Cuộc thi cho học sinh hay ''sân chơi'' của người lớn?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:05, 02/04/2021

Có những cuộc thi rõ ràng giấy trắng mực đen là dành cho học sinh, sinh viên, nhưng dư luận vẫn đánh dấu hỏi ngày càng lớn rằng sân chơi ấy thực chất dành cho ai?

Đầu tiên là cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương. Những năm đầu, đây là nơi những sinh viên ngành kỹ thuật của các trường đại học trong cả nước thỏa sức sáng tạo những chú robot với chi phí khiêm tốn.

Dạo ấy, sinh viên ăn ngủ ở trường, đục đẽo những vật liệu tận dụng đâu đó hay mua ở chợ về để hì hục làm robot đi thi. Cuộc thi hấp dẫn ở tính sáng tạo tràn đầy năng lượng của người trẻ và khó đoán kết quả.

Thế rồi sau đó, một trường đại học tư thục đã đầu tư tiền tỷ để sinh viên trường lấy giải nhiều năm liền. Dần dần, sinh viên những trường mạnh về kỹ thuật như Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật, Bưu chính viễn thông... và cả khán giả cũng không còn mặn mà với cuộc thi này nữa.

Tương tự, mấy hôm nay dư luận lại xôn xao về cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh phổ thông. Sân chơi dành cho học sinh nhưng nhiều ý kiến cho rằng dường như đang có bóng dáng của người lớn lấp ló sau các công trình dự thi. Bởi những công trình đoạt giải quá cao siêu, "ngang với đề tài tiến sĩ" và hoàn toàn quá tầm đối với học sinh phổ thông. 

Nhiều người còn bàn tán rằng đề tài là do giáo viên nghĩ ra, hỗ trợ học sinh thực hiện để lấy giải và mang thành tích về cho trường. Chưa kể, do học sinh đoạt giải sẽ được ưu tiên tuyển thẳng vào đại học (nếu đoạt giải nhất, nhì, ba) nên cuộc thi càng "khốc liệt" hơn với sự tham gia, đầu tư của phụ huynh nhằm kiếm vé vào đại học cho con cũng như rạng danh cho gia đình.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật khi ra đời vốn hàm chứa một mục đích và ý nghĩa đúng đắn: nơi để học sinh phát huy tư duy khoa học, tìm tòi kiến thức đa lĩnh vực, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình...

Cuộc thi cũng đã chắp cánh cho nhiều đề tài phát triển và đi vào ứng dụng trong thực tế từ góc nhìn thú vị của học sinh. Chẳng hạn một học sinh ở Lâm Đồng làm sân phơi thông minh khi thấy cha mẹ phơi cà phê thường bị mưa ướt. Hay học sinh ở TP.HCM làm cánh tay thông minh khi đi thăm nhà dưỡng lão, nơi nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Và cũng có học sinh trăn trở về vấn đề môi trường đã tạo những ống hút, vật liệu thân thiện với môi trường...

Trong một cuộc thăm dò trên báo, ý kiến "bỏ" cuộc thi khoa học kỹ thuật đã áp đảo so với ý kiến muốn "giữ". Nhiều người khác mong muốn cuộc thi vẫn được duy trì nhưng phải là sân chơi thật sự của học sinh chứ không phải của người lớn. 

Khi nào cuộc thi vẫn còn là sân chơi của trường để lấy thành tích, của phụ huynh lấy vé vào đại học cho con thì khi ấy sẽ vắng dần những học trò đam mê khoa học thật sự và dư luận sẽ quay lưng. Ngược lại, nếu cuộc thi thực chất và bổ ích, là nơi để học sinh thi thố và sáng tạo cùng nhau thì khi ấy dư luận chắc chắn sẽ ủng hộ hết mình, chứ không lên tiếng đòi bỏ như hiện nay.

Theo Tuổi trẻ