Djokovic chấm dứt 12 tháng khốn khổ
Quốc tế - Ngày đăng : 14:55, 22/02/2021
Khi tiếng hô "Nole, Nole, Nole" vang vọng khắp sân Rod Laver Arena, Djokovic buông vợt và ngã xuống sân, đắm chìm trong thành tích chói lọi tại Melbourne Park. Tay vợt số một thế giới đã đè bẹp Medvedev, người bước vào trận chung kết với chuỗi 20 trận thắng, 7-5, 6-2, 6-2 trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ.
Djokovic giành danh hiệu lớn thứ 18 trong sự nghiệp và chỉ còn kém 2 Grand Slam trong cuộc đua với các đối thủ lớn nhất của anh là Roger Federer và Rafael Nadal. Song, chiến thắng của Djokovic trước tay vợt người Nga không chỉ giúp cuộc đua các danh hiệu lớn trở nên hấp dẫn, mà còn đặt dấu chấm hết cho 12 tháng khốn khổ của Djokovic cả trong và ngoài sân đấu.
Danh hiệu thứ 9 tại Australian Open là bước đệm cho Djokovic trở lại. Ảnh: Reuters |
Chuỗi tháng ngày đen tối
Sau khi vô địch Australian Open vào tháng hai năm ngoái, Djokovic mang về danh hiệu lớn thứ 17. Dường như anh đang trên đường phá vỡ kỷ lục được bàn luận nhiều nhất của làng banh nỉ.
"Ở giai đoạn này trong sự nghiệp, Grand Slam được tôi đánh giá cao nhất. Có rất nhiều số liệu thống kê mà tôi rõ ràng tự hào, nhưng Grand Slam là lý do tôi vẫn đang thi đấu", Djokovic tuyên bố sau chiến thắng tại Melbourne 2020.
Djokovic hy vọng chiến thắng ở Melbourne Park khi đó sẽ "tạo đà cho phần còn lại của năm", nhưng mọi việc không giống như những gì tay vợt Serbia mong đợi. Phần còn lại trong năm 2020 của Nole là sự đan xen giữa những điều xui xẻo và những quyết định đáng ngờ, khiến việc theo đuổi kỷ lục vĩ đại nhất của anh tạm thời chệch hướng.
Giai đoạn khó khăn này bắt đầu ngay sau khi anh đăng quang Australian Open 2020. Thế giới sớm phải vật lộn với dịch Covid-19, với tốc độ lây lan nhanh chóng. Các sự kiện thể thao tạm dừng.
Roland Garros, ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 5, đã bị hoãn đến tháng 10, sau US Open, còn Wimbledon bị hủy bỏ. Đột nhiên chỉ có 2 Grand Slam cho Djokovic đang có phong độ cao để tranh tài ở phần còn lại của năm 2020, trong đó Roland Garros là nơi Nadal thống trị tuyệt đối. Ngoài ra, hầu hết sự kiện ATP được lên lịch từ tháng 3 đến tháng 8 đều bị hủy bỏ.
Khi quần vợt bị gián đoạn 5 tháng, Djokovic đề xuất ý tưởng tổ chức một giải đấu biểu diễn ở quê nhà Balkan từ tháng 6 đến tháng 7, với tên gọi Adria Tour.
"Không giống như nhiều tay vợt khác, tôi có thể tập luyện hầu như mỗi ngày vì có sân quần vợt tại nhà riêng. Tôi hạn chế đăng video lên mạng xã hội vì không muốn chọc tức những tay vợt khác", Djokovic cho biết.
Tuy vậy, sự kiện do Djokovic tổ chức bị chỉ trích nặng nề, khi các biện pháp giãn cách xã hội hay các quy định về an toàn được thực hiện lỏng lẻo, với hàng nghìn người hâm mộ không đeo khẩu trang. Thậm chí, nhiều tay vợt còn tiệc tùng, bỏ qua các lời khuyên về y tế tránh tiếp xúc gần.
Trong chuyến lưu diễn, một đoạn video quay lại cảnh Djokovic và loạt ngôi sao quần vợt khác cởi trần tiệc tùng tại một câu lạc bộ ẩm thực Lafayette ở Belgrade. Vài ngày sau, Djokovic nhiễm virus Corona. Phần còn lại của Adria Tour nhanh chóng bị hủy bỏ.
Tay vợt Nick Kyrgios chỉ trích đồng nghiệp: "Ngu ngốc! Ở tuổi này rồi mà anh ta còn làm vậy. Chẳng có trách nhiệm gì cả". Trong khi đó một huấn luyện viên giấu tên nói: "Sự ngu dốt hay kiêu ngạo này thuộc về Djokovic".
