Người đã tiêm vắc xin bị nhiễm Covid-19 có triệu chứng như thế nào?

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:52, 03/06/2021

Triệu chứng mắc Covid-19 ở người đã tiêm vắc xin khác nhiều so với các bệnh nhân thông thường.

Bạn vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 sau khi tiêm vắc xin vì cơ thể mất vài tuần để phát triển kháng thể chống lại căn bệnh này.

Nhưng các chuyên gia cho biết những người thuộc diện trên có triệu chứng khác với người chưa tiêm vắc xin bị nhiễm Covid-19. Nguy cơ bị sốt ít hơn 70%, mệt mỏi ít hơn 55%. 

Ngoài ra, họ cũng không bộc lộ rõ rệt các triệu chứng bệnh căn bản như ớn lạnh, đau đầu, mất khứu giác, vị giác. 

Giới chuyên môn ghi nhận 4 biểu hiện mắc Covid-19 của người đã tiêm vắc xin. 

Hắt hơi phổ biến ở những người dưới 60 tuổi đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc Covid-19. Đây là biểu hiện quen thuộc của người bị cúm hoặc cảm lạnh, hiếm khi xuất hiện ở các ca bệnh Covid-19 chưa chủng ngừa.

Ngoài ra, người mắc Covid-19 sau tiêm vắc xin cũng nhanh chóng bị hụt hơi, khó thở. Nếu cảm thấy căng thẳng, những người có biểu hiện như vậy nên đi xét nghiệm SARS-CoV-2 để phòng ngừa.

Người đã tiêm vắc xin bị nhiễm Covid-19 có triệu chứng như thế nào?

Ảnh minh họa: The Jakartapost

Một triệu chứng bệnh hay gặp khác là đau tai. Bệnh nhân Covid-19 thông thường hay phàn nàn về chứng ù tai. Với người đã tiêm vắc xin, biểu hiện này nặng hơn. Họ thường bị đau vài ngày sau đó.

Triệu chứng cuối cùng cần cảnh giác là sưng ở nách hoặc cổ. Dấu hiệu này ít thấy hơn. Nhiều bệnh nhân cho biết hiện tượng trên tự biến mất sau vài ngày. 

Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu về các bệnh nhân ở Anh bằng ứng dụng Nghiên cứu triệu chứng Covid-19.

Trong số 1,1 triệu người dùng ứng dụng đã tiêm liều vắc xin đầu tiên, gần 2.400 người (0,2%) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Trong số nửa triệu người đã tiêm 2 liều, 187 người (0,03%) có kết quả dương tính vài tuần sau đó.

Thống kê theo một cách khác, nguy cơ mắc Covid-19 ở người chưa tiêm vắc xin là 1 trong 17.000 người; tiêm 1 liều (1/32.000); tiêm 2 liều (1/68.000).

Như các nghiên cứu đã chứng minh, mọi người vẫn sẽ bị nhiễm bệnh và có thể lây cho người khác dù đã tiêm vắc xin.

Tuy nhiên, vắc xin dường như đang làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, mặc dù một số rất nhỏ vẫn có thể phải nhập viện. Những người được chủng ngừa có khả năng mắc bệnh nặng thấp hơn 49%.

Bệnh nhân ít phải đến bệnh viện để điều trị hơn 64% so với những người không được tiêm chủng.

Xét về đối tượng có nhiều nguy cơ bị Covid-19 sau khi tiêm vắc xin, phụ nữ có tỷ lệ cao hơn, chiếm gần 70% các trường hợp.

Dữ liệu cho thấy những người dưới 60 tuổi, béo phì và sống ở những nơi thiếu thốn là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm Covid-19 sau tiêm vắc xin.

Những người khỏe mạnh ít có khả năng mắc bệnh hơn, đặc biệt nếu họ tránh xa đồ ăn vặt.

Các nhà khoa học cho biết tác dụng của vắc xin có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống và bệnh béo phì.

Người già trên 60 tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn gần ba lần nếu họ bị ốm yếu. Những người bị hen suyễn, phổi và các bệnh nền dễ bị mắc bệnh.

Theo Vietnamnet