Nông dân liên kết nâng giá trị vải thiều
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:09, 17/06/2021
Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ thu mua vải của Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều sớm xã Thanh Quang để xuất khẩu
Xã Thanh Quang có diện tích vải lớn nhất huyện Thanh Hà với trên 700 ha. Toàn xã có 3 vùng sản xuất vải bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu với diện tích khoảng 39 ha.
Ông Nguyễn Văn Đệnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Quang cho biết xác định vải là cây trồng chủ lực và mang lại thu nhập chính cho hội viên, nông dân trong xã. Trong những năm qua, hội đã đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, hội viên tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trên cây vải nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị quả vải.
Hội thường xuyên khuyến cáo hội viên và nhân dân chỉ nên thu hoạch khi vải đủ độ chín, không bán vải khi còn xanh, ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu vải Thanh Hà. Tuyên truyền hội viên, nông dân dọn cỏ bằng phương pháp thủ công, không sử dụng thuốc trừ cỏ.
Vừa qua, để chuẩn bị cho lễ mở vườn hái vải xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, châu Âu... Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tìm địa điểm thích hợp để tổ chức buổi lễ. Động viên bà con dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng, bảo đảm thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch, để quả vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hội Nông dân xã có trên 2.700 hội viên. Từ đầu năm đến nay, hội đã đăng ký mua gần 22,2 tấn phân bón trả chậm cho hội viên; phối hợp mở 6 lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, 2 lớp dạy nghề, chủ yếu về các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải.
Để giúp hội viên có vốn phát triển sản xuất, hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 190 hộ nông dân vay với dư nợ đạt trên 7,1 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân xã cũng cho 11 hộ vay tổng số tiền 172 triệu đồng. Hội còn thành lập 2 Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều sớm ở thôn Hạ Vĩnh và Phúc Giới.
Bà Lê Thị Anh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hạ Vĩnh, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều sớm ở thôn này cho biết: "Hằng năm, chúng tôi được Hội Nông dân xã và các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây vải, giúp các thành viên của tổ có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong chăm sóc cây vải".
Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều sớm ở thôn Hạ Vĩnh được thành lập năm 2018 với 13 hộ thành viên, đến nay đã tăng lên 20 hộ. Các thành viên đều chăm sóc vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chất lượng được nâng lên rõ rệt, được thương lái và bạn hàng trong, ngoài nước đánh giá cao. Giá bán vải của các hộ trong tổ luôn cao hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg và chủ yếu được Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ thu mua để xuất khẩu. Nhiều hội viên nông dân có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm từ cây vải, đời sống ngày càng khấm khá.
ĐỨC ANH