Cuộc gặp bộ trưởng ngoại giao Nga-Mỹ tối 19.5: bước đi thăm dò
Tin tức - Ngày đăng : 18:30, 20/05/2021
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken
Tranh luận “thẳng thắn” song “lịch sự” - đây là một trong những nhận định của truyền thông về cuộc gặp đầu tiên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tối 19.5.
Cuộc gặp rất được mong chờ trên diễn ra tại Reykjavik, thủ đô Iceland, bên lề hội nghị Hội đồng Bắc cực và kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ.
Đáng chú ý, đây là địa điểm từng nổi tiếng về sắp xếp đối thoại giữa hai cường quốc Mỹ và Nga, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh năm 1986 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Cuộc gặp cấp ngoại trưởng lần này tuy không có tầm vóc như hội nghị thượng đỉnh năm 1986, nhưng rất được kỳ vọng bởi diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ xấu đi nghiêm trọng trong những tháng vừa qua.
Sau một loạt các vụ trục xuất ngoại giao "ăn miếng trả miếng," quan hệ Mỹ-Nga được xem như đã quay trở về mức thấp thời Chiến tranh Lạnh.
Thậm chí, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định quan hệ Nga-Mỹ ở thời điểm hiện tại còn tồi tệ hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh do thiếu sự tôn trọng lẫn nhau. Tình trạng này đương nhiên có thể tác động “khôn lường” đến các vấn đề trên thế giới.
Cuộc gặp được xem là “phá băng” này cũng diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa thông báo với về các biện pháp trừng phạt mới chống Nga liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” đưa khí đốt Nga sang tiêu thụ tại Đức và châu Âu.
Chính quyền Mỹ đã quyết định trừng phạt 8 doanh nghiệp và tàu của Nga vì tham gia vào dự án trên, song lại không trừng phạt hai doanh nghiệp Đức, đặc biệt là công ty quản lý tuyến đường ống này đăng ký tại Đức - Nord Stream 2 AG.
Trong khi đó, Chính phủ Nga cũng vừa tuyên bố chính thức coi Mỹ và Cộng hòa Séc là những quốc gia “không thân thiện”.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhắc lại lập trường của Tổng thống Joe Biden, người đã đề xuất cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vào tháng tới.
Ông nói: “Chúng tôi tìm kiếm mối quan hệ ổn định, có thể dự đoán trước với Nga. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó tốt cho người dân Mỹ, người dân Nga và thực sự tốt cho thế giới”.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken cũng thừa nhận: “Không có gì bí mật khi chúng ta có những bất đồng và đề cập đến những bất đồng đó".
Theo ông Blinken, Tổng thống Biden từng chia sẻ với Tổng thống Putin rằng, nếu Nga "có hành động gây hấn" với Mỹ, các đối tác và đồng minh của Washington, Mỹ sẽ đáp lại.
Nhà ngoại giao Mỹ cho rằng Tổng thống Biden đã thể hiện điều này bằng cả lời nói và hành động, song "không phải để căng thẳng leo thang hay gây xung đột giữa hai bên mà để bảo vệ lợi ích của Mỹ.”
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov xác nhận giữa Nga và Mỹ “có những bất đồng nghiêm trọng trong việc đánh giá tình hình quốc tế, trong cách tiếp cận các nhiệm vụ phải giải quyết để bình thường hóa tình hình”.
Ông khẳng định: “Lập trường của Nga rất đơn giản: Chúng tôi sẵn sàng thảo luận tất cả, không loại trừ vấn đề nào, nhưng phải trên cơ sở các cuộc thảo luận sẽ trung thực, bàn về những vấn đề thực tế và đương nhiên phải dựa trên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”.
Ngoại trưởng Lavrov cũng cho rằng Nga và Mỹ cần hợp tác "trong những lĩnh vực có xung đột lợi ích”.
Ông Lavrov nhấn mạnh quan hệ giữa Moskva và Washington ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình quốc tế nói chung và điều này đã được tổng thống hai nước xác nhận trong các cuộc điện đàm.
Lãnh đạo Nga-Mỹ đã nhất trí rằng hai nước cần hợp tác trong các vấn đề có chung quan điểm và có triển vọng đạt kết quả tích cực, chẳng hạn như giải quyết xung đột và các vấn đề khác như sự ổn định chiến lược.
Trong số này có cả những chủ đề phức tạp như hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề hạt nhân Iran, Afghanistan, những vấn đề mà đại diện hai bên đã liên hệ thảo luận.
Giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cuộc gặp không đem lại bước đột phá, nhưng đây là “sự khởi đầu tốt” để làm việc về mối quan hệ giữa hai nước “trong những tuần, tháng và các năm tới”.
Về phần mình, Nga cũng chưa xác nhận về khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa hai tổng thống Putin-Biden, sự kiện mà cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng lần này có thể xem như những bước đi chuẩn bị đầu tiên.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, chưa có thỏa thuận cuối cùng về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ. Ông nói rõ rằng nếu hai bên đồng ý, cuộc gặp giữa hai tổng thống sẽ diễn ra tại một trong những thủ đô của châu Âu.
Đánh giá về những căng thẳng giữa Nga và Mỹ sau khi ông Biden nhậm chức, giới chuyên gia cùng chung nhận định khó có thể hy vọng vào sự cải thiện về chất trong quan hệ hai nước thời gian 4 năm tới, nhất là khi cạnh tranh chiến lược giữa hai nước ngày càng gay gắt. Điều đó khiến quan hệ Nga-Mỹ khó có thể đạt được sự chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng mặc dù tiếp tục chính sách trừng phạt và kiềm chế Nga, chính quyền của Tổng thống Biden vẫn tìm cách đối thoại với Nga, đặc biệt là trong những vấn đề khó có thể giải quyết nếu như không có sự tham gia của Moskva.
Về phía Nga, Tổng thống Putin vẫn ủng hộ chính sách xây dựng quan hệ tốt đẹp với Mỹ, ít nhất là trong những lĩnh vực Moskva có lợi ích. Bên cạnh đó, duy trì đối thoại với Moskva có lẽ là con đường khả dĩ nhất để có thể tạo ra được những đột phá trong việc giải quyết nhiều vấn đề an ninh cấp bách trên thế giới.
Có thể khẳng định, cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Lavrov-Blinken lần này là bước thăm dò chuẩn bị và dạo đầu cho hội nghị thượng đỉnh rất được mong đợi giữa hai tổng thống Putin và Biden.Đây cũng là động thái thăm dò của hai đối thủ truyền thống đối với nhau.
Cuộc gặp này không chỉ phần nào phản ánh quan điểm và vị thế của hai cường quốc Mỹ và Nga trên trường quốc tế, mà ít nhiều cũng phát đi thông điệp rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hai bên vẫn có thể duy trì đối thoại.
Trong cục diện cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa hai cường quốc như Nga và Mỹ, các cuộc gặp tương tự luôn hữu ích, có thể giúp hai bên kiểm soát được bất đồng, tránh được nguy cơ đẩy quan hệ vượt qua những "lằn ranh đỏ.".
Theo TTXVN