Giải oan

Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:10, 30/04/2021

Sau ngày đất nước thống nhất không lâu, Huyện đội đánh xe nhà binh chạy về Triều Khê “khui” kho vũ khí trước sự chứng kiến của cư dân làng chài.



1. Tấm lưng trần to bè, dềnh dàng, au đỏ, che chắn phía dưới bởi cái quần trắng đục, nhàu nhòe, dây lưng là sợi vải se lại, cột thắt cổ chó. Những bước chân nện cát xoèn xoẹt, hai đầu bàn chân bung phẹt ra hai phía. Người đàn ông đang đi trên bãi biển bất chợt quay lại với gương mặt dữ dằn. Đầu tóc trắng phủ dài xuống hai vai, óng ánh như cước, hai con mắt có những vằn đỏ như máu. Gương mặt đỏ bừng với cái nhìn lườm lườm, đôi tay dài như tay vượn vươn ra phía trước như chực lao vào ai đó. Lũ trẻ đang lom khom đào cát bắt còng gió, phát hiện ra ông lão, chúng vùng chạy tán loạn. Lão là Bảy Sọm. Một lão ngư cao tuổi nhất làng chài Triều Khê.

Sọm giỏi võ. Hồi còn trai trẻ, Sọm thường nổi hứng dợm chân nhảy lên mái nhà, chuyền từ nhà này sang nhà khác như mèo. Chuyện Sọm vác gái ngủ quên trên bãi biển chạy biến vào rừng. Không người nào dám tố giác những hành vi đen tối của gã. Thế giới ban đêm là của Sọm. Và Sọm là nỗi kinh hoàng của dân làng chài.

Người vợ đầu tiên của Sọm là con gái ông Khoắng, một gia đình giàu có ở làng. Siêng là con gái duy nhất trong số mười anh em. Không hiểu sao một nơi đầy nắng gió, bão bùng lại có một người con gái da dẻ mượt mà, trắng trẻo, dáng dấp thon thả, săn chắc như củ khoai lang trồng trên đất ven sông. Ông Khoắng đời nào lại chịu gả con gái rượu cho một gã vô tích sự như Sọm. Nhiều lần gã đánh tiếng yêu đương với Siêng bị nàng từ chối thẳng thừng, Sọm hùng hồn tuyên bố với đám con trai làng chài, kẻ nào léng phéng với Siêng thì hãy bước qua xác chết của gã trước. Gã nói là làm. Có mấy chàng thanh niên trong làng dẫu chưa từng bị Siêng thả bùa mê cũng đã say chênh chao, trồng cây si trước cửa. Cây si không bị giông tố xô ngã mà bị Sọm quất cho mấy cú đá tuyệt kỹ lộn tùng phèo trong hàng rào dứa. Tiếng “dữ” đồn xa, cô Siêng đẹp gái, con nhà giàu bị cấm vận lấy chồng vô thời hạn. Chín anh em của Siêng căm hận sự trù úm, ngạo mạn của Sọm. Một hôm, người anh cả dùng lời ngon, tiếng ngọt mời Sọm đi nhậu. Khi Sọm rượu đã mềm môi, tám người con trai xuất hiện với dao, búa, gậy gộc trên tay, mặt đằng đằng sát khí. Họ hét lên một tiếng, cùng nhào vô tấn công Sọm một lượt. Nào ngờ gã say bỗng dưng tỉnh lạ thường! Sọm nhao người một cái thoát khỏi vòng vây, cười gằn: “Tụi bay chơi hèn, ông cho chết cả lũ!”. Nói dứt lời, những cú thôi sơn, song cước tung ra như vũ bão. Chín thanh niên làng chài thân thể gân guốc cuồn cuộn như lực sĩ thảm bại trước một gã thiếu người thân nhưng thừa võ nghệ. Sau đận ấy, không những thanh niên trong làng vỡ mộng với người đẹp nhà giàu mà thanh niên các nơi cũng im hơi lặng tiếng.

Tuổi xuân qua mau. Cô Siêng vẫn bóng lẻ phòng không. Đến nước này, ông Khoắng mới thấp thỏm lo buồn. Một trái bom nổ chậm đang sờ sờ trong nhà ông. Thôi thì quá bước sang nhà Sọm: “Tao đồng ý gả con Siêng cho mày đó. Mày phải bảo bọc, thủy chung với nó trọn đời!”. Gã vô tích sự bỗng dưng lịch sự: “Dạ! Con cảm ơn bác đã tưởng thưởng! Con về thưa lại với bác Hai con lựa ngày lành tháng tốt đến dạm ngõ. Nhưng em Siêng có thuận tình không ạ?”. Ông Khoắng nói chắc như đinh đóng cột: “Mày không phải lo! Tao đã có cách!”.

Tội nghiệp cô Siêng sinh nhằm ngôi sao xấu. Cô từng trộm nhớ thầm thương chàng trai cuối xóm có gương mặt đẹp như kép hát cải lương. Hai người gặp nhau ở bãi biển vài lần thì con khủng long Sọm xuất hiện phun nọc độc. Từ ấy chàng lặn mất tăm. Còn giờ đây, Siêng sắp là vợ của Sọm. Hắn ích kỷ, hung hăng nhưng tính xấu ấy cũng chỉ vì si mê Siêng mà ra. 

2. Ông Khoắng nhắm mắt gật đầu gả Siêng cho Sọm khi làng chài Triều Khê tiếng thị phi dâng cao như ngọn sóng. Trước ngày cưới, sáng nào cô Siêng quét sân cũng nhặt được mảnh giấy chữ viết nguệch ngoạc nhưng lời lẽ vô cùng cay độc: “Vợ khôn, chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu”, “Vợ xinh như nụ hoa hồng/ Lấy nhằm chồng dữ như ông cọp rằn”… Ai ngờ chàng Sọm hung dữ, ngang tàng lại cưng chiều vợ như trứng mỏng. Chàng đối nhân xử thế với phía bên vợ không chê vào đâu được. Ngày biển lặng, Sọm háo hức dong thuyền ra biển cá nặng lưới đầy. Sức làm việc của chàng gấp đôi gấp ba thanh niên bình thường. Ngày đông, chàng cặm cụi vá lưới, không sa vào bù khú rượu chè, đàn đúm. Siêng đắm mình trong hạnh phúc muộn mằn. Rồi những đứa con ra đời, rồi Siêng bạo bệnh về cõi vĩnh hằng khi chưa bước qua cái tuổi bốn mươi. Sọm quá đau buồn, đêm nào ông cũng ôm chiếu ra ngủ bên mộ vợ. Khi xây mộ bà Siêng, ông Sọm cho xây thêm một ngôi mộ hờ sát bên để khi nào về thế giới bên kia, ông được gần vợ cho thỏa lòng thương nhớ.

Từ khi ngôi mộ của bà Siêng hiện hữu ở cuối làng, đêm nào cư dân làng chài cũng nhìn thấy ánh ma trơi bay vật vờ như ngọn đuốc lập lòe. Không ai dám qua bãi tha ma ấy vào lúc ban đêm ngoại trừ ông Sọm. Thế là người làng chài mỗi lần bắt gặp ông Sọm đi trên đường làng đều tránh xa. Chỉ có cô Nhạn, góa chồng ở xóm dưới là kết thân với ông. Những đứa con của ông Sọm thấy cha mình có người đàn bà quý mến thì vui lòng cho họ đến với nhau. Ông Sọm lại lấy vợ kế nhưng lần này không tốn một xu.

