Nhiều chính sách mới đối với giáo viên có hiệu lực

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 13:54, 19/03/2021

Từ ngày 20.3, nhiều chính sách mới liên quan đến giáo viên có hiệu lực, đáng chú ý là tăng hệ số lương, bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên.


Cách xếp lương mới của giáo viên từ mầm non đến THPT có hiệu lực từ ngày 20.3.2021

4 Thông tư mới từ số 01-04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập ban hành ngày 2.2.2021 có hiệu lực từ ngày 20.3.2021. Theo đó, giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (đang áp dụng hệ số lương từ 1,86 - 4,98); giáo viên tiểu học từ 2,34 - 6,78 (đang áp dụng từ 1,86 - 4,98); giáo viên THCS từ 2,34 - 6,78 (đang hưởng lương theo hệ số từ 2,1 - 6,38). Giáo viên THPT về cơ bản không thay đổi cách xếp lương, bổ nhiệm. 


Hiện nay, lương giáo viên tính theo công thức sau: lương bằng mức lương cơ sở nhân hệ số lương cộng với các loại phụ cấp trừ đi mức đóng các loại bảo hiểm.

Đến ngày 1.7.2022, phụ cấp thâm niên của giáo viên mới bị bãi bỏ. Do vậy, từ ngày 20.3 đến thời điểm đó, giáo viên các cấp vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên cùng các khoản phụ cấp khác. Sau ngày 1.7.2022 trở đi, dự kiến mức lương cơ sở và phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ thì giáo viên có thể được hưởng lương theo số tiền cụ thể trong bảng lương mới sau cải cách tiền lương. 

Quy định tăng hệ số lương cho giáo viên góp phần nâng cao thu nhập cho nhà giáo. Mức lương giáo viên trẻ mới vào nghề được tăng lên sẽ thu hút học sinh có năng lực, phẩm chất tốt vào học các trường sư phạm. Hơn nữa, giáo viên cũng được cải thiện thu nhập khi nghỉ hưu, không còn tham gia giảng dạy. Các giáo viên phấn khởi trước thông tin về tăng hệ số lương. Cô giáo Kim Thị Hường, Trường Mầm non Đông Xuyên (Ninh Giang) cho rằng với giáo viên từng hạng sẽ áp dụng hệ số lương khác nhau, sẽ có hạng tăng nhiều, tăng ít. Dù phải có những điều kiện đi kèm nhưng tăng lương cũng là điều vui mừng với giáo viên.

Theo quy định cũ, giáo viên các cấp học (từ mầm non đến THPT) đều phải đáp ứng yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp; chứng chỉ tiếng dân tộc với vị trí, việc làm yêu cầu tiếng dân tộc. Với giáo viên dạy ngoại ngữ THPT, THCS, tiểu học phải có chứng chỉ ngoại ngữ thứ hai đáp ứng điều kiện quy định. Quy định cũ cũng yêu cầu về trình độ tin học ở mức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định. 

Theo các thông tư mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định bắt buộc về trình độ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ. Yêu cầu về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và năng lực sử dụng ngoại ngữ được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên các hạng để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên. 

Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định “cứng” như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”. Yêu cầu về trình độ tin học không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định mà là “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ” của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.

Quy định mới này được đánh giá là phù hợp thực tiễn, giảm áp lực và những yêu cầu không thiết thực với giáo viên.     

Theo thầy Vũ Đình Hoan, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Khê (Bình Giang), khi đào tạo ở trường sư phạm hay bồi dưỡng nâng cao, giáo viên đều học đầy đủ ngoại ngữ, tin học cơ bản theo chương trình đào tạo. Nhiều giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn không sử dụng đến ngoại ngữ (trừ giáo viên dạy môn chuyên ngoại ngữ), lâu ngày sẽ mai một. Đối với tin học, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy hiện nay là bắt buộc, qua học ở trường sư phạm, bồi dưỡng thường xuyên hoặc tự học giáo viên có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng soạn thảo thông thường và các ứng dụng phần mềm cần thiết hỗ trợ giảng dạy.

“Khi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giáo viên sẽ giảm được áp lực không cần thiết, giảm bớt chi phí khi đồng lương còn thấp để tập trung giảng dạy, chăm lo gia đình”, thầy Hoan nói.

HN