Nâng cao chất lượng vùng vải xuất khẩu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:35, 03/03/2021
Chị Quách Thị Phượng ở thôn 3, xã Thanh Xá dành nhiều thời gian để theo dõi hoa vải, nếu có hiện tượng gì bất thường sẽ khắc phục ngay
Bảo vệ vải ngay từ đầu
Mặc dù đang là thời điểm giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, huyện Thanh Hà chưa tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân các quy trình chăm sóc nhưng các hộ đều chủ động chăm sóc, bảo vệ vải.
Gia đình anh Nguyễn Văn Đài ở thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Quang có hơn 3 sào vải sớm nằm trong vùng xuất khẩu. Các cây vải của gia đình anh đang trong thời kỳ đậu quả. Anh Đài vui mừng cho biết: "Đây là năm vải ra hoa nhiều nhất trong 5 năm trở lại đây, dự báo sẽ được mùa". Theo anh Đài, chăm sóc vải trong vùng xuất khẩu khó hơn bên ngoài vùng vì có nhiều yêu cầu. Vải xuất khẩu tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ bị cấm, tuân thủ nguyên tắc "4 đúng", không để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi thu hoạch quả, phải có nhật ký ghi lại từng loại phân bón đã sử dụng.
Chị Quách Thị Phượng ở thôn 3, xã Thanh Xá đã có kinh nghiệm sản xuất vải xuất khẩu nhiều năm nhưng không vì thế mà chị chủ quan. Thời điểm vải ra hoa rất quan trọng, được hay mất đều phụ thuộc vào giai đoạn này. Vì thế chị dành nhiều thời gian để theo dõi hoa, nếu có hiện tượng gì bất thường sẽ khắc phục ngay. Nhiều khi vải ra hoa, đậu sai quả nhưng nếu chăm sóc không đúng quy trình cũng sẽ bị rụng rất nhiều. Chị Phượng cho biết trong vùng vải xuất khẩu mọi người thường hướng dẫn nhau để sản xuất hiệu quả. Đến nay chỉ nhìn qua lá, thân, hoa có hiện tượng gì bất thường là chị có thể "bắt bệnh" cho cây vải. So với những năm trước thì nay mọi người đã nhận thức đúng hơn về vải xuất khẩu nên làm nghiêm túc theo quy trình. "Họ đã rút kinh nghiệm từ những năm trước, một số lô vải khi xuất đi bị trả về do không bảo đảm chất lượng, dư thuốc bảo vệ thực vật", chị Phượng nói.
Huyện Thanh Hà hiện có 3.500 ha vải, trong đó có khoảng 2.000 ha vải muộn, còn lại là vải sớm. Hiện cả 2 trà vải đều phát triển tốt, diện tích ra hoa đạt 98%. Dự kiến năm nay vải thiều Thanh Hà sẽ được mùa. Toàn bộ diện tích vải ở đây được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, khoảng 500 ha vải đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 30 ha sản xuất theo quy trình GlobalGAP. Huyện hiện có 155,3 ha vải được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước Mỹ, Nhật Bản, Úc...
Mở rộng vùng vải xuất khẩu
Theo UBND huyện Thanh Hà, năm nay địa phương tiếp tục mở rộng hơn 200 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu tập trung ở các xã Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Hồng, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Xá. Huyện yêu cầu các xã lựa chọn những người sản xuất có trình độ thâm canh tốt, tự nguyện đăng ký vào vùng xuất khẩu. Những người này phải tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chấp hành quy định của cơ quan chuyên môn để sản xuất ra sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện xuất khẩu. Ông Phạm Huy Mơ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết đối với những vùng vải xuất khẩu phải được kiểm dịch thực vật và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt. Tại đây sẽ có chuyên gia hoặc cán bộ nông nghiệp giám sát việc duy trì vùng trồng. Nếu phát hiện trường hợp nào trong vùng không tuân thủ nghiêm các quy trình, phá vỡ hệ thống sẽ xử lý nghiêm.
Vùng vải xuất khẩu được mở rộng tiếp tục tạo cơ hội thuận lợi cho quả vải thiều Thanh Hà tại thị trường nước ngoài. Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết mở rộng vùng vải xuất khẩu còn kết nối và xây dựng các chuỗi liên kết bền vững để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị quả vải. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay nhiều khả năng quả vải sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ngay từ bây giờ huyện yêu cầu các xã, thị trấn có vải cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất cho người dân, bảo đảm sản phẩm đủ tiêu chuẩn, yêu cầu của đối tác. Bên cạnh đó cần quan tâm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quả vải thiều trên internet và mạng xã hội; đổi mới hình thức xúc tiến tiêu thụ vải theo tình hình thực tế.
HƯƠNG GIANG