3. Hang Vàng, hang Rộp, bãi Xép, bãi Tiên… là những căn cứ cách mạng có con đường tiếp giáp với Biển Đông. Ban ngày, làng chài Triều Khê thuộc về lính Việt Nam cộng hòa kiểm soát, còn ban đêm do lực lượng vũ trang xã quản lý. Ngày nào cũng như ngày nào, quãng 20 giờ, ông Ba Xếp chụm hai bàn tay trước miệng làm loa, cao giọng: “A lô! A lô! A lô! Đồng bào nghe đây! Nghe đây! Mời toàn thể đồng bào ngay lúc bây giờ mang theo cuốc, xẻng, xà beng tập trung tại lò rèn ông Hai Bến để đào hầm! A lô! A lô! A lô!...”. Thế là khoảng 10-15 phút sau, đàn ông, đàn bà, con gái (con trai đi biển) mang vác vật dụng tập kết trước cửa lò rèn ông Hai Bến theo chân lực lượng vũ trang xã đi đào con đường từ sân bay vắt ngang qua làng chài Triều Khê chạy thẳng vào hang Vàng, hang Rộp, bãi Xép, bãi Tiên, không cho xe tăng, xe nhà binh đi càn quét. Sáng hôm sau, hơn 6 giờ, cũng chính ông Ba Xếp: “A lô! A lô! A lô! Đồng bào nghe đây! Nghe đây! Mời toàn thể đồng bào ngay lúc bây giờ mang theo cuốc, xẻng, xà beng tập trung tại lò rèn ông Hai Bến để lấp hầm! A lô! A lô! A lô!...”.  Cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại thật đơn điệu, nhàm chán. Nhưng ai bất tuân theo mệnh lệnh của cả “hai phía” thì rước họa vào thân. Ông Ba Xếp có hai người con tham gia bộ đội địa phương, một người con đi lính nghĩa quân cho chế độ Sài Gòn. Một lần, người con đi bộ đội về làng công tác, trời sáng, không kịp lên căn cứ phải trốn trên trần nhà. Tình cờ sáng hôm ấy, thằng con đi lính nghĩa quân đưa bạn lính về nhà ăn nhậu. Vợ chồng ông Ba Xếp lòng như có lửa đốt. Con trai ông và hai người bạn lính dựng ba khẩu M16 mới toanh ở góc tường nhà. Rượu vào, lời ra, ba thằng ồn như vỡ chợ. Thằng con ông hứng chí mời hai thằng bạn tới quán nhậu tiếp. Vợ chồng ông Ba Xếp thở phào như trút gánh nặng ngàn cân. Mấy ngày sau thằng Lưu con ông về nhà. Vừa bước vào cửa, nó đã cười khục khặc: “Cha mẹ ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản nha!”. Ông Ba Xếp tưng hửng: “Thằng Lưu, mày nói gì cha không hiểu?”. Lưu khẽ khàng: “Hôm con đưa bạn về nhà chơi, con biết anh Luân nằm trên trần nhà”. Bà Ba Xếp gật đầu nhè nhẹ, gương mặt sáng lên: “Sao con biết giỏi vậy?”. Ông Ba Xếp thì xoa đầu con trai: “Cả bọn đang nhậu nửa vời mà con mời các bạn con đi chỗ khác là sợ bị lộ, đúng không?”. Lưu cười nhã nhặn: “Con thấy mẹ nấu cơm nhiều, lại có cá tràu hấp bắp chuối và cá ồ nướng với bộ dạng lúng ta lúng túng là con đoán ra ngay!”.

Một lần, vào lúc nhập nhoạng hoàng hôn, lính nghĩa quân và cảnh sát rút về quận. Các cơ sở cách mạng đếm kỹ từng tên rời khỏi làng chài. Ấy thế, khoảng một giờ sau họ bí mật quay trở lại phục kích, gây thương vong cho lực lượng vũ trang. Cuộc chiến đấu diễn ra cho đến lúc trời sáng, lính trên quận kéo về tăng cường bao vây quân giải phóng, định xóa sổ lực lượng vũ trang xã. Thật kỳ lạ! Quân giải phóng biến mất một cách tài tình! Lính Việt Nam cộng hòa lục soát từ sáng đến chiều hơn bốn mươi ngôi nhà không phát hiện được gì đâm chán nản. Giữa lúc bọn lính thất thểu định rút quân thì quân giải phóng đồng loạt nổ súng tấn công khiến cho quân địch thiệt hại nặng nề.

