Khoảng trống
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:50, 27/02/2021
1. Cu Tuấn chạy ra dòm đồng hồ lần nữa, phụng phịu:
- Mẹ ơi, bảy giờ rồi cơ đấy. Bố vẫn chưa về. Đến khi nào mới được ăn cơm hở mẹ? Con còn mấy bài tập toán nữa chưa làm cơ ạ!
Bà mẹ chồng cũng sốt ruột:
- Thôi, chờ nó làm sao được. Cứ dọn cơm ăn dần thôi chứ mẹ cu Tuấn!
Chị Hồng dừng máy may, bất giác nhìn ra cửa thở dài. Thi thoảng vẫn phải đợi cơm anh Đảo thế này. Có bữa phải hâm đi hâm lại rồi anh mới loạng choạng trở về, người sặc mùi bia rượu. Mấy lần chị Hồng nhắc nhẹ. “Nếu không có công việc gì cần thiết, anh chú ý nhớ lần sau về sớm, chứ để hai bà cháu, một già một trẻ nhỏ đợi cơm thế này, tội quá”. Chẳng ngờ lúc ấy anh Đảo nổi quạu, buông lời cục cằn: “Ai bắt mẹ con cô phải đợi mà còn than? Tôi đi có việc. Biết đâu mà đợi. Người ta đi bàn chuyện làm ăn, mang tiền về xây đắp cái nhà này”. Nếu chị Hồng cằn nhằn thêm nữa, không biết chừng bát chén xô nhau. Chị sợ cái cảnh phải lụi cụi đi nhặt từng mảnh bát vỡ dưới sàn nhà. Có lần sơ ý còn bị cứa vào tay, máu rỏ xuống đỏ lòm. Nước mắt nghẹn ứ lồng ngực còn anh đã ngủ yên trên giường từ lúc nào, giày chưa kịp tháo, tiếng thở phì phò hắt ra nồng nặc. Từ lần ấy chị đã biết làm những việc mình thích, hoặc xem ti vi cho thời gian chờ đợi nhanh chóng qua mau. Những bộ phim truyền hình Hàn Quốc đã cuốn chị một cách say sưa. Hôm nay, chị vừa xem phim vừa làm nốt đơn hàng nhận về từ công ty, sáng mai chục bao găng tay đã đến hạn nộp. Công việc đem lại cho chị mỗi tháng vài triệu, không nhiều nhặn gì nên nhiều lần anh bảo dẹp, chỉ cần chị ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp, chăm nom mẹ già và nuôi dạy con là được. Nhưng chị không nghe. Dù gì tiền công cũng đủ để chị chủ động chi tiêu vặt. Biết đâu lúc ngửa tay xin tiền, anh lại chẳng ném vào mặt chị với cái nhìn khinh bạc?
Cố đợi thêm mười phút nữa, chị Hồng quay vào mời mẹ chồng và gọi con:
- Không chờ bố nữa. Ra ăn cơm thôi con.
Ăn xong, chị loay hoay dọn dẹp rồi ngồi vào bàn uống nước, mắt lơ đễnh lướt tin tức trên điện thoại. Chị nhíu mày khi đập vào mắt là bài báo với những dòng tin làm chị giật mình: “Hai ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng được phát hiện là một nam nhân viên Cảng hàng không tỉnh Q và một nữ công nhân ở thành phốC, tỉnh H. Sau đó, tại sân bay V, cơ quan y tế đã phát hiện tổng cộng thêm 10ca nhiễm mới, còn tại nhà máy ở thành phố C, nơi nữ công nhân nói trên làm việc, đã phát hiện thêm 72 ca nhiễm mới”.
Chẳng phải thành phố C là nơi anh Đảo có đối tác ở đó sao? Mới tuần trước anh còn từ đó trở về, mang theo 2 cân ổi làm quà.
Ánh đèn pha và tiếng ô tô dừng lại ở cổng làm chị mừng rỡ. Chưa bao giờ chị lại mong anh về đến thế. Chị hỏi một cách vồ vập, lòng lo lắng:
- Anh không phải từ thành phố C về đấy chứ? Anh đã nghe tin tức gì chưa?
- Tin tức gì? Từ bao giờ mà cô có cái kiểu tra hỏi chồng như hỏi cung vậy chứ?
