Đề phòng hỏa hoạn và bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng

Xã hội - Ngày đăng : 14:51, 18/06/2021

Bắc Bộ và Trung Bộ đang xảy ra nắng nóng trên diện rộng với nền nhiệt luôn ở mức cao từ 37-40 độ C. Thời tiết nắng nóng gây nguy cơ cao về hỏa hoạn và ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp đề phòng cháy nổ và bảo vệ sức khỏe trong những ngày này.

Nắng nóng mở rộng ra toàn khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ

Ngày 15.6, một số nơi ở Bắc Bộ đã xảy ra nóng cục bộ, Trung Bộ nóng diện rộng, nhiệt độ từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Từ ngày 16.6, nắng nóng đã mở rộng ra toàn khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nguyên nhân đợt nắng nóng gay gắt này là do vùng áp thấp nóng phía Tây mở rộng kết hợp rãnh ấp thấp có trục khoảng 24-26 độ vĩ bắc; thêm vào đó là chịu tác động của hiệu ứng Foehn (gió phơn) - gió Tây Nam từ phía Lào thổi vượt qua dãy núi Trường Sơn gây ra khô nóng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đợt nắng nóng ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 21.6. Ở khu vực Trung Bộ có khả năng kéo dài hơn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1. Cao điểm của đợt nắng nóng là từ ngày 19-21.6 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, nhiều khả năng đợt nắng nóng này có cường độ tương đương như đợt nắng nóng cuối tháng năm, đầu tháng sáu vừa qua (đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt diễn ra những ngày cuối tháng năm, đầu tháng sáu kéo dài từ ngày 29.5 -3.6, trong đó nắng nóng đặc biệt gay gắt xảy ra trong các ngày 31.5 đến 2.6 với mức nhiệt cao nhất nhất ở khu vực Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 41 độ C).

Đề phòng hỏa hoạn

Nhiệt độ tăng cao cộng với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên ở các tỉnh phía Tây Bắc, khu vực Bắc và Trung Bộ có nguy cơ cháy rừng cao, nhiều vùng có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Để ngăn ngừa các sự cố cháy nổ trong các khu dân cư, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi hộ gia đình, nơi sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh… cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị sử dụng điện; không câu nối dăng móc chằng chịt dây điện trong nhà, không tăng phụ tải bừa bãi. Đặc biệt, phải lắp thiết bị tự động ngắt cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị có công suất lớn.

Các cơ sở kinh doanh, buôn bán và các hộ gia đình cần bố trí, sắp xếp hàng hóa, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong đơn vị, trong nhà xưởng, nhà kho vật dụng trong gia đình đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định; sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy trong gia đình phải ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m; khi đun nấu phải quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Nếu dùng bếp gas phải kiểm tra toàn bộ hệ thống bảo đảm độ kín, phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van gas... Khi ra khỏi nhà phải kiểm tra tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện, đồ dùng điện.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ cháy, nổ và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng cháy, chữa cháy trong sinh hoạt; đặc biệt là biện pháp phòng cháy trong sử dụng điện, hàn cắt kim loại, trong kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng...

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng

Thời tiết nắng nóng có thể gây bất lợi cho cơ thể. Các yếu tố thời tiết nóng, ẩm thất thường, môi trường bụi bặm... tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus phát triển là nguyên nhân làm gia tăng và phát triển nhiều bệnh tật…

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng cao nhất, là do khả năng điều hòa thân nhiệt của trẻ kém, không tự điều hòa được thân nhiệt để thích ứng với môi trường xung quanh. Ngoài ra, người béo phì, người cao tuổi, người bị bệnh nằm liệt một chỗ và người bị đái tháo đường… đều nhạy cảm hơn với sức nóng.

Các bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy, tiêu chảy cấp, thương hàn, Rotavirus, ngộ độc thực phẩm…) thường xảy ra trong mùa hè. Nguyên nhân là do thời tiết nóng ẩm của mùa hè rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, cộng với sự ô nhiễm môi trường, bụi bặm nhiều hơn làm cho gia tăng các bệnh dịch trên.

Cùng với đó, các bệnh về hô hấp như viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi…; các loại sốt (do virus, do nhiễm trùng, do thời tiết...), sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản (hay gặp ở trẻ em)... cũng xuất hiện nhiều. Nguyên nhân, nắng nóng làm cơ thể bị mất nước khiến niêm mạc mũi, họng bị khô. Việc sử dụng quạt và máy lạnh liên tục cũng làm cho vùng này khô thêm, dễ trầy xước nên vi khuẩn, virus có thể xâm nhập sâu vào gây bệnh. Ngoài ra,việc uống nước đá, ăn kem và tắm nước lạnh nhiều cũng dễ dẫn đến viêm họng, thanh quản, bị mất tiếng...

Các bệnh mạn tính cũng bị ảnh hưởng trong thời tiết nắng nóng. Đối với người cao tuổi, ngoài các bệnh lý về xương khớp, hô hấp, Alzheimer... thì các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tăng huyết áp cũng đặc biệt phát triển ở thời điểm này. Nắng nóng khiến tim làm việc nhiều và nhanh hơn làm cho mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Bệnh nhân có tiền sử tim mạch càng dễ trở nặng hơn dẫn đến đau thắt ngực và tai biến mạch máu não. Ở người lớn tuổi, nếu thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh sẽ làm các mạch máu co lại tức thì gây ra thiếu máu não hoặc nhồi máu cơ tim.

Nắng nóng có thể gây ra đột quỵ, do cơ thể đổ mồ hôi nhiều gây mất nước, dẫn tới giảm khối lượng máu, làm thiếu hụt máu nuôi dưỡng não gây đột quỵ. Hơn nữa nắng nóng làm thân nhiệt tăng, gây rối loạn chức năng điều phối hoạt động sống của hệ thần kinh trung ương làm rối loại hô hấp và tuần hoàn, giảm lưu lượng máu nuôi não cũng sẽ dẫn tới đột quỵ...

Trước các nguy cơ bệnh tật trên, các chuyên gia khuyến cáo, cần tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng.

Để phòng các bệnh tiêu hoá, cần ăn chín, uống sôi (không ăn rau sống, uống nước lã; không uống nước đá, nước giải khát không đảm bảo vệ sinh...), rửa tay trước khi ăn. Thực phẩm mua loại còn tươi, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chế biến ngay, bảo quản thức ăn đã chế biến trong điều kiện thích hợp và không để quá lâu; nên bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C. Việc vệ sinh môi trường tốt sẽ giúp phòng tránh các bệnh về đường hô hấp.

Để phòng tránh tác hại nắng nóng, khi ra ngoài, cần mặc các loại áo có khả năng chống nắng như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai; nên đeo kính râm bảo vệ mắt, lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.

Với các bệnh mạn tính bị tác động bởi thời tiết như COPD, tăng huyết áp... ở người cao tuổi, cần ở nơi thoáng mát, tránh độ ẩm cao, nên ăn nhạt, từ bỏ các thói quen xấu (hút thuốc lá, uống café đặc...), phải tuân thủ điều trị, tập thể dục hợp lý, vừa phải phù hợp với sức khỏe một cách đều đặn để rèn luyện hệ tim mạch và hệ hô hấp được khỏe mạnh. Hạn chế ra ngoài và không vận động nhiều những khi trời nắng gắt, nhất là với người có tiền sử bệnh tim mạch. Bổ sung các thực phẩm tươi, giảm thức ăn nhiều dầu mỡ và tăng cường uống nước.