Chuyện của vợ
Đời sống - Ngày đăng : 09:45, 28/03/2021
Cậu em nói oang oang: “Chết thật, chị nhà mình bày bán hàng ra vỉa hè, khách vào mua không bảo đảm giãn cách anh ạ. Chúng em nhắc nhở nhưng chị ấy có thái độ phản ứng. Lần đầu nên đoàn chỉ nhắc nhở, chứ lần sau thì anh thông cảm cho chúng em nhé!”.
Cơn nóng giận bốc lên khiến hai thái dương Tấn cứ rần rật khó chịu, chuyện này khác gì một người xây còn một người cứ phá, mà Tấn lại là cán bộ y tế phường.
Về nhà, Tấn thấy mặt Thoa bí xị, chả khác quả bóng căng đợi nổ tung nếu động vào.
- Đấy, anh xem, gì thì cũng là vợ Trạm trưởng Trạm Y tế, thành viên đoàn kiểm tra của phường bên, lạ gì nhau đâu mà lại bắt bẻ, còn dọa lập biên bản những vài triệu. Mới có mấy ngày được mở bán đồ ăn mang về, thử hỏi đến hết tháng em có thu nổi vài triệu không, làm gì thì cũng phải để cho dân lao động xoay xở kiếm miếng ăn đổ vào mồm...
Nghe vợ xả giận xong, Tấn bình tĩnh hạ giọng:
- Giữa chuyện sinh kế và việc phòng chống dịch, em phải khách quan và tuân thủ để làm sao mình vừa làm vừa phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho mình và mọi người, chứ đừng vì lý do này kia...
- Thôi thôi, ông ơi, tôi chán lắm cái giọng này rồi. Thử hỏi từ hôm có dịch đến giờ, ông đi bất kể ngày đêm, lương với phụ cấp có tăng thêm không, còn việc nhà, con cái học hành trực tuyến, bán quán đổ hết lên đầu tôi!
Câu chuyện cứ thế thành ra vợ chồng anh không tìm được tiếng nói chung. Thoa giận chồng, hôm sau không mở cửa hàng, vào bữa ăn thì nói mát: “Thôi, nghỉ ngơi lại thành ra hay! Vừa đỡ vất vả, mệt người, vừa không bị chồng con nói!”. Tấn buồn về cách hành xử của vợ nhưng đành tạm gác lại, anh sẽ tìm dịp thích hợp để giải quyết việc này. Dù sao Thoa cũng vất vả bươn chải, kiếm đồng tiền mồ hôi công sức, lại ít va chạm nên suy nghĩ còn hạn hẹp, hay nảy sinh tâm lý bức xúc.
Hôm nay đã nguôi nguôi giận, nghỉ mãi thấy buồn, Thoa lại đi chợ nấu đồ bán cho khách.
Bố mẹ chồng Thoa để lại cho vợ chồng cô căn nhà mặt phố, dù nhỏ thôi nhưng vị trí đắc địa, cũng là cái cần câu cơm của cả nhà. Đang xách làn ra cửa thì Minh, người hàng xóm có chồng cũng là cán bộ chữ thập đỏ phường đi tới, qua chiếc khẩu trang nhưng Thoa vẫn nhận thấy niềm vui và tiếng cười của Minh:
- Chị Thoa ơi, em bảo này!
- Gì thế, chị đang đi chợ hay lát về buôn sau!
- Không, việc này em muốn bàn ngay với chị cơ!
- Ừ thế em cứ nói xem nào.
- Khu phố mình đang phát động chương trình chung tay ủng hộ các hộ nghèo bị ảnh hưởng do dịch bệnh đấy, chị tham gia đi!
- Ôi, cái món này chị ngại lắm. Mà chị nói thật, chị em mình cũng khó khăn đây này, thế đã có ai giúp đỡ mình đâu.
Minh nhìn Thoa rồi lắc đầu:
- Em chịu chị, chị nói thế anh Tấn suy nghĩ lắm đấy. Những người lao động như chị em mình đợt dịch này phải chịu ảnh hưởng rồi, nhưng mình còn được nhúc nhắc bán hàng, miễn là bảo đảm tốt phòng chống dịch. Chứ chị thấy đấy, mấy gia đình anh Toán, chị Quyên, anh Hoàng, chị Hồng làm dịch vụ, cắt tóc, bán nước vỉa hè thì có khổ hơn không. Hôm qua, chị Hồng còn sang vay tiền em đóng tiền điện nước tháng trước. Vậy mà chị ấy vẫn dành ra một chút để mua khẩu trang, nước sát khuẩn tặng cán bộ y tế các phường.
Nghe Minh nói vậy, Thoa giật mình nhớ lại... Thôi đúng rồi, hôm qua anh Tấn có mang về đưa cho vợ hộp khẩu trang y tế, nói là của các chị phụ nữ khu phố gửi tặng các gia đình bán đồ ăn phải tiếp xúc với khách hàng nhiều.
Bỗng nhiên Thoa thấy xấu hổ. Vì chị biết hoàn cảnh của chị Hồng, chồng mất sớm, hai đứa con nhỏ đang đi học, cả nhà trông vào cái hộp đồ nghề sơn móng tay móng chân. Hơn tháng nay phải đóng cửa hàng, cái hộp đồ nghề bám bụi, rồi vay tiền chi phí sinh hoạt vậy mà vẫn biết nghĩ tới những người khó khăn. Trong khi mình lại vô tâm đi nhận quà từ những người còn khó khăn hơn, rồi thì nổi nóng nói những lời khó nghe vì lúc nào cũng chỉ nghĩ tới nỗi khổ bản thân…
Thoa cười ngượng nghịu:
- Vậy cho chị đóng góp một chút với khu phố nhé. Buổi tối rảnh rỗi, mấy chị em mình mang đồ về đóng gói để trao tặng cho kịp.
THU HẰNG