Biết chồng tức giận vì tưởng chị đa nghi, giở thói ghen tuông đàn bà đành hanh, chị đành nhỏ nhẹ:
- Không phải vậy, anh! Là trên ấy đã có ca dương tính rồi. Em chỉ lo cho anh thôi!
Anh Đảo nghe vợ nói bỗng chột dạ. Nhưng... chắc gì. Anh gạt ngay ý nghĩ vừa lóe lên. Trong thành phố có hơn hai trăm nghìn người, anh ở đó có mất bao lâu thời gian, mà đâu phải ai cũng có thể bị lây nhiễm. Tuần trước cũng chỉ trưa đi tối về. Thật không ngờ, cái con Covid chết tiệt tưởng đã biến mất rồi bỗng dưng giờ quay lại rồi sao? May mà đấy là tuần trước. Chứ tuần này, Đảo chỉ quanh quẩn trong huyện. Mới buổi tối, nhóm bạn rủ nhau đi ăn uống, cà kê ở nhà hàng rồi ngồi hát karaoke suốt cả tiếng đồng hồ. Về đến huyện rồi, thấy thật yên tâm. Biết đâu chỉ ngày mai thôi là có lệnh phong tỏa thành phố C?
2. Làng Mây bao đời nay quanh năm chỉ biết cặm cụi với nghề đan lát bện tre mây, ruộng vườn và rau màu. Bấy lâu làng vốn yên ả là thế năm ấy bỗng rộn lên chuyện đất cát. Bình thường việc ai nhà nấy làm, từ nhà ra đến ruộng rồi trở về ngồi miệt mài bên mấy cái nong nia, cái rổ rá nhưng bỗng dưng bữa đó cứ xôn xao hẳn lên. Chuyện là đận ấy nghe đâu có dự án xây dựng công ty điện tử nằm ngay trên cánh đồng Hàn thế nên người người, nhà nhà ra hóng vào hóng. Đi đến đâu người ta cũng xì xào bàn tán chuyện giá đất tính theo mức đền bù là bao nhiêu, diện tích đất mở trên cánh đồng sẽ đến ruộng nhà nào. Có thông tin ở gần đó sẽ có khu dân cư mới được mọc lên. Những nhà có ruộng ở cánh đồng Hàn sẽ chỉ ngồi nhà mà nhấm nước bọt đếm số tiền đền bù đến mỏi tay.
Vợ chồng chị Hồng chẳng vất vả nhiều như mọi nhà phải đôn đáo chạy vạy chỗ nọ chỗ kia. Ông cậu ruột tên Định ở bên Nhật làm ăn khấm khá, chỉ một cuộc điện thoại gọi sang nhờ vả là tiền được rót ngay về để đủ nộp. Không phải vay trả lãi ngân hàng như nhiều nhà vì ông cậu bảo, khi nào có thì trả, nói luôn là cho mượn, lãi suất không đồng. Chẳng mấy khi người nhà có việc cạy nhờ nên ông Định giúp nhiệt tình. Không phải lo trả lãi, bạo gan, anh Đảo liều bỏ thầu với số tiền cao hơn nhiều so với giá sàn. Anh trúng thầu hẳn hai suất đất. Chỉ đến tuần sau sang tay ngay cho người khác anh cũng bỏ túi gần hai trăm triệu. Bỗng dưng chẳng phải chân lấm tay bùn cũng kiếm ra tiền một cách dễ dàng, đang đà may mắn anh đầu tư luôn vào buôn bán bất động sản, phất lên như diều gặp gió. Thì đấy cái nhà 4 tầng to cao lừng lững, đẹp từ cổng đẹp vào đến nhà được trang trí bằng hệ thống cây cảnh mà nghệ nhân nào nhìn vào cũng phải xuýt xoa, ao ước. Không những thế, Đảo còn sở hữu trong tay vài lô đất ở những khu đắt đỏ. Nhưng, cũng không bao lâu sau kể từ khi gia đình có của ăn của để, anh chẳng mấy khi quan tâm đến vợ con như trước. Anh nhiều khi nói với vợ bằng những lời trịch thượng, chuyện chăn gối cũng dần lạnh nhạt...
Chị Hồng vừa làm vừa vẩn vơ cùng những ý nghĩ lộn xộn. Quẩn quanh trong đầu chị lúc này là câu hỏi, lẽ nào chồng chị thấy cuộc sống bên ngoài thú vị hơn ở nhà?
