Quảng cáo gặp khó với quy định lạc hậu

Kinh tế - Ngày đăng : 09:27, 29/05/2021

Việc áp dụng Nghị định 38 từ ngày 1.6 với nhiều nội dung thiếu thực tế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các ông lớn công nghệ như Facebook, Google, YouTube...

Quảng cáo gặp khó với quy định lạc hậu - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng một số quy định tại Luật Quảng cáo năm 2012 không còn phù hợp với sự phát triển của thị trường quảng cáo trực tuyến hiện nay - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đây là một trong những nội dung tại văn bản vừa được Hiệp hội Quảng cáo gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT). Theo hiệp hội này, trong khi ngành quảng cáo số đang thay đổi mạnh mẽ trước làn sóng công nghệ, nhiều quy định của Luật Quảng cáo, với những quy định từ năm 2012, đang tỏ ra lạc hậu so với thực tế hiện nay.

Do đó, cần sớm sửa đổi Luật Quảng cáo, tạo hành lang pháp lý cho ngành báo chí truyền thông và quảng cáo được hoạt động thuận lợi, bởi đa số báo chí truyền thông hiện nay đều sống nhờ quảng cáo.

Gặp khó với "không vượt quá 1,5 giây"

Theo Hiệp hội Quảng cáo, một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 38 là chế tài xử phạt hành vi vi phạm về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử. Chỉ riêng khoản 2, điều 38 có 2 quy định bất hợp lý.

Đó là phạt tiền 10-15 triệu đồng nếu thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử "không ở vùng cố định quá 1,5 giây" và "thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào trong phần nội dung tin bài".

Theo các doanh nghiệp (DN), việc quy định thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây là thiếu thực tế, quá ngắn để có thể truyền tải thông điệp, gây khó khăn cho việc quảng cáo trên báo chí của các báo điện tử và DN trong nước.

Trong khi đó, trên các mạng cho phép chạy quảng cáo như YouTube, Facebook... thời gian tối thiểu để người xem có thể tắt quảng cáo là 5 giây, thậm chí có nhiều trường hợp lên tới 15 giây.

Ngoài ra hành vi "thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài" bị xử phạt khá nặng là không hợp lý, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các DN quảng cáo trong nước và các cơ quan báo chí với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

Theo các DN, nếu những quy định tại nghị định này được áp từ 1.6 sẽ làm đảo lộn các chiến dịch, kế hoạch quảng cáo của nhiều DN. "Nếu Nghị định 38 có hiệu lực, DN sẽ mất địa điểm để quảng cáo, nhà quảng cáo cũng không có nơi để đặt quảng cáo và cuối cùng nhà cung cấp dịch vụ bị mất nguồn thu", một DN nói.

Theo ông Chu Thanh Đức - đại diện Công ty quảng cáo Bidmath, quy định mới của nghị định này nhắm đến là quảng cáo ngữ cảnh, tức các quảng cáo được lẫn trong nội dung các bài viết.

Trong khi đó, đây là hình thức quảng cáo được các nhãn hàng và công ty đặt quảng cáo lựa chọn, thậm chí đang rất phổ biến và được dự báo sẽ là xu hướng tất yếu vì tính hiệu quả cao trong việc gia tăng nhận thức thương hiệu do người đọc có thói quen tìm nội dung theo hiển thị tự động.

Chưa hết, nghị định này cũng tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến biển hiệu quảng cáo trên đường cao tốc, quảng cáo trên phim truyền hình, màn hình điện tử trong thang máy, tòa nhà, rạp chiếu phim... Quy định mới đưa hình thức chế tài cung cấp dịch vụ quảng cáo như cơ quan báo chí chính thống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường quảng cáo.

Quy định lạc hậu

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng thực chất Nghị định 38 vừa ban hành không khác gì Nghị định 158 cũng như Luật Quảng cáo, mà quy định chỉ cho phép tối đa 1,5 giây là một ví dụ.

Trong khi lẽ ra các nghị định dưới luật phải liên tục được cập nhật để đuổi theo sự thay đổi của ngành quảng cáo, nhiều nghị định vừa đưa ra đã có độ vênh lớn so với Luật Quảng cáo.