Khoảnh khắc đáng quên của Djokovic tại US Open 2020. Ảnh: Reuters |
Vài tháng sau, Nole đến New York với tư cách ứng viên vô địch hàng đầu, để lần thứ 4 lên ngôi US Open. Với việc Federer và Nadal đều vắng mặt, Djokovic là một trong ba nhà vô địch Grand Slam góp mặt ở nội dung đơn nam, cùng với Andy Murray và Marin Cilic.
Danh hiệu US Open coi như nằm trong tầm tay của Nole. Song, thay vì có hai tuần thoải mái và tận hưởng tại Flushing Meadows, anh nhanh chóng bị cuốn vào bi kịch và tranh cãi.
Trước giải, tay vợt số một thế giới đã bị chỉ trích vì đe dọa không tham dự nếu phải cách ly, và hạn chế số lượng thành viên của mỗi tay vợt. "Thật dễ dàng để bỏ US Open khi ai đó đã kiếm được gần 150 triệu USD trong suốt sự nghiệp của họ", Djokovic bị đồng nghiệp nói bóng gió.
Nole vẫn tham dự, nhưng cho biết đang gặp vấn đề ở cổ. Tuy nhiên, nó dường như không ảnh hưởng quá nhiều tới hành trình của anh, cho tới khi gặp Pablo Carreno Busta ở vòng 4 - trận quần vợt khét tiếng nhất năm 2020.
Sau khi bị Busta bẻ giao bóng ở game thứ 11 của set mở màn, Djokovic bực bội, lấy quả bóng ra khỏi túi quần và tức giận đánh về phía cuối sân. Pha bóng đó trúng cổ họng của nữ trọng tài dây. Anh ngay lập tức giơ tay xin lỗi và lao đến giúp đỡ trọng tài dây. Tuy vậy, trọng tài chính Soeren Friemel không còn lựa chọn nào khác ngoài việc truất quyền thi đấu của hạt giống số một, dù anh không cố ý.
Djokovic bị phạt 250.000 USD tiền thưởng mà anh giành được với thành tích vào vòng 4, bị tước điểm thưởng trên bảng xếp hạng có được tại giải. Song, cú đánh lớn hơn đối với anh là việc không có thêm danh hiệu Grand Slam vào bộ sưu tập của mình.
Vài tuần sau, Djokovic vào chung kết Roland Garros, nơi anh nhận thất bại toàn diện 0-6, 2-6, 5-7 trước vua đất nện Nadal. Anh bế tắc ở mốc 17 danh hiệu Grand Slam, trong khi Nadal đã bắt kịp Federer khi có 20 chức vô địch.
Bàn đạp sau danh hiệu thứ 9 tại Australian Open
Australian Open 2021 cho Djokovic một cơ hội để khởi động lại, khi anh trở lại sân đấu với kỷ lục 8 lần vô địch.
Suy nghĩ về danh hiệu thứ 9 của tay vợt Serbia gần như vụt tắt chỉ cách đây 9 ngày, khi anh chấn thương nặng sau cú trượt chân trên dòng chữ "MELBOURNE" màu trắng phía sau vạch cuối sân, trong trận đấu vòng 3 với Taylor Fritz. Sức khỏe của Djokovic trở thành tâm điểm chú ý của giải đấu. Song, ngay cả vết rách cơ bụng cũng không thể ngăn anh tạo thêm lịch sử ở Australia.
Djokovic sắp bắt kịp số danh hiệu Grand Slam với Nadal và Federer. Ảnh: BBC |
"Novak rất cần chiến thắng này. Cậu ấy đã phải trải qua rất nhiều điều, đặc biệt sau US Open năm ngoái và một trận chung kết khá tệ tại Roland Garros", HLV Goran Ivanisevic của Djokovic cho biết.
Nếu Djokovic thua ở Melbourne, anh vẫn sẽ xếp sau Federer và Nadal với cách biệt 3 danh hiệu lớn. Khoảng cách này có thể bị nới rộng nếu Nadal vô địch Roland Garros vào tháng 6. Song, chiến thắng tại Australian Open giúp anh có Grand Slam thứ 18 trong sự nghiệp.
Djokovic là tay vợt trẻ nhất trong "Big 3" và danh hiệu thứ 9 tại Melbourne có thể là chất xúc tác giúp anh tiếp tục gặt hái danh hiệu, công phá kỷ lục vĩ đại nhất của quần vợt nam thế giới.
Nó cho thấy, đối với Djokovic, thực sự không có nơi nào giống Melbourne, đặc biệt là sau một năm thất bại. Giải đấu này dường như là thứ anh cần để trở lại.
"Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Rod Laver Arena. Tôi yêu các bạn hơn mỗi năm. Càng thắng nhiều, tôi càng cảm thấy vui trở lại qua từng năm. Tình duyên cứ thế trôi", Djokovic chia sẻ sau lễ đăng quang hôm 21.2.
Theo Zing