Biến đất “khỉ ho” thành trang trại tiền tỷ

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:32, 11/04/2021

Anh Nguyễn Duy Công ở thôn Kinh Dương, xã Thái Dương (Bình Giang) đã biến vùng đất thùng trũng thành trang trại chăn nuôi hiện đại, sản xuất sạch, xanh gắn với bảo vệ môi trường.


Trang trại của anh Nguyễn Duy Công nuôi 200 con bò

Từ chối lời mời sang Hàn Quốc làm việc với mức lương cao, anh Nguyễn Duy Công (sinh năm 1980, ở thôn Kinh Dương, xã Thái Dương, huyện Bình Giang) lựa chọn lập nghiệp bằng việc nuôi bò và giun quế.

Vượt khó

Về tới đầu làng Kinh Dương, hỏi anh Công nuôi bò ai cũng biết. Thẳng đường ra đồng, rồi men theo bờ đê là tới trang trại rộng lớn của anh. 5 năm về trước, nơi đây từng là khu đầm lầy cỏ mọc um tùm khiến bao người ngao ngán. Thế nhưng, bằng ý chí và sự quyết tâm, anh Công đã biến nơi đây thành cơ ngơi tiền tỷ. Kể về hành trình từ những ngày đầu khởi nghiệp, anh Công khẽ cười và nói: "Đúng là chỉ vì một câu nói đùa mà tôi đi nuôi bò thật". 

Anh Công quê gốc ở thôn Phạm Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện). Anh đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc từ năm 2004. Sau hơn 10 năm kiên trì làm việc tại đây, anh đã trở thành phó giám đốc sản xuất của một công ty mỹ phẩm. Đầu năm 2016, anh về Việt Nam. Mặc cho doanh nghiệp nài nỉ anh quay lại làm việc với mức lương hàng nghìn USD mỗi tháng, anh vẫn quyết định về quê lập nghiệp vì không muốn xa người thân. Bao nhiêu năm xa quê, mọi thứ có nhiều đổi khác nên dù là nơi mình sinh ra, anh vẫn cảm thấy khó mà tìm được công việc phù hợp. Anh chia sẻ: "Ngày ấy, hai vợ chồng tôi bàn tính về nghề để có thể trụ được tại nơi vốn chỉ làm nông nhưng mãi chẳng thống nhất. Thế rồi, trong lúc rối trí, tôi có nói đùa với vợ là tôi chẳng biết làm gì, chỉ biết đi chăn bò thôi”. Chị Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1984 khi ấy chẳng tin lời chồng, nghĩ anh nói đùa rồi bỏ đấy nên cũng đùa lại: “Vậy thì anh đi chăn bò đi”. 

Thế là ngay hôm sau anh Công đi mua bò thật. Lúc biết anh bỏ ra hàng tỷ đồng mua 37 con bò, vợ anh rất sốc, rồi khóc lóc, gay gắt trách móc. Nhiều người còn nói anh điên. Khi ấy anh Công chỉ có ý định mua bò thả trên đê 1-2 ngày rồi bán để dọa vợ thôi. Thế nhưng, sau khi tính toán kỹ, anh quyết định dồn hết vốn liếng mua đất, xây trang trại nuôi bò. Vùng đất đầm chùa ở thôn Kinh Dương là nơi anh Công chọn. Nơi đây vốn là vùng đất "khỉ ho cò gáy" vì nhiều thùng trũng, cỏ mọc cao quá đầu người và trước đó chưa ai dám liều lĩnh ra đây lập nghiệp. "Canh bạc" này thực sự rất mạo hiểm. Gia đình hai bên nội ngoại đều gàn, vợ anh khóc rưng rức bao nhiêu ngày vì chẳng khuyên được chồng. 

Thời gian đầu anh Công phải chật vật xoay xở đủ thứ. Có bò nhưng không có chuồng nuôi, anh đành mua dây về quây đàn bò và sử dụng hệ thống báo động cảm ứng thân nhiệt để canh chừng. Vừa chợp mắt, chỉ có con chuột chạy qua là báo động kêu um lên khiến anh giật mình tỉnh giấc rồi mất ngủ cả đêm. Có những ngày đốt củi hun muỗi cho bò, khói mịt mù làm anh cay xè mắt. Hoang mang nhất là thời điểm nửa cuối năm 2016, khi đó giá bò giảm chưa từng có, thậm chí chạm đáy. Lúc đầu, anh mua với giá 35 triệu đồng/con, nửa năm sau giảm còn 17-18 triệu đồng/con. Nhiều người xì xèo, bàn ra tán vào “Thằng Công đợt này chỉ có nước bán nhà. Không thấy ai hâm như nó, nhà cửa đàng hoàng thì không ở, đi xuống khu đồng không mông quạnh làm mấy cái thứ như vậy”. Nghe thấy thế, anh cũng không bận tâm mà chỉ giải thích với mọi người là bây giờ nếu bán tháo bò đi thì lỗ nặng. Anh quyết không bán mà đầu tư tiếp, mua thêm bò. Từ lúc đó đến nay, trong trang trại lúc nào cũng có khoảng 200 con bò.

Đứng trong nhà xưởng chứa rơm rạ và hệ thống máy móc chăn nuôi bán tự động, anh Công hồ hởi giới thiệu khu này trước đây là thùng vũng, phải thuê máy xúc san lấp bằng phẳng, mua đất, cát độn lên để xây chuồng trại. Thương chồng từ một người trắng trẻo, béo tốt lại gầy xọp đi, da sạm nắng, chị Hằng cũng thuận theo chồng, ra trang trại phụ cùng anh. Hai vợ chồng động viên nhau cố gắng. Không phụ công người, những lứa bò đầu tiên đến kỳ xuất bán, anh dần thu hồi vốn. 

Hiện trang trại đã cho doanh thu ổn định. Anh nuôi 200 con bò, trong đó 100 con bò cái. Bò bán đi nhiều nơi, bán cho dân, cho lò mổ, nhiều người biết đến trang trại bò của anh, tìm tới tận nơi mua bò giống. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Công thu lãi hàng tỷ đồng. 


Thu hoạch phân giun 

Biến phân bò thành... tiền 

Mặc dù quê bố ở Ngô Quyền, quê mẹ ở Thái Dương nhưng lúc nhỏ anh lại theo cả nhà ra Cẩm Phả (Quảng Ninh). Học xong, anh đi lính, lấy vợ rồi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Từ bé đến lớn, anh chưa lúc nào phải làm việc nhà nông. Khi quyết định nuôi bò, làm trang trại là lúc anh phải học từ đầu. Hồi bên Hàn Quốc, mải chuyên tâm vào công việc, nên anh không để ý đến sản xuất nông nghiệp. Mãi tới khi về nước, quyết định dấn thân vào nghề này, anh mới nhớ lại những lần đi tham quan các mô hình chăn nuôi lớn ở xứ người. Chắp vá lại những mảnh ký ức về trang trại chăn nuôi hiện đại, quy mô lại không ảnh hưởng tới môi trường bên nước bạn, anh tiếp tục tìm tòi để tìm ra cách xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả nhất.

Biết đến mô hình nuôi giun quế với nhiều ưu điểm trong xử lý chất thải chăn nuôi nhưng ở quê anh lại chưa có ai làm, thế là anh lặn lội đi các trang trại lớn ở các tỉnh miền Bắc học hỏi. Năm 2016, anh mua 2 tấn giun quế với giá 30 triệu đồng về nuôi thử, song do chưa có kinh nghiệm, anh cho giun ăn phân bị lẫn vôi bột, khiến giun chết hết. Sau khi biết được nguyên nhân, anh lại tiếp tục đầu tư 2 tấn giun quế nữa. Lần này, anh lấy bã nấm cho giun ăn, nóng quá sinh nhiệt chết hết. Qua 2 lần thất bại, anh đã tích lũy được thêm nhiều kiến thức nuôi giun quế. Anh Công chia sẻ: "Làm nhiều thành quen. Giun quế sợ ánh sáng, ưa ẩm nên chỉ cần chú ý tưới phân cho giun ăn, tưới ẩm cho nó là sinh sản rất nhanh". 