… Thế mà thành phố C đã có lệnh phong tỏa thật. Suốt mấy hôm nay, chị Hồng từ nhà ra đến chợ, xem thời sự trên ti vi hay đọc báo mạng chỉ thấy người ta chủ yếu đưa tin và bàn tán xôn xao toàn là về dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở khắp các huyện trong tỉnh. Nghe mà sốt cả ruột. Trên loa truyền thanh của xã cứ đôi tiếng người ta lại phát đi bản tin về thông tin dịch bệnh, nghe như thời xưa mỗi khi có máy bay giặc, loa lại giục giã kêu gọi bà con xuống hầm trú ẩn. Mỗi ngày nghe ở huyện nọ huyện kia thêm trường hợp mắc khiến chị không khỏi lo âu.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch truy vết F1, F2 khoanh vùng rất nhanh. Chị Hồng xúc động khi xem hình ảnh những bác sĩ, nhân viên y tế tận tụy, vất vả trong xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân. Họ kiệt sức sau nhiều ngày chiến đấu liên tục với Covid-19, phải nằm nghỉ, truyền nước. Căng thẳng, áp lực là thế nhưng họ vẫn đầy quyết tâm, kiên cường chống dịch. Rồi các anh bên công an, quân đội, có người chị vẫn gặp hằng ngày bỗng nhiều hôm không thấy đâu, hỏi ra mới biết đi chống dịch.
- Tình hình sao rồi chị? Em nghe tin tỉnh mình đã có nhiều ca dương tính mà lo quá. Ở quê mình có ổn không vậy? Gia đình bình an chứ?
Chú em con cậu Định gọi điện về dồn dập hỏi thăm. Chị Hồng lặng người đi vì xúc động: “Hiện giờ quê mình vẫn bình an. Mọi người đang nắm tay nhau, quyết tâm dẹp dịch…”. Chị định cúp máy thì bà mẹ chồng khua chiếc gậy, loẹt quẹt đôi dép bước ra. “Bảo nó chuyển máy cho mẹ nói chuyện với cậu Định”. Bà mẹ chồng giọng hoang mang nhưng cũng đầy tự hào, kể lể: “Ngày xưa gian khổ trường kỳ kháng chiến là thế, tưởng dẹp xong giặc ngoại xâm đã yên bình rồi. Không ngờ đến giờ lại phải gồng mình dập dịch, chẳng khác nào chống giặc khi xưa. Thế mà dân quê mình vẫn ngời ngời khí chất truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết đồng lòng lắm cậu nó ạ. Rồi mấy mà sẽ trở lại cuộc sống bình thường thôi, cậu khỏi lo nhé”. Cu Tuấn học bài xong, cầm cái chổi ra sân quét, miệng ngân nga, chân nhún nhẩy bài hát Ghen Cô Vy nổi tiếng: “Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều. Đừng cho tay lên mắt mũi miệng…”. Chị Hồng nhìn con phát phì cười: “Cha bố anh. Có mấy câu ấy thôi mà ngày nào cũng hát”.
- Dịch dã thế này vẫn không giữ chân nổi được thằng Đảo à? Nhà chị cũng nhắc nhở nó đi chứ. Cứ đi tối ngày, không biết sợ là gì!
Nghe mẹ chồng nhắc, chị trả lời mà như an ủi mình:
- Anh ấy bận công việc thôi mà mẹ!
