Sự kiện nổi bật ngày 31.3
Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 18:53, 31/03/2021
TRONG NƯỚC
Sáng 31.3, tại Nhà Quốc hội, với sự điều hành của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV đã bầu đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội giữ chức Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Chiều 31.3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3.2021, được xem là phiên họp cuối cùng trước khi kiện toàn của Chính phủ khóa XIV. Tại phiên họp thường kỳ này, Chính phủ sẽ xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Ngày 31.3, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) và Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Công ty Hà Nội Metro) bắt đầu kiểm đếm hồ sơ, tài sản để bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13 km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80 km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng). Ban đầu dự án dự kiến đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại. Trong ảnh: Tàu đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông có tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN
Chiều 31.3, 1.000 lá cờ trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do báo Người Lao động phát động và thực hiện đã được trao cho đồng bào, chiến sĩ biên giới tỉnh Đồng Tháp. Dịp này, báo Người Lao động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp còn trao 30 suất học bổng cho các học sinh là con của đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Trao 1.000 lá cờ cho đồng bào, chiến sĩ biên giới tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Ngày 31.3, tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước phối hợp với UBND huyện Lộc Ninh tổ chức công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội truyền thống tập quán và tín ngưỡng Dua Tpeng (Lễ hội Phá Bàu) của dân tộc Khmer. Lễ hội Phá Bàu là lễ hội truyền thống lâu đời, là một loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều giá trị độc đáo riêng, nội dung phong phú, đa dạng của người Khmer Lộc Khánh nói riêng và của tỉnh Bình Phước nói chung. Trong ảnh: Đại diện chính quyền địa phương nhận quyết định công nhận Lễ hội Phá Bàu là di sản văn hóa phí vật thể quốc gia. Ảnh: K GỬIH –TTXVN
Ngày 31.3, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum Võ Văn Thiện cho biết, bệnh nhân nữ Y Xuân (65 tuổi), người lớn tuổi nhất trong 4 ca bệnh nghi do ngộ độc thực phẩm ở thôn Kon Du (xã Măng Cành, huyện Kon Plông), đã tử vong vào ngày 30.3. Đây cũng là ca tử vong đầu tiên trong nhóm các trường hợp nghi bị ngộ độc và đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Trước đó, từ tối 25 đến ngày 27.3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận, điều trị cho 4 bệnh nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm gồm: A Hoàng (10 tuổi), A Long (22 tuổi), A Đoàn (21 tuổi) và Y Xuân (65 tuổi) đều trú tại thôn Kon Du (xã Măng Cành, huyện Kon Plông). Các bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, cần được theo dõi ngộ độc Clostridium Botulinum. Trong ảnh: Một bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum) do nghi ngờ bị ngộ độc. Ảnh: Khoa Chương – TTXVN
TRONG TỈNH
Sáng 31.3, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu chủ trì hội nghị giao ban quý I.2021 của Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp chống dịch để sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội khẩn trương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải thực sự quyết liệt và theo phương châm "5 rõ". Tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ; tập trung phối hợp tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026... Trong ảnh: Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị giao ban quý I.2021 của Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Ảnh: Hoàng Biên
Chiều 31.3, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với tập thể lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh về tình hình xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và hoạt động, xây dựng Trường Chính trị tỉnh là trung tâm về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Hải Dương theo Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 7.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ. Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu yêu cầu Trường Chính trị tỉnh tiếp tục hoàn thiện đề án để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, trong đó bổ sung các giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Xây dựng lộ trình để tham mưu đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC ở một số lĩnh vực từ các ngành về trường. Trường Chính trị tỉnh cần đổi mới phương thức quản lý và hoạt động, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên và có cơ chế thu hút học viên... Trong ảnh: Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu chủ trì buổi làm việc với Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Hạo Nhiên
Sáng 31.3, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Ủy ban Bầu cử (UBBC) huyện Thanh Miện. Buổi chiều, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh phối hợp Ủy ban MTTQ tỉnh làm việc với UBBC huyện Nam Sách. Phát biểu kết luận buổi giám sát tại huyện Thanh Miện, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đề nghị huyện tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong chuẩn bị bầu cử. UBBC các cấp trong huyện tích cực nắm chắc tình hình, sát sao cùng cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ, bám sát hướng dẫn, quy định của cấp trên; kịp thời báo cáo, trao đổi trong thực hiện công tác bầu cử. Tại huyện Nam Sách, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toản đề nghị UBBC các cấp của huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác bầu cử. Coi trọng công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, nhất là việc phân loại giải quyết theo đúng trách nhiệm, thẩm quyền, thời hạn theo đúng quy định. Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toản phát biểu kết luận buổi làm việc với Ủy ban Bầu cử huyện Nam Sách. Ảnh: Danh Trung
QUỐC TẾ
Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiến hành một hội nghị trực tuyến 3 bên trong ngày 30.3 để thảo luận về hợp tác và các vấn đề quốc tế. Tại hội nghị, ba nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm việc phối hợp các nỗ lực chống đại dịch COVID-19, trong đó đề cập khả năng đăng ký, sử dụng và sản xuất vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga tại các nước Liên minh châu Âu (EU). Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình ở Ukraine, Belarus, Libya, Syria và vấn đề hạt nhân Iran. Trong ảnh (tư liệu): Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo tại một hội nghị ở Paris. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30.3 thông báo chính quyền của ông sẽ có những hành động mới nhằm chống lại tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á. Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã thiết lập một sáng kiến liên ngành tại Bộ Tư pháp nhằm giải quyết bạo lực chống lại người châu Á và một ủy ban đặc nhiệm về công lý liên quan tới COVID-19 giải quyết và chấm dứt nạn bài ngoại chống lại người Mỹ gốc Á. Trong ảnh: Người dân tham gia tuần hành phản đối bạo lực nhằm vào người gốc Á tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 30.3, một quan chức Colombia nhận định khó có khả năng giải cứu 11 thợ mỏ mắc kẹt trong mỏ khai thác vàng bị ngập nước ở vùng Caldas, miền Tây Colombia. Hiện các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực chặn dòng nước mưa chảy vào bên trong mỏ vàng. Cùng với đó, nhóm cũng tìm cách đưa máy bơm xuống sâu hơn để hút nước từ bên trong hầm. Tuy nhiên, nhà chức trách Colombia cho biết ngày càng ít cơ hội để lực lượng cứu hộ tiếp cận các thợ mỏ bị mắc kẹt. Trong ảnh: Nhân viên cứu hộ nỗ lực giải cứu các thợ mỏ bị mắc kẹt trong mỏ khai thác vàng bị ngập nước ở vùng Caldas, miền Tây Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN
Từ ngày 30.3, mạng thanh toán điện tử PayPal chính thức cho phép người dùng tại Mỹ sử dụng tiền điện tử cho các giao dịch mua bán hàng hóa trực tuyến trên nền tảng này. Trong thông báo mới đưa ra, Giám đốc điều hành (CEO) Dan Schulman cho biết PayPal triển khai tính năng "Checkout with Crypto" nhằm thúc đẩy việc sử dụng và đưa các loại tiền điện tử trở thành những công cụ thanh toán chính thống, đáp ứng thực tế rằng các hình thức thanh toán điện tử và tiền kỹ thuật số đang ngày càng được ưa dùng. Trong ảnh: Biểu tượng mạng thanh toán điện tử PayPal tại một sự kiện ở Saint-Denis, gần Thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN