Ngô Tất Tố làm báo với Tản Đà
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 11:32, 14/03/2021
Tờ "An Nam tạp chí" của Tản Đà ra được đến số 10 thì tự đình bản vì thiếu tiền. Sau một thời gian xoay xở và với sự giúp đỡ vô tư của bạn bè, tạp chí tiếp tục trở lại với bạn đọc.
Một hôm, tại tòa soạn ở phố Hàng Bông (Hà Nội), Ngô Tất Tố được Tản Đà chiêu đãi. Câu chuyện đang rôm rả, Tản Đà ân cần nói: "Lần này tạp chí tái bản, nhờ ông hỗ trợ một tay". Ngô Tất Tố vui vẻ: "Tôi xin sẵn sàng viết giúp". Rượu ngà ngà, Tản Đà bốc lên: "Việc ông giúp xin cứ giúp, nhuận bút tôi xin gửi ông đầy đủ". Ngô Tất Tố cũng chếnh choáng: "Đệ giúp huynh chứ tiền nong cái gì, chỗ anh em mà".
Tản Đà gật gù: "Ông không lấy tôi cứ trả. Đó là quyền của bản báo". Ngô Tất Tố đáp: "Ông có trả, tôi cũng không nhận, đó là quyền của tôi". Cuộc vui đã trở thành trận tranh cãi không đâu vì nhuận bút nhưng họ vẫn là cộng sự chí tình của nhau trên "mặt trận" báo chí.
Lần khác, hai người lại uống rượu nhưng ở Sài Gòn. Tạp chí tái bản được mấy số lại "chết" cũng chỉ vì không có tiền để lo chi phí cho báo. Tản Đà dẫn Ngô Tất Tố vào Sài Gòn để tiếp tục ra báo, với hy vọng ở Sài Gòn, Tản Đà có Diệp Văn Ký là bạn thân đang làm chủ nhiệm "Đông Dương thời báo" giúp đỡ. Tiếc thay, chính quyền thực dân ở đây không cho phép. Cả hai đành lại làm cộng tác viên cho Văn Ký. Cái nghèo vẫn chẳng chịu buông tha. Đã mấy tháng liền không trả được tiền thuê nhà, chủ nhà dọa đuổi. Một hôm, Tản Đà bảo Ngô Tất Tố trông nhà để mình đi "xoay". Tối mò mới thấy Tản Đà ôm một bọc, lò dò về. Ngô Tất Tố sốt ruột hỏi: "Có vay được không?”. Tản Đà phấn khởi nói: "Có”. Rồi bỏ cái bọc xuống bàn kèm theo một chai "nước trắng" chính hiệu. Gói mở ra, vịt quay, rau thơm, kiệu muối, tương ớt... đủ cả. Ngô Tất Tố càng sốt ruột hỏi: "Vay được bao nhiêu?". Tản Đà đủng đỉnh: "Vay thì vay được đấy. Có trả cũng chẳng đủ. Tôi làm tí nhắm... dùng tạm!". Ngô Tất Tố thốt lên: "Nợ lại chồng thêm nợ!" và thở dài nhìn ông bạn nhà báo - nghệ sĩ.
Qua hai mẩu chuyện trên, chúng ta thấy Tản Đà và Ngô Tất Tố không chỉ say với rượu mà còn say với nghề văn, nghiệp báo. Hai cụ quả sống chết với nghề.
LÊ HỒNG BẢO ANH(st)