Bác Hồ - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 05:48, 20/06/2021
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc (ảnh tư liệu)
Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã trực tiếp viết báo để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Năm 1919, tại Paris - Thủ đô nước Pháp, Bác Hồ đã viết bài báo đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa”, đăng trên báo Nhân Đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp số ra ngày 18.6.1919. Bài báo có tiếng vang lớn trong các tầng lớp bạn đọc, nhất là những người nghèo khổ bị áp bức, bóc lột ở các nước thuộc địa và tác động đến bọn cầm quyền ở các nước đó. Ngày 28.6.1919, Bác Hồ còn gửi đến hội nghị Versailles bản yêu sách 8 điểm đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền độc lập, tự do dân chủ và bình đẳng của dân tộc Việt Nam, trong đó có cả quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí. Năm1921, Bác Hồ cùng một số chính khách thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và sau đó năm 1922 lập ra báo Người cùng khổ (Le Paria) - cơ quan ngôn luận của hội. Số đầu tiên xuất bản vào ngày 1.4.1922 đã thể hiện tinh thần đoàn kết và giải phóng con người. Bác Hồ trở thành nòng cốt của tờ báo, vừa viết tin, bài, vẽ minh họa, ảnh, biên tập...
Tháng 11.1922, từ Matxcơva, Bác Hồ được Quốc tế cộng sản phân công về Quảng Châu (Trung Quốc) tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tại đây, Người ra báo Thanh Niên, số đầu phát hành ngày 21.6.1925. Tờ báo đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Tháng 12.1926, Bác Hồ quyết định ra báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta, đối tượng chủ lực của cách mạng. Tiếp đó, tháng 1.1927, báo Lính Cách mệnh ra đời (tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay). Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Bác Hồ cho xuất bản báo Tranh Đấu và tạp chí Đỏ. Tháng 2.1941, sau 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Năm 1942, Bác thành lập báo Cứu Quốc.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, được sự quan tâm chỉ đạo của Bác Hồ, hệ thống báo chí cách mạng nước ta ngày càng phát triển đáp ứng sự nghiệp cách mạng kháng chiến và kiến quốc. Bác Hồ không những là người sáng lập, giáo dục, rèn luyện báo chí cách mạng Việt Nam mà Người còn trực tiếp viết báo. Từ bài báo đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân Đạo đến bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng báo Nhân Dân số ra ngày 1.6.1969, Bác đã viết trên 2.000 bài báo với hơn 200 bút danh.
Tổng Bí thư Trường Chinh đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng, là người thầy vĩ đại, là người sáng lập và dìu dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều gắn liền với công tác báo chí. Cho nên Bác tự nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí và những lời dạy của Bác về công tác báo chí là cả một kho tàng vô giá về lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ đường lối báo chí vô sản của Đảng, khắc sâu trong tâm trí những người làm báo chúng ta”. Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc”, “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời”. Nói đến nhiệm vụ làm báo, Bác Hồ căn dặn: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo” và nhất là đạo đức người làm báo. Về phẩm chất đạo đức, Bác Hồ căn dặn người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ lưu ý chống thói ba hoa và những biểu hiện của nó là: dài dòng, rỗng tuếch, khô khan, lúng túng, nói không ai hiểu. Bác chỉ ra: Phải học cách nói của quần chúng, chớ nói như sách. Phải luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực, dễ hiểu khi viết, khi nói phải luôn nghĩ làm thế nào để cho ai cũng hiểu được. Và tầm quan trọng của báo chí là: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy người ta có thể viết những bức tối hậu thư”. Vì vậy, đối với người làm báo, đạo đức và năng lực là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò, vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng. Bác Hồ chỉ rõ: “Báo chí của ta phải phục vụ đường lối chính trị... Phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Báo chí phải chân thực, chính xác, không bịa ra, không nói ẩu. Bài báo bố cục ngắn gọn, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Bác Hồ còn căn dặn trước khi viết bài phải tự mình đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”.
Vâng theo lời dạy bảo ân cần của Bác Hồ, 96 năm qua kể từ ngày báo Thanh Niên ra số đầu đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về số lượng và chất lượng. Đội ngũ những người làm báo được đào tạo bài bản, được rèn luyện, thử thách trong khó khăn, gian khổ, trong đấu tranh cách mạng, vững vàng về lập trường tư tưởng, tinh thông nghiệp vụ, sử dụng những công nghệ tiên tiến, sẵn sàng thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của người làm báo.
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2021), trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung quyết chiến thắng đại dịch Covid-19, đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, đội ngũ những người làm báo tỉnh Hải Dương quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu, thực sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
VŨ HOÀNG