Thực tế, Luật Quảng cáo đã tồn tại gần 10 năm nay, không theo kịp tốc độ phát triển của ngành quảng cáo, đặc biệt là sự phát triển của báo hình, báo viết, báo điện tử, các ứng dụng trên điện thoại và các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới như YouTube, Facebook.

Theo ông Sơn, trong gần 10 năm qua chưa có bên nào bị phạt vì quy định trên bởi nó quá vô lý. Theo các DN, Luật Quảng cáo được soạn thảo từ năm 2012, thời điểm các quảng cáo trên mạng ít phổ biến, các mạng như YouTube, Google, Facebook chưa hoạt động rầm rộ tại Việt Nam, quy định quảng cáo chỉ được phát dưới 1,5 giây với mục đích bảo vệ bạn đọc.

Tuy nhiên, hiện nay có đến 80% tổng doanh thu quảng cáo rơi vào tay Facebook, Google.

Cần có cái nhìn công bằng và đổi mới hơn với thị trường

Theo các DN, Nghị định 38 giúp người đọc có một không gian báo mạng sạch hơn, không còn bị quảng cáo làm phiền nhưng vấn đề là đa số người đọc đang được đọc báo miễn phí. Ông Ngô Hùng, hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, cho biết nghị định này vô tình làm giảm tính cạnh tranh của báo điện tử với các mạng xã hội, trong mắt nhãn hàng và DN.

Có thể nói nghị định này sẽ "tuýt còi" hiện tượng nhiều trang tin lạm dụng hình thức quảng cáo ngữ cảnh, gây nhầm lẫn cho người đọc cũng là người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy thị trường quảng cáo trực tuyến thời gian qua khá bát nháo vì các mẩu quảng cáo trên nhiều nền tảng online có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, thậm chí còn có tính suy thoái đạo đức, xã hội. Đơn cử như các quảng cáo thuốc "nhà tôi 3 đời" hay nghệ sĩ quảng cáo thuốc chữa bệnh nan y...

"Nhưng không vì thế mà đánh đồng rồi vơ đũa cả nắm như vậy. Nếu siết chặt quy định về quảng cáo trên báo chí và trang thông tin điện tử Việt Nam như Nghị định 38, các DN quảng cáo xuyên biên giới lại có lợi thế. Bởi cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang lúng túng trong việc xử lý sai phạm của các đơn vị này do họ không đặt trụ sở tại Việt Nam", ông Hùng nói thêm.

Quy định mới sẽ tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các DN quảng cáo trong nước/các cơ quan báo chí với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới, trong khi các ông lớn công nghệ này đang có rất nhiều sai phạm về nội dung và chất lượng quảng cáo.

"Trong khi chưa có hành lang pháp lý đủ mạnh, kiểm soát và chế tài các nền tảng xuyên biên giới, chúng ta đã tự bóp nghẹt mình. Nếu không tăng doanh thu quảng cáo cho các cơ quan báo chí, tiền sẽ chảy ra nước ngoài", ông Sơn khuyến cáo.

Ông Chu Thanh Đức cho rằng cơ quan quản lý cần có cái nhìn công bằng và đổi mới hơn với thị trường. Nhà làm luật có thể lắng nghe các bên trước khi ra quyết định thay vì xử phạt cứng nhắc, đặc biệt trong bối cảnh dịch hiện nay khi DN không có nhiều lựa chọn để tiếp cận khách hàng.

"Với các kỹ thuật, công nghệ hiện nay, chúng ta hoàn toàn loại bỏ, ngăn chặn ngay từ đầu các nguy cơ về quảng cáo sai, quảng cáo nói quá hay không phù hợp thuần phong mỹ tục như nhà quản lý lo lắng", ông Đức nói.

Giám đốc một công ty quảng cáo ở TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng dù hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi độc giả, song quy định trên lại thiếu công bằng trong việc bảo đảm quyền của cá nhân/tổ chức mua dịch vụ quảng cáo, cũng như DN cung cấp dịch vụ quảng cáo.

Theo Tuổi trẻ