Hành trình chiến thắng đại dịch
Xã hội - Ngày đăng : 07:46, 01/04/2021
Niềm vui của nhân dân trong đêm TP Chí Linh dỡ bỏ phong tỏa
Cuối tháng 1.2021, Hải Dương trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất cả nước khi đợt dịch thứ ba với chủng virus mới biến thể từ Anh bùng phát từ Chí Linh, sau đó lan ra tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Với sự chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ tích cực từ Trung ương, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, dịch bệnh ở Hải Dương đã được kiểm soát tốt. Từ hôm nay 1.4, Hải Dương đã chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Cuộc chiến cam go
Ngày 26.1, Trung tâm Y tế TP Chí Linh nhận được thông tin một công dân người địa phương từng làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam (khu công nghiệp Cộng Hòa, Chí Linh) được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh Nhật Bản. Ngày 27.1, một công nhân khác của công ty này có liên quan đến ca bệnh do Nhật Bản phát hiện cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Một ngày sau đó (ngày 28.1), Hải Dương ghi nhận thêm 72 ca mắc tại TP Chí Linh, hầu hết đều liên quan đến ca bệnh tại Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam. Công ty này trở thành ổ dịch lớn, được coi như một "quả bom" với lực sát thương lớn. Đến ngày 31.3, đã có hơn 350 trong tổng số 726 ca bệnh ở Hải Dương liên quan đến ổ dịch này.
Trong nửa đầu tháng 2, số ca mắc mới của Hải Dương hầu như duy trì ở 2 con số, có ngày tới gần 50 ca. Nhiều trường hợp khi được phát hiện đã có lịch trình di chuyển phức tạp, gặp gỡ nhiều người. Dịch lại diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán làm cho tình hình càng trở nên phức tạp. Thiếu chỗ cách ly tập trung, nguy cơ lây nhiễm chéo cao khi có điểm cách ly lên tới gần 1.000 người, công suất xét nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu... là những vấn đề Hải Dương phải đối mặt và không tránh khỏi lúng túng lúc đầu.
Chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng)
Việc phải phong tỏa TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, sau đó là phong tỏa toàn tỉnh còn đẩy Hải Dương vào một cuộc khủng hoảng trong tiêu thụ nông sản khi có hàng triệu con gia cầm, hàng nghìn tấn rau củ... đến kỳ thu hoạch mà chưa tiêu thụ được.
Thần tốc, quyết liệt
Ngay khi dịch vừa bùng phát, từ Hà Nội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng và Đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh dự Đại hội XIII của Đảng đã họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái đang dự đại hội đã xin phép về Hải Dương chỉ đạo công tác chống dịch. Tinh thần "chủ động, quyết liệt, thần tốc, 4 tại chỗ" là phương châm hành động được tỉnh chỉ đạo ngay từ những ngày đầu chống dịch. Hơn 2 tháng chống dịch, tùy từng thời điểm mà Hải Dương điều chỉnh hành động phù hợp, song tinh thần trên vẫn luôn quyết liệt tại mọi địa phương.
Mỗi khi có ca mắc mới, các địa phương đều khoanh vùng, cách ly, thần tốc truy vết, xác định nguồn lây. Hải Dương đã trải qua một cái Tết thật đặc biệt khi cả hệ thống chính trị cùng xuyên Tết chống dịch. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh không nghỉ Tết, trực 24/24 giờ để chỉ đạo chống dịch. Các y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội, tình nguyện viên, các tổ "Covid cộng đồng" không quản ngày đêm làm việc, chăm sóc bệnh nhân, chăm lo Tết cho người trong khu cách ly, vùng cách ly, truy vết. Người dân được khuyến cáo "đón Tết ở nhà là biện pháp tốt nhất để phòng dịch"...
Tổ "Covid cộng đồng" ở khu dân cư Lưu Thượng, phường Hiệp An (Kinh Môn) giám sát chặt chẽ tình hình phòng chống dịch đến từng hộ
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hải Dương quán triệt mỗi đơn vị hành chính cấp xã phải chủ động chuẩn bị sẵn sàng ít nhất một địa điểm cách ly tập trung. Khắc phục hạn chế về năng lực xét nghiệm, tỉnh đã ký kết với Công ty CP Công nghệ Việt Á hỗ trợ, nâng công suất xét nghiệm lên hàng chục nghìn mẫu mỗi ngày, tối đa 40.000 mẫu gộp/ngày, giúp việc truy vết, khoanh vùng ngày càng thuận lợi hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh triển khai xét nghiệm trên diện rộng, đánh giá nguy cơ tình hình dịch trong cộng đồng.
Từ khi dịch bùng phát, các đồng chí lãnh đạo tỉnh liên tục có mặt tại các điểm nóng, kiểm tra thường xuyên, đột xuất để quyết liệt chỉ đạo, điều hành, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch. Các cuộc họp đột xuất, kể cả vào ban đêm diễn ra thường xuyên ở tỉnh và cơ sở nhằm ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Không ít địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương bị kiểm điểm, khiển trách vì chưa thực hiện tốt các biện pháp cấp bách trong cuộc chiến chống "giặc Covid-19".