4. Sau thời gian lực lượng vũ trang bị phục kích, ban đêm dân làng chài Triều Khê không ai dám ra đường, trừ ông Sọm. Đêm đêm, người ta vẫn thấy ông Sọm ra mộ bà Siêng và còn nghe gã cưỡng bức những phụ nữ cô thế, các bà, các chị có chồng đi biển. Một hôm ông Sọm bất ngờ gửi thông điệp cho các bà, các chị, ai là những người đồn thổi chuyện xấu đối với ông sẽ bị trả giá. Từ đó, các bà, các chị sống neo đơn hoặc có chồng đi biển, ban đêm không dám bước ra khỏi cửa. Thế giới ban đêm hoàn toàn thuộc về ông Sọm. Có gã cảnh sát xã thuộc hạng đai đen karate thấy cư dân làng chài nể sợ ông Sọm thì ganh ghét, dằn mặt: “Tôi nghe nói anh võ nghệ cao cường lắm, xin chỉ giáo vài chiêu để mở rộng tầm mắt có được chăng?”. Ông Sọm chống nạnh, cười sảng khoái: “Ông quá lời rồi! Tôi chỉ biết vài thế võ lem nhem thôi, nhưng nếu ông cảm thấy hứng thú thì xin mời! Nhưng tôi cũng nói trước, đã là con nhà võ thì phải có tinh thần thượng võ đó nghe. Bà con ở đây làm chứng giùm! Hôm nay tôi có bị hạ nốc ao dưới tay của ông thì tôi xin chịu mọi hậu quả. Còn như ông bị đo ván thì không được nổi nóng”. Gã cảnh sát mắt sáng quắc, tự tin, móc khẩu súng P38 giắt ở thắt lưng trao cho thuộc hạ, cao giọng: “Tôi và anh giao đấu trên tinh thần thượng võ, có bà con ở đây làm chứng!”. Nói dứt lời, gã đưa hai bàn tay về phía trước, nghiêng người nhao qua, nhao lại. Còn ông Sọm thì đưa chân phải lên bỏ về phía trái, hai tay múa qua lại. Nhanh như cắt, gã xông lên quất một cú đá xoay lưng “quét tảo địa” cực hiểm. Ông Sọm cúi gập người thoát đòn. Tức thì gã cảnh sát bồi thêm cú đá thẳng, cao chân về phía trước rồi “lại dao” đập gót chân vào mặt ông Sọm. Lần này ông Sọm vừa tránh đòn, vừa phản công, lạng người sát vào “câu đầu cắm chỏ”. Tay trái của ông Sọm kẹp cổ gã cảnh sát, tay phải đóng một chỏ vào gáy. Đây là thế võ sát thủ bí truyền nên gã cảnh sát đổ gục xuống sân. Ông Sọm không ngờ gã ra đòn hiểm độc muốn lấy mạng mình nên ông phải dùng đòn hiểm trả miếng, song ông nhẹ tay nên gã chỉ ngất đi mấy giây rồi tỉnh lại. Ông Sọm chiến thắng nhưng không có tiếng reo hò của khán giả. Cuộc đấu võ diễn ra nhanh quá khiến mọi người bàng hoàng, ngơ ngác. Ông Sọm quay lại đỡ gã cảnh sát dậy, giả lả: “Hai cú đá của ông hiểm hóc quá! May mà tôi tránh được chứ không thì khó bảo toàn tính mạng”. Gã cảnh sát phủi áo đứng dậy, gượng cười: “Không ngờ võ cổ truyền của Việt Nam mình thắng cả karate huyền diệu!”.

5. Sau ngày đất nước thống nhất không lâu, Huyện đội đánh xe nhà binh chạy về Triều Khê “khui” kho vũ khí trước sự chứng kiến của cư dân làng chài. Mọi người kinh ngạc nhìn các loại súng đạn được lấy từ ngôi mộ xây sẵn của lão Sọm (lúc này ông Sọm đã bảy mươi sáu tuổi). Thì ra vũ khí được chuyển từ trên chiến khu về cất giấu trong hầm bí mật từ ngôi mộ hờ của lão Sọm có đường thông qua hàng rào dứa dại để đánh sân bay và căn cứ quân sự làng Cát. Ông Huyện đội trưởng dắt tay lão Sọm đứng giữa đám đông, dõng dạc: “Bà con có biết vì sao ban đêm ở ngôi mộ của bác Sọm có ánh lửa lập lòe không? Bác Sọm và chúng tôi làm như vậy để bảo vệ bí mật. Quân địch từng bao vây làng chài này để hốt trọn lực lượng vũ trang xã nhưng không tìm ra người nào là nhờ căn hầm này và hàng dứa đằng kia che chở đấy!”.

Gương mặt lão Sọm hiện lên sự hoan hỉ. Lão đằng hắng, lấy giọng, nói lớn: “Tôi biết nhiều năm qua, bà con nghĩ xấu về tôi đủ điều nhưng vì nhiệm vụ cách mạng nên tôi đắng lòng cam chịu. Tôi chưa bao giờ cưỡng hiếp ai nhưng tôi phải mang tiếng chịu lời. Người mạo danh tôi để làm chuyện tày trời hôm nay cũng có mặt tại đây. Tôi biết hết! Tôi có đủ bằng chứng!”. Giọng lão nghẹn lại. Bao nhiêu ấm ức trào dâng. Trong đám đông có một người âm thầm cúi mặt lẻn ra ngoài. Giữa lúc ấy, giọng nói của ông Huyện đội trưởng vang lên trầm ấm: “Cháu xin bác Sọm rộng lượng! Chiến tranh đã qua đi, chúng ta hãy hướng tới những điều tốt đẹp! Xin mọi người hãy dành cho bác Sọm một tràng pháo tay tuyên dương công trạng!”. Tiếng vỗ tay vang lên rào rào, có cả tiếng reo hò đầy phấn khích!

Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG