Đề xuất duy trì thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động bị mất việc

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 17:11, 13/06/2021

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham gia ý kiến đối với kiến nghị bổ sung đối tượng hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về một số đề xuất Chính phủ trong chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) được miễn đóng vào Quỹ Bảo hiểm y tê (BHYT) hay duy trì thẻ BHYT cho NLĐ bị mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách trên là NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương tại những đơn vị bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19. Người sử dụng lao động đóng 3% mức lương tối thiểu và NLĐ miễn đóng BHYT 1,5%. Thời gian miễn đóng tối đa 8 tháng, tính từ tháng 6.2021 đến tháng 1.2022. BHXH cũng đồng ý chính sách duy trì thẻ BHYT đối với NLĐ bị mất việc, trong thời gian tối đa 8 tháng. Đối tượng được hưởng chính sách này phải có thời gian tham gia BHYT đủ 2 năm liên tục trước thời điểm bị mất việc... Tuy nhiên, đại diện BHXH Việt Nam cho biết theo quy định hiện hành, Quốc hội là cơ quan đưa ra quyết định các vấn đề này..., vì vậy cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đề nghị khi ban hành các chính sách này cần cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xác định đối tượng hỗ trợ.


Cán bộ LĐLĐ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh tặng quà cho công nhân tại các khu cách ly tạm thời

Trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có Báo cáo số 2077/TLĐ gửi Văn phòng Chính phủ và kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung thêm đối tượng NLĐ cần được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất hỗ trợ tiền mặt cho NLĐ bị ngừng việc trên 14 ngày trong các trường hợp cách ly y tế là F1 ở các khu cách ly và F2 cách ly tại nhà hoặc trong khu vực phong tỏa. Những người này chỉ nhận hỗ trợ khi tiền lương ngừng việc thấp hơn lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp (DN), cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non đến THPT bị tạm ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ một lần là 1 triệu đồng/người, thời gian áp dụng từ ngày 1-6 đến hết năm 2021. Thời điểm bắt đầu ngừng việc được tính từ ngày 1.5- 31.12.2021. Thời gian ngừng việc phải từ 14 ngày trở lên, tính từ ngày 1.5 - 31.12.2021. Dự kiến, số lượng người được hỗ trợ là 60.000 với kinh phí 60 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị miễn đóng BHYT đối với NLĐ và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối tượng áp dụng là NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương tại các DN, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT bị tạm ngừng hoạt động để phòng dịch Covid-19. Thời gian miễn đóng tối đa 8 tháng, tính từ tháng 6-2021 đến tháng 1.2022. Tổng LĐLĐ Việt Nam dự kiến số người được hỗ trợ là 50.000, với kinh phí là 33,6 tỉ đồng. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề xuất duy trì thẻ BHYT đối với NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. NLĐ được duy trì thẻ BHYT khi có thời gian tham gia BHYT đủ 2 năm liên tục trước thời điểm bị chấm dứt HĐLĐ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo quy định hiện hành, DN và NLĐ phải đóng vào quỹ BHYT bằng 4,5% mức tiền lương tháng; trong đó, người sử dụng lao động đóng 3%, NLĐ đóng 1,5%.


Theo Người lao động