Ứng xử văn hóa trên mạng xã hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:54, 29/06/2021
Nhiều người coi mạng xã hội là nơi thể hiện sự tự do, là thế giới riêng, không bị kiểm soát nên mặc sức thể hiện quan điểm cá nhân. Nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi thiếu văn hóa, không đúng chuẩn mực đạo đức, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Vì coi mạng xã hội là thế giới riêng nên nhiều người thoải mái văng tục, chửi bậy. Nhiều người vui cũng chửi, buồn cũng chửi, những việc chẳng liên quan đến mình cũng chửi. Họ sử dụng mạng xã hội để nói xấu, lăng mạ người khác vô căn cứ. Không biết từ bao giờ, văng tục, chửi bậy đã trở thành trào lưu, là câu cửa miệng của nhiều người khi tham gia mạng xã hội. Có cảm giác rằng nhiều người nếu không văng tục, chửi bậy thì không thể hiện được "đẳng cấp", không “oai” với mọi người. Vì thế, từ người dân bình thường đến những người nổi tiếng, từ anh nông dân đến doanh nhân thành đạt, trong đó có nhiều nghệ sĩ, doanh nhân có sức ảnh hưởng lớn, thu hút nhiều người theo dõi... cũng văng tục, chửi bậy mỗi khi lên mạng. Họ có sở thích nói xấu người nọ, bôi nhọ người kia nhằm mục đích thỏa mãn cái tôi ích kỷ của mình. Thậm chí, nhiều người lên mạng văng tục, chửi bậy nhằm mục đích câu like, câu view để kiếm tiền. Họ đâu biết rằng mạng xã hội là ảo nhưng tác động đến đời sống lại rất thực. Đã từng có thời gian, nhiều câu nói của các "giang hồ mạng" như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc... được giới trẻ lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây ra tác động tâm lý lệch lạc cho nhiều người, nhất là học sinh. Nhiều người vô cớ bị nói xấu, lăng mạ trên mạng đã rơi vào tình trạng trầm cảm, hoảng loạn, có người đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
Việt Nam có hơn 60% số dân thường xuyên sử dụng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo, Instagram, Twitter... Tác động của mạng xã hội đối với đời sống là rất lớn. Nếu không có những quy tắc cụ thể về ứng xử trên mạng xã hội, tác động xấu của nó đối với xã hội không thể đong đếm được. Xuất phát từ thực trạng đó, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Việc này được dư luận đánh giá cao vì sự cần thiết, kịp thời trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng bùng nổ mạnh mẽ. Nhiều người cho rằng khi có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, bên cạnh việc chấp hành pháp luật thì người dùng mạng xã hội cũng phải tuân thủ chuẩn mực văn hóa khi tham gia trên không gian mạng. Có bộ quy tắc này, mọi người sẽ phải tự điều chỉnh về mặt đạo đức, lối sống khi tham gia mạng xã hội. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không mang tính bắt buộc, không có chức năng xử phạt mà chỉ có tính chất hướng dẫn, khuyến khích người dùng mạng xã hội hành xử cho đúng chuẩn mực đạo đức xã hội, không xâm phạm đến danh dự, phẩm giá của người khác. Dựa trên các quy tắc được quy định cụ thể, người dùng nhận biết được đâu là hành vi sai trái, không nên để tự tránh và khuyến cáo người khác cùng nhau làm sạch môi trường mạng, bảo vệ quyền tự do cá nhân của mỗi công dân.
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức trong ứng xử trên không gian mạng, giáo dục ý thức, xây dựng thói quen lành mạnh của người dùng, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, văn minh. Bộ quy tắc chỉ mang tính khuyến cáo nhưng các hành vi của từng cá nhân trên không gian mạng nếu vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý theo quy định của các luật liên quan. Vì thế, ứng xử đúng quy tắc, đúng chuẩn mực trên mạng xã hội là trách nhiệm của mỗi công dân đối với chính bản thân mình và cộng đồng.
VỊ THỦY