Có gì đáng chờ đợi khi các tỉ phú đổi tên hàng loạt siêu thị?
Kinh tế - Ngày đăng : 20:27, 07/04/2021
Người dân mua hàng tại hệ thống siêu thị VinMart
Khi người tiêu dùng cả nước quen thuộc với thương hiệu Vinmart của tỉ phú Phạm Nhật Vượng thì ngay đầu tháng 4.2021, Masan công bố kế hoạch đổi tên chuỗi bán lẻ này thành WinMart.
Trước đó một tháng, đồng loạt các siêu thị mang tên Big C cũng đã thay áo đổi tên thành Topsmarket, còn các đại siêu thị Big C đổi thành Go.
5 năm trước, khi mua lại hệ thống Big C từ Casino của Pháp, các thông tin cho thấy Central Group được giữ thương hiệu này, vốn từ lâu được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng vì giá tốt, hàng hóa phong phú, trong 10 năm, tuy nhiên, mới nửa chặng đường, nhà bán lẻ của tỉ phú Thái Lan đã quyết định ‘thay áo", tái định vị thương hiệu từ một Big C giá rẻ lên thành Tops market cao cấp.
Cũng 5 năm trước, thị trường bán lẻ Việt Nam từng dậy sóng với câu chuyện hai tỉ phú Thái Lan mua lại hai hệ thống siêu thị lớn là Big C và Metro Cash & Carry từ tay người Pháp và người Đức.
Chỉ một năm sau khi sở hữu Metro Cash & Carry, tập đoàn TCC đã đổi tên siêu thị này thành MM Mega Market. Mất 5 năm cân nhắc để Central Group đổi tên Big C. Với VinMart, Masan cũng chỉ mất hơn một năm để đổi từ Vin sang Win.
Việc lựa chọn chỉ thay đổi một chữ cái trong tên thương hiệu cũ, nhận diện màu sắc không thay đổi quá nhiều cho thấy ông chủ của Vincomerce không muốn phiêu lưu với sự trung thành của người tiêu dùng, đặc biệt khi Vinmart đã là điểm đến quen thuộc của hàng triệu khách hàng thành viên trong 6 năm qua.
Gần 2 năm trước, tháng 6 năm 2019, Saigon Co.op gây bất ngờ khi tuyên bố tiếp quản hệ thống 18 siêu thị Auchan của Pháp.
Nhưng mọi chuyện sau đó dường như có sự thay đổi. Auchan biến mất khỏi thị trường, còn Saigon Co.op chọn cách đổi mới hình ảnh bằng cách tung ra mô hình mới Finelife, thương hiệu siêu thị cao cấp của hệ thống này tại Việt Nam áp dụng công nghệ mới như bảng giá điện tử E-label tự động và quầy tự thanh toán, tập trung vào trải nghiệm khách hàng thay cho các chương trình khuyến mãi, giảm giá để hút khách.
Metro Cash & Carry đã trở thành Mega Market. Trong ảnh là MM Food Service Hưng Phú ở thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh
Liệu cuộc đổi tên và tái cơ cấu này có khiến chuỗi siêu thị này mất đi một lượng khách hàng trung thành đáng kể?
Giới chủ đều đưa ra các thông điệp na na nhau: sang tên, đổi hiệu là để "nhằm phù hợp chiến lược kinh doanh, hình ảnh và cả tầm nhìn" mới.
Việc "thay da đổi thịt" cho một thương hiệu cũ, theo One IBC, là điều cần thiết trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.
Dưới góc nhìn của một đơn vị chuyên tư vấn tài chính trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp nước ngoài, đại diện One IBC Việt Nam cho rằng những thương hiệu đã dần trở nên lỗi thời, khoác lên mình một cái tên mới sẽ giúp thương hiệu đó trở nên "trẻ trung" hơn trong mắt khách hàng, từ đó thay đổi tiềm thức của họ và trở lại cuộc đua tranh giành thị phần với hàng trăm thương hiệu bán lẻ khác.
Tuy nhiên, để những cuộc đổi tên không chỉ là "bình mới rượu cũ", các nhà bán lẻ phải làm rất nhiều việc, từ cải tổ bộ máy tổ chức, nhân sự đến hình ảnh quầy kệ, sản phẩm bày bán.
Masan cho biết cùng với đổi tên thành Wimart, hệ thống cũng đang tiến hành một cuộc lột xác toàn diện đối với chuỗi bán lẻ với kế hoạch thử nghiệm việc nhượng quyền thương hiệu WinMart, kỳ vọng sẽ có 20.000 điểm bán lẻ ở kênh truyền thống theo hình thức nhượng quyền.
Thay cho thương hiệu BigC vốn quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam mấy chục năm qua, Central Group quyết định đổi hệ thống này thành Topsmarket
Trong kế hoạch trị giá 1,1 tỉ USD dành cho thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới, ông Philippe Broianigo, CEO Central Group Vietnam, cho biết sẽ tập trung phát triển đa ngành, đa nền tảng để gia tăng sự hiện diện từ thành thị đến nông thôn, xây dựng các thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm gắn kết chặt chẽ hơn và tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng, phát triển các thương hiệu phi thực phẩm cũng như nền tảng đa kênh.
Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn của các nhà bán lẻ, và cũng là một chiến trường cạnh tranh khốc liệt với những kẻ ở người đi.
Theo dự báo của One IBC, trong vòng 5 năm tới sự bùng nổ của các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam sẽ đạt đỉnh điểm, dần thay thế mô hình kinh doanh nhỏ lẻ và hộ gia đình tại các thành phố lớn.
Trong thời gian này sẽ có hơn 36% doanh nghiệp rời khỏi cuộc đua, đồng thời chứng kiến hàng loạt công nghệ mới được tích hợp vào các cửa hàng, siêu thị để đáp ứng tốt hơn các tiện ích cho khách mua hàng.
Ngành dịch vụ tại Việt Nam hiện tăng trưởng 2,34%, đứng đầu là ngành bán sỉ và bán lẻ với 7% tăng trưởng so với cùng kỳ trong quý 4 năm 2020, đóng góp 33,5% vào nền kinh tế.
Theo Tuổi trẻ