Hết dịch nhà ta cùng ăn Tết bù
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 15:32, 27/02/2021
Chồng Huệ làm bộ phận điều hành lưới điện của huyện Nam Sách.
Nhà cách cơ quan 7 km nhưng do yêu cầu phòng chống dịch của Công ty Điện lực nên anh cũng không được về nhà.
“Khi bệnh viện cử cán bộ tăng cường đến Chí Linh, tôi không chần chừ mà muốn được đến ngay với nhân dân”, điều dưỡng Huệ kể.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ chăm sóc người bệnh tại Phòng khám đa khoa Thái Học (Chí Linh)
Lấy nhau được 10 năm, có 2 đứa con năm nay học lớp 1 và lớp 2, lần đầu tiên, 2 vợ chồng xa nhau, cùng không ở nhà trong dịp Tết.
Mọi việc ở nhà đều phải nhờ cậy ông bà 2 bên.
Khi chia tay cả hai vợ chồng đều không đủ "dũng khí" nói với hai đứa nhóc, Tết này bố mẹ không ở nhà với các con.
“Tết là để sum vầy, chúng tôi ở ngành y lại là phụ nữ có con nhỏ nên mọi năm lãnh đạo bệnh viện đều ưu tiên không phải trực đêm giao thừa. Lần đầu tiên xa gia đình vào dịp Tết. Nhớ nhà, nhớ con lắm”.
Từ ngày 27.1, Trung tâm Y tế TP Chí Linh chuyển thành Bệnh viện Dã chiến số 1- cơ sở điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Khi thành phố thực hiện phong tỏa chống dịch COVID-19, người dân của TP Chí Linh – trong vùng phong tỏa, sẽ không có một cơ sở khám chữa bệnh cấp cứu.
Không may đau ốm, cấp cứu cơ sở y tế nào điều trị cho họ?
Đứng trước yêu cầu này, Sở Y tế Hải Dương phối hợp với các chuyên gia của Đoàn công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương tìm các trạm y tế trong toàn thành phố để thiết lập Phòng khám bệnh đa khoa tạm cho người dân TP Chí Linh.
Sau khi khảo sát, Trạm Y tế phường Thái Học thuộc TP Chí Linh được lựa chọn.
Bởi đây là nơi sát đường giao thông, cơ sở vật chất ổn nhất cho thiết lập một phòng khám với đủ các chuyên khoa ban đầu như sản, nhi, cấp cứu ngoại…
Kíp trực đêm giao thừa gồm thầy thuốc của các đơn vị y tế tỉnh Hải Dương tại Phòng khám đa khoa Thái Học
Chọn được nơi đặt phòng khám tạm thời, nguồn nhân lực cho phòng khám này lại là bài toán khó giải khác.
Bởi nhân lực của Trung tâm Y tế TP Chí Linh đã phải chia đôi.
Một nửa trực chiến dành cho điều trị bệnh nhân COVID-19. Nửa còn lại rải đều cho các điểm chốt, điểm cách ly tập trung…
Vì vậy điều dưỡng Huệ cùng 36 cán bộ y tế của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hải Dương được điều động đến từ những ngày TP Chí Linh thực hiện phong tỏa đến nay.
Nhớ lại ngày lên đường tiến vào tâm dịch, chị Huệ bồi hồi: “Tôi nhận được lệnh đi Chí Linh chỉ có ít giờ để chuẩn bị đồ. Chỉ kịp chào tạm biệt bố mẹ và các con rồi bắt xe ra bệnh viện đi luôn. Lúc đấy cũng chỉ biết nói với bố mẹ, có lẽ chúng con sẽ đi đến hết tết. Ở nhà, mong bố mẹ trông 2 cháu giúp vợ chồng con…"
Cả ông, cả bà giọng buồn buồn nhưng vẫn cố tỏ vẻ mạnh mẽ. “Các con cứ yên tâm đi vào vùng dịch làm tốt công việc của mình, lo cho người dân thật tận tình. Bố mẹ sẽ cố để khỏe”, lời của mẹ nói tôi vẫn còn nhớ mãi đến ngày hôm nay.
Hai vợ chồng tôi tuy cùng xa nhà nhưng vẫn điện thoại, cùng nhau động viên. Hết dịch nhà ta cùng ăn Tết bù.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ (thứ 3 từ phải sang) trong sáng ngày mùng 1 Tết Tân Sửu
Nhớ chồng, nhớ 2 con nhỏ là thế, nhưng điều dưỡng Huệ vẫn không quên nhiệm vụ chính của bản thân khi đang ở tâm dịch.
Những ngày đầu tại Phòng khám công việc rất bộn bề. Lo lắp đặt trang thiết bị. Dọn dẹp phòng khám sạch sẽ để sẵn sàng đón người dân. Làm quen với mặc đồ bảo hộ. Kiểm soát nhiễm khuẩn tại phòng khám cho an toàn.
“Chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ trong cả ca trực. 1-2 ngày đầu không thể nhìn nổi, khẩu trang làm mờ hết kính bảo hộ, lại thêm lớp kính chắn bên ngoài. Sau vài ngày tôi dần quen hơn.” – điều dưỡng trẻ tâm sự.
Kể về những ngày ở tâm dịch, điều dưỡng Huệ cho biết: Người dân trong TP Chí Linh hiện chỉ có phòng khám là nơi khám chữa bệnh cấp cứu duy nhất. Nên công việc các thầy thuốc ở đây rất vất vả. Khi chưa có dịch, cả 1 Trung tâm Y tế với đầy đủ các khoa, phòng từ cận lâm sàng đến xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh…
Vì là phòng khám tạm thời trong những ngày phong tỏa, nên còn nhiều thiếu thốn. Thời tiết đông xuân lại thất thường, người dân đến khám bệnh rất đông. Trung bình mỗi ngày phòng khám đón 60 người đến khám bệnh, phát thuốc. Có những ngày gần 100 người đến khám.
Ban đầu các thầy thuốc còn chưa quen với những bữa cơm trong hộp xốp, bát canh để trong những cốc nhựa bé tí.
Mệt nhoài vì bệnh nhân đông, bỏ bữa là chuyện thường ngày. Nhưng nay sau gần tháng bám trụ nơi tâm dịch, niềm vui của người dân khi được chăm sóc sức khỏe khỏa lấp những nỗi buồn xa nhà. Bữa cơm hộp xốp giờ đã quen và ngon miệng hơn.
“Nỗ lực gấp đôi” – đó là những gì Huệ và các thầy thuốc chia sẻ sau gần một tháng nằm trong tâm dịch.
Cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn đang trước mắt, chưa biết ngày gia đình được đoàn tụ. Điều dưỡng Huệ cùng đội ngũ cán bộ y tế vẫn đang nỗ lực hết sức mình để sẵn sàng cứu chữa cho các bệnh nhân. Người dân TP Chí Linh yên tâm khi có cơ sở khám, chữa bệnh của mình.
Lời bố mẹ văng vẳng khi dặn Huệ lên đường vào tâm dịch: Con yên tâm công tác, ở nhà, bố mẹ và các cháu vẫn khỏe. Hết dịch, Hải Dương quê mình sạch bóng COVID, nhà mình sẽ mở hội ăn tết thật lớn.
Theo Sức khỏe & Đời sống