Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn ì ạch, muốn đẩy nhanh nhưng cần thận trọng

Kinh tế - Ngày đăng : 19:05, 24/04/2021

Quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tuy chậm về tiến độ, nhưng là một quá trình cần sự thận trọng, minh bạch, công khai và phải cân nhắc tính toán để đạt hiệu quả cao nhất.

Vẫn còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa

Theo báo cáo mới nhất của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, kết thúc giai đoạn 2016 – 2020, vẫn còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10.7.2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15.8.2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch, trong đó, có những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa như: TP Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty), Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 tổng công ty.


Cổ phần hóa DNNN vẫn "ì ạch". Ảnh minh họa

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo quy định. Trong đó, ngày 8.2.2021, EVENGENCO2 đã phối hợp với HOSE và Tư vấn tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ EVENGENCO2. Số cổ phần đưa ra đấu giá là 580.120.840 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), giá khởi điểm 24.520 đồng/cổ phần. Số cổ phần bán được là 262.500 cổ phần (tương đương 0.045% tổng số cổ phần bán ra), trong đó Nhà đầu tư nước ngoài mua 210.500 cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được là 6,4 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, theo tiến độ, trong năm nay sẽ thực hiện cổ phần hóa các DN lớn như: MobiFone, Agribank, VNPT. Ông Tiến cũng cho biết, đối với việc cổ phần hóa doanh nghiệp lớn, chúng ta phải làm tương đối thận trọng. Sự thận trọng này là ở khâu chuẩn bị, còn một khi đã bấm nút cổ phần hóa rồi thì lại phải làm quyết liệt.

“Khi đã bấm nút để cổ phần hóa, chỉ trong vòng 18-24 tháng là phải hoàn tất cổ phần hóa. Còn khâu chuẩn bị cần được làm kỹ để chuẩn bị các cơ sở pháp lý chặt chẽ cho các tài sản của doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề cần phải chú trọng, không nên để đến khi cổ phần hóa rồi mà pháp lý không rõ ràng sẽ dẫn tới việc cổ phần hóa bị dừng lại. Tinh thần của Chính phủ trong ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP là rõ ràng, khâu chuẩn bị xong rồi, khi bấm nút cổ phần hóa, trong vòng 24 tháng là phải hoàn tất cổ phần hóa, không để kéo dài như trước”, ông Đặng Quyết Tiến cho hay.

Gắn với trách nhiệm của người đứng đầu

Về thoái vốn nhà nước, trong tháng 3.2021 đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 2 đơn vị là CTCP Môi trường đô thị Hạ Long và CTCP Môi trường và dịch vụ đô thị Việt Trì với tổng giá trị là 44,4 tỷ đồng, thu về 60,4 tỷ đồng.

Tổng công ty Thái Sơn thực hiện thoái vốn tại 1 doanh nghiệp trực thuộc (CTCP Thiết kế Kiến trúc Map Thái Sơn) với giá trị là 560 triệu đồng, thu về 560 triệu đồng.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng, trong đó, đối với thoái vốn nhà nước, đã thoái 3 đơn vị thuộc quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng.

Đối với thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty, đã thoái vốn tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, NXB Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng.

Chia sẻ về lộ trình thoái vốn năm 2021, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, Chính phủ yêu cầu vẫn thực hiện theo Quyết định 908/QĐ-TTg đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025. Về cơ bản việc thoái vốn đã có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Nghị định 140/2020/NĐ/CP vừa được ban hành có sửa đổi một số điều sẽ góp phần tháo gỡ khá nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp.


Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính

Theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, nếu nền kinh tế không bị tác động rủi ro từ dịch Covid-19 nữa thì tiến độ thoái vốn sẽ đảm bảo, vì nếu có dịch sẽ không triển khai được vì phải đấu giá trực tiếp.

“Qua theo dõi, các đơn vị khá tích cực và rất nhiều DN muốn đẩy nhanh thoái vốn. Về nguyên tắc thoái vốn, phải đảm bảo nguyên tắc thị trường. Đây là yêu cầu đầu tiên. Hiện thị trường chứng khoán đang ngày càng tốt hơn nên thoái vốn sẽ thuận lợi hơn. Thứ hai, vừa qua có DN rất băn khoăn về vấn đề liên quan đến đất đai. Về vấn đề này, phải minh bạch thì thoái vốn mới an toàn được. Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi đề xuất phải theo dõi trong quý 1”, ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ.

Về kết quả thoái vốn trong quý 1 tương đối chậm, ông Tiến thông tin, tới đây sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới có chỉ thị đôn đốc việc cổ phần hóa, thoái vốn. Lần này, việc đôn đốc sẽ gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu. Người đứng đầu quyết tâm sẽ thực hiện được, hiện cơ chế đã rõ ràng, còn tổ chức thực hiện sẽ phải tổ chức quyết liệt, rốt ráo.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cũng cho biết, với phương án mới, tiến độ sẽ nhanh hơn do việc xác định giá trị DN thông thoáng hơn, gắn trách nhiệm của cơ quan thẩm định giá. Bên cạnh đó, cơ chế đấu giá đảm bảo theo cơ chế thị trường, do đó sẽ thu hút được nhà đầu tư vì bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư hơn.

“Kết quả thoái vốn gắn liền với thời điểm, vấn đề biến động của thị trường cũng như sự quan tâm của nhà đầu tư. Với những danh mục thoái vốn hiệu quả chúng ta phải tính toán căn cơ hơn. Đơn cử như, tới đây có tiếp tục thoái vốn tại Sabeco không, vì hiện Sabeco không ‘hot’ như giai đoạn trước. Chúng tôi đang giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC. Đối với danh mục lớn thì cần cân nhắc tính toán để thoái vốn hiệu quả nhất”, ông Đặng Quyết Tiến thông tin thêm.

Theo VOV