Qua công tác chống dịch, Hải Dương rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là bảo đảm 5 nguyên tắc phòng chống dịch (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị), phương châm "4 tại chỗ", thực hiện nghiêm 5K... Đặc biệt là chủ trương khoanh vùng và xét nghiệm diện rộng, phong tỏa gọn vừa đủ, không tràn lan. Tăng cường mạnh mẽ hoạt động của tổ "Covid cộng đồng", thành lập và đưa vào hoạt động các tổ "An toàn Covid" tại cơ quan, doanh nghiệp; xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá cơ sở lao động, trường học, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống về việc bảo đảm phòng dịch. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các quy định phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân Công ty TNHH Best Pacific Việt Nam tại khu công nghiệp Cẩm Điền-Lương Điền (Cẩm Giàng)
Hải Dương vì cả nước, cả nước vì Hải Dương
Trong cuộc chiến chống Covid-19, Hải Dương đã không đơn độc khi được sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương và các tỉnh bạn. Ngay khi dịch vừa xuất hiện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã cử ngay đoàn công tác của bộ gồm lãnh đạo và chuyên gia chống dịch của 3 đơn vị trực thuộc tới Hải Dương hỗ trợ triển khai điều tra, giám sát dịch tễ và các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng chống dịch. Bộ Y tế điều động các chuyên gia xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y tế công cộng và Trường Đại học Y Hà Nội tới Hải Dương hỗ trợ xét nghiệm. Bộ đã điều động Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai giúp Hải Dương thiết lập ngay hệ thống điều trị để thực hiện điều trị tại chỗ.
Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế tỉnh Hải Dương, Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện dã chiến 2
Cán bộ y, bác sĩ được huy động tối đa, kể cả nhân viên y tế cơ sở, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương để tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Lực lượng quân đội, công an được tăng cường trên khắp các mặt trận nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, trực chốt, kiểm soát tại các điểm cách ly tập trung. Quân khu 3 hỗ trợ tỉnh phun khử khuẩn ở nhiều địa phương như Chí Linh, Cẩm Giàng, Kim Thành…
Đặc biệt, trong đợt đầu tiên cả nước triển khai tiêm vaccine Covid-19 vào tháng 3, Bộ Y tế đã quyết định phân bổ cho Hải Dương 33.000 liều, là địa phương được nhận số vaccine nhiều nhất cả nước. Hải Dương đã và đang triển khai tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Đồng hành cùng Hải Dương chống dịch còn có các "Mạnh Thường Quân" ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần và bằng nhiều việc làm thiết thực, đặc biệt là sự đoàn kết, chung tay góp sức của nhân dân trong tỉnh. Tính từ ngày 1.2 - 31.3, riêng Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh đã nhận được gần 90 tỷ đồng và rất nhiều vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phòng chống dịch do hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, cá nhân trong cả nước ủng hộ.
Ở khắp các địa phương trong tỉnh dấy lên phong trào ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Nhiều tập thể, cá nhân, các tổ chức, hội thiện nguyện, người dân ủng hộ trực tiếp lực lượng chống dịch bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Văn nghệ sĩ cả nước cùng hướng về Hải Dương bằng các tác phẩm cụ thể. Chưa bao giờ, chưa một phong trào, cuộc vận động nào tại Hải Dương lại nhận được sự quan tâm, chung sức đồng lòng ủng hộ của toàn xã hội với nguồn lực lớn như vậy.
Chủ động phòng dịch trong trạng thái bình thường mới
Trường Tiểu học Thanh Hải (Thanh Hà) bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay và máy đo thân nhiệt cho học sinh
Đến nay, đã có nhiều ngày Hải Dương không ghi nhận ca bệnh mới (từ ngày 19 - 30.3, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 2 ca bệnh đều là các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung). Trong số 726 bệnh nhân đã có 638 người được ra viện. Có 9 địa phương đã qua 20 ngày không ghi nhận ca mắc mới gồm thị xã Kinh Môn, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà, Bình Giang, Nam Sách, Tứ Kỳ và Cẩm Giàng. Các Bệnh viện dã chiến số 1 và 2 đã được giải thể. Ngày 26.3, cụm dân cư Văn Xá thuộc phường Ái Quốc (TP Hải Dương) là cụm dân cư cuối cùng trong toàn tỉnh được dỡ bỏ cách ly y tế, đánh dấu Hải Dương không còn nơi nào bị phong tỏa, cách ly y tế do có liên quan trực tiếp đến ca bệnh Covid-19.
Từ hôm nay, Hải Dương đã bước sang trạng thái bình thường mới. Tỉnh vẫn quán triệt mạnh mẽ tinh thần 5K của Bộ Y tế, đồng thời quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Nhóm phóng viên Phòng Văn hóa - Xã hội