Kỳ công sưu tầm hiện vật về Bác

Chính trị - Ngày đăng : 14:05, 16/05/2021

Nhờ nỗ lực của các cán bộ Bảo tàng tỉnh, những kỷ vật, hiện vật quý về Bác Hồ đã được lưu giữ lại phục vụ cho việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống.


Guồng nước Bác Hồ tham gia chống úng cùng nhân dân xã Hiệp Lực (Ninh Giang) khi Người về thăm năm 1962

Hàng chục năm nay, các cán bộ nghiên cứu, sưu tầm ở Bảo tàng tỉnh vẫn miệt mài tìm kiếm, sưu tầm các kỷ vật, hiện vật về Bác Hồ để phục vụ triển lãm, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử của nhân dân.

Những lần đến… hụt

“Việc tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật, hiện vật về Bác ngày càng khó khăn, tốn công sức do thời gian trôi qua nhiều năm. Người giữ được những kỷ vật này không nhiều nên họ càng thêm trân trọng, coi đây là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ, vì thế mà không muốn trao tặng Bảo tàng”, chị Hoàng Thị Hương, Trưởng Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, Bảo tàng tỉnh cho biết.

Các cán bộ, chuyên viên Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm phải dành nhiều tuần lễ tra cứu tài liệu, sách viết về Bác Hồ, gương người tốt, việc tốt được trao tặng Huy hiệu Bác Hồ hoặc được Bác tặng quà kỷ niệm… để tìm kiếm, lập danh sách các kỷ vật, hiện vật, người lưu giữ những hiện vật này. Sau đó các cán bộ, chuyên viên phải đến tận nhà từng người để vận động, thuyết phục họ tặng các kỷ vật gia đình còn lưu giữ được. Trong danh sách này, thông thường 10 người thì chỉ có 1-2 người còn giữ được các kỷ vật về Bác.

Năm 2019, khi sưu tầm hiện vật phục vụ cho triển lãm với chủ đề “Hải Dương - 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)”, chị Hương đã đến xã Tráng Liệt (Bình Giang) để tìm gặp ông Nguyễn Đình Chi. Năm 1963, ông Chi khi đó là học sinh lớp 4 Trường cấp I (cũ) xã Tráng Liệt đã vinh dự được tặng cuốn sổ “Giải thưởng của Bác Hồ”. Hình thức khen thưởng thiết thực của Bác Hồ với các học sinh đạt tiêu chuẩn do ngành giáo dục đề ra là học giỏi, đạo đức tốt. Khi chị Hương tìm về Trường Tiểu học Tráng Liệt, các thầy cô giáo hiện không ai biết về người học trò ngày ấy. Không nản lòng, chị tiếp tục nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, đến cuối giờ sáng mới tìm được đến nhà ông Chi nhưng ông đã mất, vợ ông cũng không giữ được cuốn sổ Bác tặng.

Một lần khác, khi sưu tầm hiện vật để trưng bày chuyên đề “Tiếng sấm đường 5 với chiến dịch Điện Biên Phủ” năm 2014, chị Hương tìm đến nhà người lái xe Trường Sơn tên là Đến tại phường Tân Bình (TP Hải Dương). Ông Đến đã vinh dự được Bác Hồ tặng chiếc đồng hồ do có nhiều thành tích trong chiến đấu. Tuy nhiên ông Đến và gia đình không còn giữ chiếc đồng hồ ý nghĩa này.


Các Huy hiệu Bác Hồ từng được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Kiên trì vận động

Tìm được người giữ kỷ vật, hiện vật về Bác đã khó, thuyết phục họ trao tặng Bảo tàng lại càng khó hơn. Để sưu tầm được những hiện vật quý giá mang về Bảo tàng tỉnh, các cán bộ, chuyên viên ở đây không tiếc công đi lại nhiều lần vận động, thuyết phục các gia đình. Dù vậy, nhiều hộ chỉ đồng ý cho Bảo tàng tỉnh mượn hiện vật để trưng bày, sau khi trưng bày phải trả lại. Cũng có hộ sau nhiều lần được vận động đã đồng ý trao lại cho Bảo tàng tỉnh những hiện vật quý giá.

Năm 2020, tại triển lãm chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” đã trưng bày 1 bộ ấm chén Bác Hồ tặng ông Vương Đình Thế ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) năm 1967 vì có thành tích chăn nuôi lợn giỏi. Đây là bộ ấm chén do gia đình ông Vương Đình Thời, con trai ông Thế cho Bảo tàng mượn để trưng bày. Năm 1967 ông Thế được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và được đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ông Thế mất năm 1985. 

Một trong những Huy hiệu Bác Hồ được Bảo tàng tỉnh sưu tầm được năm 2019 là huy hiệu trao cho ông Nguyễn Ngọc Sang, nhân viên đánh máy của UBND tỉnh Hải Dương, người đã nghiên cứu cải tiến máy in để nâng cao hiệu suất công việc. Để sưu tầm được huy hiệu này, chị Hương phải nhiều lần tìm đến nhà ông Sang. Lần thứ nhất đến, khi chị Hương hỏi chuyện, ông Sang nhớ lại chuyện cũ, xúc động khóc, không nói chuyện được. Anh Nguyễn Ngọc Xuân, con trai ông Sang cho biết gia đình chưa tìm thấy Huy hiệu Bác Hồ, để gia đình tìm sau. Lần thứ hai chị Hương đến, vợ chồng anh Xuân không có nhà, ông Sang tuổi cao, không còn minh mẫn nên chị đành phải ra về. Đến lần thứ ba, chị Hương gặp cháu nội của ông Sang. Người này cho biết gia đình sẽ lưu giữ kỷ vật của ông làm kỷ niệm chứ không trao cho cán bộ Bảo tàng. Dù vậy, chị Hương vẫn kiên trì thuyết phục, đúng lúc này vợ chồng anh Xuân về đã đồng ý trao cho Bảo tàng tỉnh Huy hiệu Bác Hồ, Thư chúc Tết của Bác vào các năm 1960, 1961, 1967, 1968, 1969 và một số hiện vật khác. Năm 2020, chị Hương đã vận động được gia đình ông Sang tặng Bảo tàng thêm 2 hiện vật liên quan đến Bác Hồ là tập ảnh “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp chúng ta” do Việt Nam Thông tấn xã xuất bản năm 1970, sách “Bác Hồ viết di chúc” của tác giả Vũ Kỳ xuất bản năm 1989.

Chị Hương đã giữ mối liên lạc với ông Nguyễn Hữu Ninh ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) từ năm 2012 khi ông trao tặng Bảo tàng tỉnh một số đồng xu có niên đại cổ. Biết được ông có sở thích sưu tầm sách, sau nhiều lần vận động, năm 2020 chị đã thuyết phục ông Ninh trao lại cho Bảo tàng tỉnh Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bản tiếng Anh và tiếng Pháp.

Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ hàng chục hiện vật liên quan đến Bác Hồ, trong đó có nhiều hiện vật quý như guồng nước Bác Hồ tham gia chống úng cùng nhân dân xã Hiệp Lực (Ninh Giang) khi Người về thăm năm 1962, huy hiệu, sách, báo, thư chúc Tết, di chúc… Nhờ nỗ lực của các cán bộ Bảo tàng tỉnh, những kỷ vật, hiện vật quý giá về Bác Hồ đã được lưu giữ lại phục vụ cho việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống, trân trọng hơn giá trị tốt đẹp mà Người truyền lại cho thế hệ mai sau.  

VIỆT QUỲNH