Lễ dâng hương trang trọng ở di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 17:33, 21/04/2021
Người dân TP Chí Linh dâng hương ở đình Chí Linh, xã Nhân Huệ sáng 10.3 âm lịch
Đình Chí Linh thuộc xã Nhân Huệ (TP Chí Linh) là một trong số ít nơi tổ chức dâng hương tưởng niệm nhân vật thời Hùng Vương vào sáng 21.4.
Căn cứ vào tấm bia “Thần tích bi ký” khắc dựng năm Tự Đức 20 (năm 1867) hiện còn lưu giữ tại đình Chí Linh thì đình thờ tam vị đức thánh thời Hùng Vương là Cao Sơn Quốc Trạng Đại vương (tức Cao Hiển - Thánh cả), Quảng Bác Đại vương (tức Phạm Cường - Thánh hai), Hùng Duệ Đại vương (tức Phạm Úy - Thánh ba).
Cao Sơn Quốc Trạng Đại vương là nội tộc của Tản Viên quốc vương thứ hai. Ngài tinh thông văn võ, từng có công “âm phù” cho vua Lý Thái Tông đánh giặc Chiêm Thành giữ nước, mở mang bờ cõi.
Lễ hội truyền thống của đền Chí Linh được tổ chức vào ngày 10.3 âm lịch gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương.
Nghi thức tế ở đình Chí Linh được tổ chức nhanh gọn nhưng vẫn trang trọng
Năm nay, ngay từ sáng sớm, nhiều người dân đã về đền thắp hương tưởng nhớ công lao các vị thánh. Các hoạt động tế, lễ dâng hương được tổ chức nhanh gọn nhưng vẫn bảo đảm trang trọng.
Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích Chí Linh cho biết việc tổ chức dâng hương không chỉ để tưởng nhớ công lao của tam vị Đức thánh mà còn để tưởng nhớ công đức của các Vua Hùng, các bậc tiền nhân nói chung… Hoạt động cũng nhằm nhắc nhớ thế hệ trẻ về ngày lễ truyền thống của quê hương.
Hải Dương hiện có khoảng 100 di tích đình, đền, chùa, miếu... thờ hoặc kết hợp thờ các nhân vật thời Hùng Vương. Ngày 10.3 hằng năm cũng là ngày lễ hội truyền thống tại các di tích, các hoạt động dâng hương, tưởng niệm được tổ chức trọng thể, nhưng năm nay đa phần các địa phương không tổ chức lễ hội, hoặc chỉ tổ chức dâng hương nhanh gọn.
Người dân đến thắp hương đền thờ Tiên Dung công chúa ở chùa Bảo Sài
Tại chùa Bảo Sài ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) có đền tên tự là Thanh Hư Động, thờ công chúa Tiên Dung - con gái Hùng Vương thứ 18. Dịp này, đền cũng chỉ mở cửa để người dân đến chiêm bái, dâng hương.
Tương tự, đình Ngọc Lâm ở xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) là di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, thờ Cao Sơn Đại vương, một danh tướng có công giúp Vua Hùng Duệ vương đánh tan quân Thục cũng chỉ thực hiện nghi thức dâng hương nhanh gọn…
Là địa phương có 6 di tích gắn với các nhân vật thời Hùng Vương nhưng năm nay các di tích ở Thanh Miện đều không tổ chức các nghi lễ. Ông An Văn Chuyện, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Miện cho biết các di tích chỉ mở cửa để người dân đến thắp hương, thực hành tín ngưỡng.
“Dù không tổ chức các hoạt động lễ hội nhưng tôi tin tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước vẫn trong tâm thức của người dân”, ông Chuyện nói.
PHÚC MINH