3. Chị Hồng sững người khi anh Đảo là F1. Bữa ấy lệnh gọi đi cách ly gấp gáp và bất ngờ đến nỗi chị chỉ kịp gói ghém ít quần áo tư trang cho chồng. Gia đình chị phải cách ly tại nhà. Qua truy vết, anh Đảo đã kịp tặng cho mấy em tiếp viên ở quán karaoke trên phố cái mác F2. Thật sốc hơn khi Đảo có kết quả xét nghiệm dương tính, trở thành F0, biến gia đình và hai em tiếp viên từ F2 thành F1. Ngay trong đêm khi nhận được thông báo, chị Hồng lại phải khăn gói, dắt díu mẹ chồng và con trai theo xe đi vào khu cách ly tập trung. Nhiều người trong xã hoang mang vì họ cũng từng đến những quán karaoke ấy, những địa điểm có tên trong thông báo của chính quyền. Hai em tiếp viên F1 xinh trẻ, quyến rũ biết chiều chuộng khách nên đắt sô được các quán mời gọi suốt vì khách hàng cuối tuần có nhu cầu mua vui đông hơn ngày thường, các em lại cần kiếm thêm tiền mua sắm, diện dàng. Thế là tăng ca. Đúng là nhu cầu giải trí ngày một cao khi người ta ăn nên làm ra, muốn thể hiện chất chơi trong những cuộc nhậu, cuộc vui với lối sống ích kỷ muốn hưởng thụ hết mình mà không cần để tâm xung quanh người khác nghĩ gì. Anh Đảo ở nhà mấy khi hát, mà hát thì ngang phè phè. Thế mà quán karaoke nào ở đâu, có những em tiếp viên nào mới cũng nhẵn mặt. Nghe người ta bảo, ngồi trong phòng mát cầm míc nhưng bao giờ bên cạnh Đảo cũng phải kiếm được em “tay vịn” mơn mởn mới chịu. Hát thì lạc nhịp nhưng tay "múa" không ai bằng. Nhìn lịch trình di chuyển mà người ta đăng trên phương tiện thông tin đại chúng, chị Hồng mới hết sức ngỡ ngàng. Thảo nào mà cứ về đến nhà, Đảo lại ghẻ lạnh với vợ con.
Chẳng bao lâu xã bị phong tỏa, những gã đàn ông đi “vịn” trên phố mới lòi cái mặt chuột, đầy đủ các thành phần lứa tuổi nhưng đều chung một sở thích “ham của lạ”. Anh nào cũng được gắn thêm chữ F kéo theo cả vợ con, họ hàng cùng phải cách ly. Ai cũng ngỡ ngàng, sao chú Đảo ngày thường phong thái đĩnh đạc thế, lại hay nói chuyện đạo lý lắm cơ mà? Chị Hồng mỉm cười chua chát, những khoảng vỡ trong lòng cứ dần rạn ra. Tỉnh đang trong tâm dịch, thông thương hàng hóa hạn chế, xã bị phong tỏa, chợ lại cấm họp thế này thì rau màu của ông bà ngoại cu Tuấn sẽ ra sao khi mà cải bắp, su hào, cà rốt đang ở kỳ thu hoạch? Nghĩ đến đấy chị chợt nhói lòng. Bao công chăm sóc, tiền vốn đầu tư cây giống, lân đạm, thuốc trừ sâu đâu phải là ít. Tình hình thế này tiêu thụ sao được. Thương bố mẹ quá, cả đời tảo tần cặm cụi làm lụng mà con gái chưa báo đáp được gì.
- Hôm qua toàn bộ cà rốt, cải bắp, su hào của nhà ta đã được giải cứu rồi. Thật may nhờ có Đoàn Thanh niên xã chia sẻ, kêu gọi giúp đỡ nên phía đầu cầu Hà Nội người ta kéo đến mua sạch bay đó chị!
Vừa mới rạng sáng, cái Hà em gái chị Hồng đã gọi điện báo tin vui. Quả là trong khốn khó, hoạn nạn mới thấy rõ được tấm lòng. Chị vội vàng lên mạng. Hình ảnh chị em trong Hội Phụ nữ xã đang tích cực cấy lúa giúp những gia đình phải đi cách ly cho kịp thời vụ mới thấy cảm động làm sao.
- Bà nội và hai mẹ con sao rồi? Anh lo quá!
Tin nhắn của chồng gửi đến làm chị Hồng dịu hơn. “Anh cứ yên tâm điều trị đi. Cả nhà ổn rồi mà”, chị chỉ biết trả lời và an ủi chồng đến thế. Cũng chẳng thể bỏ mặc nhau trong lúc này vì cái tình cái nghĩa vợ chồng đâu thể ngày một ngày hai. Biết đâu sau đận này anh Đảo sẽ thay đổi. Chỉ vì lối sống ích kỷ, ham vui của chồng chị mà đã xảy ra cơ sự, gây phiền lụy, khiến bao người phải nhọc công, vất vả đêm ngày, nguy khốn cho cả cộng đồng.
Chị Hồng ngước nhìn lên, thấp thoáng bóng các bác sĩ áo trắng làm chị an lòng...
Truyện ngắn của VŨ THỊ THANH HÒA