hải Dương, đặc biệt khi huyện Cẩm Giàng bị phong tỏa, DN gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia, người lao động có tay nghề cao ở các tỉnh, thành phố khác không thể trở lại làm việc, sản xuất bị đình trệ. Lãnh đạo DN không thể trực tiếp đến công ty để chỉ đạo sản xuất, kinh doanh và ký các giấy tờ, chứng từ nên các thủ tục hành chính đều bị chậm. 

Công ty TNHH Camex Việt Nam ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) chuyên sản xuất lò xo công nghiệp, gia công tiện, dập các sản phẩm cơ khí, sản xuất trục, ốc vít... Trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất từ 30 - 40 triệu sản phẩm để cung cấp cho gần 100 DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử trong và ngoài nước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên ngày 16.2, hàng chục công nhân của công ty tại các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang không đến làm việc được. Vì vậy, trong ngày đầu năm mới, một số bộ phận sản xuất không có người làm. 

Cùng với đó, do việc lưu thông vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn khi Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội, rồi các tỉnh giáp ranh siết chặt quản lý người và phương tiện từ Hải Dương sang nên một số đơn hàng của công ty không thể giao cho đối tác theo đúng kế hoạch. "Chúng tôi dự kiến ngày đầu đi làm sau Tết sẽ vận chuyển hàng cho đối tác nước ngoài thông qua Cảng Hải Phòng nhưng tình huống bất ngờ của dịch Covid-19 nên không xoay xở kịp. Trong khi hàng tồn kho còn nhiều, đối tác cần hàng lắp đặt sản phẩm mà lại không có", ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH Camex Việt Nam chia sẻ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 3.2 đến nay, Công ty CP Nhà khung thép và Thiết bị công nghiệp Seico ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) phải đóng cửa không hoạt động được. Hiện nay, hơn 40 đơn hàng làm khung thép nhà xưởng cho các DN tại các tỉnh, thành phố khác đang bị đình trệ, trong đó có những đơn hàng có giá trị vài trăm tỷ đồng. "Trước diễn biến phức tạp của dịch như hiện nay, DN chưa biết khi nào sẽ hoạt động trở lại. Công ty đang rất lo lắng vì nhiều đơn hàng đã đến hạn phải trả", bà Phạm Thị Nguyên, phụ trách nhân sự công ty này chia sẻ.  


Ngày đầu sản xuất sau Tết, một số lao động của Công ty TNHH Camex Việt Nam không thể đến làm việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Thực hiện nhiều biện pháp

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định. Nhiều DN đã kích hoạt chế độ làm việc từ xa đối với cán bộ, nhân viên khối phòng, ban; họp, hội ý sản xuất bằng hình thức trực tuyến; ứng dụng các phần mềm để xử lý công việc. Tại các xưởng sản xuất được bố trí sắp xếp giãn cách theo đúng quy định. Trong khó khăn, các DN đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục để bảo đảm mục tiêu vừa sản xuất, vừa chống dịch hiệu quả.   

Theo Liên đoàn Lao động huyện Tứ Kỳ, ngày 17.2, toàn huyện có 11 trong tổng số 24 DN (có công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện) chưa cho công nhân trở lại làm việc sau Tết, chủ yếu để bảo đảm phòng dịch bệnh. Các DN này dự kiến cho công nhân đi làm từ ngày 20-22.2, như Công ty TNHH GFT Việt Nam (xã Cộng Lạc), Công ty TNHH Bai Hong (xã Nguyên Giáp)... 

Các DN đã hoạt động trở lại có trên 90% số công nhân đi làm, số công nhân chưa tới công ty chủ yếu là người ngoài tỉnh. Công nhân trước khi vào làm việc tại DN đều được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay.

Để khắc phục khó khăn trong việc giao hàng cho đối tác, đối với hàng hóa cần giao ngay cho khách, Công ty TNHH Camex Việt Nam hoàn thiện các thủ tục để chuyển hàng hóa đến chốt kiểm soát dịch giáp Hải Phòng và thuê xe vận chuyển tiếp ra cảng biển. Công ty này cũng xây dựng thêm nhà kho để chứa sản phẩm chưa cần giao ngay, chờ khi nào tình hình dịch tạm ổn sẽ tiếp tục xuất hàng. 

Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (Chí Linh) có 2 lao động bị mắc Covid-19 và gần 60 lao động là F1, trong đó chủ yếu là lực lượng bảo vệ. Để khắc phục khó khăn, công ty đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Đối với lực lượng chủ chốt vận hành các dây chuyền sản xuất như trưởng ca, trưởng kíp, người trực chính được công ty bố trí ăn, ở tại công ty. DN thay đổi chế độ làm việc từ 3 ca/5 kíp sang 3 ca/4 kíp để duy trì lực lượng dự phòng. 

Đại diện Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho biết so với những ngành nghề khác, sản xuất điện là ngành đặc thù nên DN phải bố trí lao động hợp lý để dây chuyền không bị gián đoạn. Công ty này đã quán triệt, yêu cầu cán bộ, công nhân thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch. Nếu ai vi phạm, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, công ty sẽ áp dụng các hình thức xử lý khác. 

PV