Trên diện tích đất bãi rộng khoảng 1 ha, anh Công xây dựng 2 chuồng nuôi bò, 9 khu nuôi giun quế, 1 nhà kho. Anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua các loại máy móc như máy cày, máy chở, cuốn rơm, máy ủ cỏ, hệ thống tưới… để vận hành trang trại theo quy trình khép kín. Việc chuẩn bị thức ăn cho 200 con bò không phải đơn giản. Theo tính toán của anh Công, mỗi ngày trung bình 1 con bò ăn 30 kg cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp khác, cả trang trại bò sẽ tiêu thụ từ 5-6 tấn thức ăn. Để đủ lượng thức ăn nuôi bò, anh Công mua 10 mẫu ruộng gần trang trại để trồng cỏ. Cứ 1 tuần lại mua hơn 2 tấn mía. Bã nấm, bã đậu, bỗng rượu cũng được anh thu mua làm thức ăn cho bò. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, anh Công đi xin rơm ở các cánh đồng. Rơm cuộn lại xếp vào xưởng làm thức ăn cho bò. Cây ngô đã hái bắp cũng được thu hoạch, nghiền và cho vào máy ủ làm thức ăn cho chúng. Ăn một lượng lớn thức ăn, lượng phân, nước tiểu bò thải ra rất lớn nhưng khi vào trang trại lại không có mùi hôi thối, khó chịu. Đây chính là kết quả của việc xây hệ thống bi-ô-ga và nuôi giun quế. Mô hình nuôi bò và giun quế của anh Công là một vòng tròn khép kín. Anh trồng cỏ để nuôi bò. Bò ăn cỏ thải ra phân để nuôi giun quế, nước tiểu của bò dùng để tưới cỏ. Phân giun dùng để bón cây. 

Giun quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm rất tốt. Hơn nữa, giun quế được ví như một nhà máy xử lý phân hiệu quả, giúp giảm ô nhiễm môi trường. Sau khi tiêu hóa phân bò, giun quế sẽ thải ra phân có chứa nhiều axit amin, phân giun chứa hỗn hợp vi sinh có hoạt tính cao, dễ hòa tan trong nước, chứa hơn 50% chất mùn. Do vậy, nó không chỉ tốt cho cây trồng mà còn tăng khả năng cải tạo đất. Nhiều doanh nghiệp đặt hàng phân giun nhà anh Công để bón cho cây dùng làm hàng xuất khẩu, bán lá tía tô xuất đi Nhật Bản, phân hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ. Phân giun quế bán với giá 2.200 đồng/kg, giun quế 50.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi tháng, anh Công thu lãi 50 triệu đồng từ nuôi giun. 

Cuối năm 2020, trang trại của anh Công được chứng nhận VietGAP. Đây là bước đánh dấu trên hành trình chinh phục nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường mà anh hướng tới. Hiện trang trại nuôi bò và giun quế của anh là một trong những trang trại có quy mô lớn của tỉnh. Tuy vậy, không dừng lại ở đây, anh Công mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện thuê đất, mở rộng diện tích chuồng trại, từng bước phát triển chăn nuôi công nghiệp theo quy trình VietGAP. "Giờ đây, khi đã thành công thì điều tôi mong mỏi không chỉ là vấn đề lợi nhuận. Càng đi nhiều, càng tìm hiểu nhiều tôi lại càng trăn trở về nông nghiệp sạch. Tôi muốn không chỉ bản thân mà tất cả những ai đang làm nông nghiệp, đang kiếm tiền từ nghề nông phải nghĩ tới lợi ích lâu dài, bền vững. Đó chính là sản xuất sạch để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính mỗi chúng ta", anh Công trải lòng.

HÀ NGA