Đề phòng sốc nhiệt do nắng nóng kéo dài ở ba miền trên cả nước

Môi trường - Ngày đăng : 10:07, 31/05/2021

Chỉ số nóng bức cực đại tại Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, TP Đà Nẵng và TP Quy Nhơn, Bình Định tiếp tục đạt mức 41-54 (mức nguy hiểm).

Người đi bộ khó chịu với thời tiết trong đợt nắng, nóng tại Hà Nội

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 31.5, chỉ số nóng bức (HI- Heat Index), chỉ số tia cực tím (UV) tại ba miền trên cả nước đều ở mức nguy hiểm và gây hại rất cao; đặc biệt là tại các khu vực đang diễn ra nắng nóng diện rộng như Bắc Bộ, Trung Bộ.

Chỉ số nóng bức cực đại tại Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, TP Đà Nẵng và TP Quy Nhơn (Bình Định) tiếp tục đạt mức 41-54 (mức nguy hiểm).

Với mức nhiệt này, người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài.

Ngày 31.5, chỉ số tia cực tím cực đại tại các thành phố trên cả ba miền đều ở mức nguy cơ gây hại rất cao gây (9-10). Thời gian xuất hiện chỉ số tia cực tím cực đại từ 10-14 giờ. Ở chỉ số này, tia cực tím có khả năng gây bỏng cho da nếu da tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời liên tục trong 25 phút.

Cụ thể, chỉ số tia cực tím đạt mức cực đại trong ngày 31.5 như sau: TP Hạ Long (Quảng Ninh) ở mức 9.6; TP Hải Phòng ở mức 9.8; Thủ đô Hà Nội ở mức 9.0; TP Huế (Thừa Thiên-Huế) và TP Đà Nẵng ở mức 9.8; TP Hội An (Quảng Nam) và TP Nha Trang (Khánh Hòa) ở mức 9.7; TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ ở mức 9.2; TP Cà Mau (Cà Mau) ở mức 9.5.

Dự báo, từ ngày 1- 3.6, chỉ số tia cực tím cực đại ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước gây hại rất cao (9-10). Thời gian xuất hiện chỉ số tia cực tím cực đại từ 10 giờ-14 giờ.

Ðể phòng tránh tác hại do nắng nóng kéo dài, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần mặc quần áo bảo hộ, bao gồm các loại áo có khả năng chống nắng như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, tối mầu, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai; nên lựa chọn chất liệu vải chống nắng đặc biệt.

Người dân nên đeo kính râm bảo vệ mắt, lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia cực tím từ 99-100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh.

Cùng với đó, mọi người nên bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím; uống bù đủ nước khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.

Người dân nên hạn chế ra ngoài vào buổi trưa, thời điểm bức xạ tia cực tím gây hại cao nhất.

Đặc biệt, người dân cũng cần nâng cao ý thức tự giác bảo vệ bản thân và gia đình, nhất là người già và trẻ em.

Theo TTXVN