Tập thể dục khi bị cao huyết áp cần lưu ý gì?

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:41, 16/03/2021

Tập thể dục rất tốt cho việc kiểm soát huyết áp, thế nhưng người bệnh cần nắm vững những lưu ý khi tập luyện dành cho người bị cao huyết áp trước khi bắt đầu.

Lưu ý khi tập luyện dành cho người bị cao huyết áp - Ảnh 1.
Rất nhiều người mắc bệnh cao huyết áp thường sợ tập thể dục hay vận động nhiều sẽ nguy hiểm khi gặp các biến chứng như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Thế nhưng không thể phủ nhận được lợi ích của việc luyện tập đối với việc hỗ trợ kiểm soát huyết áp.

Để an toàn, bạn chỉ cần nắm vững những lưu ý khi luyện tập dành cho người bị cao huyết áp dưới đây.

1. Mắc bệnh cao huyết áp có nên tập luyện?

Theo các chuyên gia y tế, người mắc bệnh cao huyết áp cần duy trì chế độ sinh hoạt nhẹ nhàng, vận động vừa phải để tránh xảy ra tình trạng tăng huyết áp đột ngột. Trong sinh hoạt hàng ngày, người mắc bệnh cao huyết áp cần tránh làm việc quá sức, tránh xúc động mạnh. Nói chung, người bệnh sẽ phải vào guồng điều tiết lại cuộc sống mới để kiểm soát huyết áp.

Đây cũng chính là lý do vì sao mà bạn nên có những kế hoạch phù hợp khi bị cao huyết áp, chuyên gia đã chỉ ra, 8 bước quan trọng để lập kế hoạch sống chung với bệnh cao huyết áp.

Thế nhưng, việc luyện tập thể dục mỗi ngày với cường độ phù hợp lại vô cùng có lợi cho người mắc bệnh cao huyết áp. Tập thể dục giúp các mạch máu trong cơ thể lưu thông, cơ bắp và sức khỏe tổng thể được nâng cao. Từ đó, giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn.

Vì vậy, người bệnh cao huyết áp nên tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ, chỉ cần lựa chọn bộ môn thích hợp là được.

2. Những lưu ý khi tập luyện dành cho người bị cao huyết áp

Dưới đây là những điều cần lưu ý khi luyện tập dành cho người cao huyết áp:

2.1. Lưu ý khi luyện tập

- Nên tập luyện vừa phải, không nên vận động quá nhẹ cũng không nên quá nặng. Hãy đảm bảo chế độ luyện tập hoàn toàn vừa sức với bản thân.

- Trước khi bắt đầu bài tập, hãy chắc chắn rằng bạn đã thực hiện khởi động đúng cách. Sau đó, hãy giảm dần cường độ nếu muốn ngừng tập để đảm bảo an toàn.

- Một lưu ý khi luyện tập dành cho người bị cao huyết áp đó là cần đảm bảo sự đều đặn mỗi ngày. Bạn nên tập khoảng 30 phút mỗi ngày và duy trì 3-4 lần mỗi tuần. Không nên tập quá nhiều và quá nặng.

- Nên tập luyện với một nhóm bạn hoặc người thân để đảm bảo có người ở bên cạnh khi vận động, đề phòng khi cần giúp đỡ.

- Nên kiểm tra huyết áp trước và sau mỗi bài tập để đảm bảo an toàn; nếu cảm thấy có sự thay đổi trong kết quả đo, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ luyện tập sao cho phù hợp.

- Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá trước và trong khi luyện tập.

- Nếu có điều kiện, hãy tập luyện dưới sự theo dõi của các chuyên gia hoặc huấn luyện viên chuyên nghiệp. Người bệnh sẽ được theo dõi huyết áp kĩ càng cũng như có những bài tập, tư thế tập đúng cách.

2.2. Lưu ý về cách chọn lựa bài tập phù hợp

Lựa chọn được bộ môn phù hợp với tình trạng sức khỏe là một lưu ý khi tập luyện ở người bị cao huyết áp. Bởi nếu lựa chọn sai bộ môn, bạn có thể khiến cơ thể gặp nguy hiểm khi gắng sức luyện tập. Dưới dây là một số bộ môn thể dục được chuyên gia y tế khuyến nghị cho người bị cao huyết áp:

Lựa chọn được bộ môn phù hợp với tình trạng sức khỏe là một lưu ý khi tập luyện ở người bị cao huyết áp

Đi bộ: Đây là bộ môn thể dục phù hợp với người mắc bệnh cao huyết áp nói riêng và hầu hết mọi người nói chung. Việc đi bộ khá đơn giản, người bệnh chỉ cần đi bộ đều chân với tốc độ hơi nhanh là được. Làm sao đảm bảo bạn có thể vừa đi vừa nói chuyện mà không cảm thấy hụt hơi là đảm bảo an toàn.

Chạy chậm: Bộ môn này được coi là dành riêng cho người bị tăng huyết áp. Bài tập sẽ bắt đầu bằng các bước chạy chậm, sau đó từ từ tăng dần tốc độ lên ở mức vừa phải. Khi muốn kết thúc chạy, bạn nên giảm dần tốc độ thành đi bộ nhanh, đi bộ chậm rồi dừng hẳn.

Cầu lông, yoga, bóng bàn, tập dưỡng sinh cũng là các bộ môn đòi hỏi sự vận động khá nhẹ nhàng, rất tốt cho người bị tăng huyết áp.

Theo Phụ nữ Việt Nam