Bí quyết đạt điểm cao môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:03, 04/07/2021
Thầy Hồ Như Hiển
Chỉ còn vài ngày nữa học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bài thi lịch sử - môn thi thành phần thuộc bài thi khoa học xã hội sẽ được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút.
Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên lịch sử Trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) đã có chia sẻ về phương pháp ôn tập cũng như làm bài thi môn lịch sử hiệu quả.
- Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều, trong giai đoạn nước rút này, học sinh nên học môn lịch sử sao cho hiệu quả, thưa thầy?
- Việc ôn thi môn lịch sử cần có quá trình lâu dài để tích lũy kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, làm quen với các dạng đề và luyện đề. Trong khoảng thời gian cuối của quá trình ôn thi, các em cần tiếp tục ôn tập những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa (SGK) và kết hợp với luyện đề, các câu hỏi đều nằm trong phạm vi SGK nên cần ôn chắc và bám sát SGK.
Kiến thức cơ bản được coi như xương sống của một giai đoạn, tiến trình lịch sử. Trong SGK cơ bản lớp 11 và 12, toàn bộ các sự kiện, giai đoạn, nhân vật lịch sử đều được trình bày thành các bài theo lối thông sử hết sức cơ bản, do vậy, cách tốt nhất để nắm kiến thức cơ bản là bám sát SGK. Các em cũng cần xác định các phần sẽ giảm tải để bỏ ra khỏi chương trình học, bởi đây là phần kiến thức không cơ bản, hoàn toàn không có trong đề thi.
Để nắm vững kiến thức, trước hết học sinh cần có thái độ nghiêm túc, tự học trước ở nhà, đọc trước SGK và các tài liệu cần thiết nếu có. Khi ôn tập online hay những em không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể ôn tập trực tiếp trên lớp với thầy cô thì cần chú ý nghe giảng những ý chính, coi đó là bộ khung để xây dựng hệ thống kiến thức cho bản thân.
Các em cần nắm vững kiến thức theo các bước như xác định bối cảnh lịch sử, nguyên nhân bùng nổ sự kiện, hiện tượng, diễn biến sự kiện gồm những nội dung chính nào, kết quả của sự kiện lịch sử. Trong đó, kết quả lớn nhất, kết quả cơ bản nhất là gì. Từ đó suy ra ý nghĩa lịch sử của các sự kiện, hiện tượng, liên hệ thực tế đến nay (nếu có). Cuối cùng, nhất thiết các em phải học bài cũ, làm các bài tập ở cuối bài theo hình thức tự luận dù thi trắc nghiệm, đó là cách nắm vững kiến thức cơ bản tốt nhất.
Khi luyện đề, cần tập trung xác định từ khóa trong câu hỏi và nội dung kiến thức trong các đáp án, qua đó củng cố vững chắc kiến thức khi luyện đề.
Có thể sử dụng cách viết ra các từ khóa bám sát nội dung SGK, cần chú ý nguyên tắc “học tự luận để thi trắc nghiệm”.
- Khi học môn lịch sử, nhiều học sinh thường gặp khó khăn với việc nhớ các mốc thời gian, sự kiện lịch sử, vậy có phương pháp nào để việc học lịch sử nhẹ nhàng hơn với học sinh không, thưa thầy?
- Việc ghi nhớ các mốc thời gian và sự kiện lịch sử là điều bắt buộc của môn học, bởi lịch sử gắn liền với các sự kiện đã xảy ra. Tuy nhiên, trong đề thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự hạn chế ra các câu hỏi liên quan đến xác định sự kiện, do vậy, các em học sinh không cần quá lo lắng vấn đề nhớ các mốc thời gian.
Tuy nhiên, để ghi nhớ các mốc thời gian và sự kiện lịch sử, có một số cách khá hiệu quả. Đọc nhiều sách tham khảo, xem phim tư liệu về giai đoạn lịch sử hoặc sự kiện đó. Gắn sự kiện đó với một ngày mà mình có thể ghi nhớ, như ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm... Ngoài ra, các em có thể lập sơ đồ hoặc bảng các sự kiện và nên thêm từ khóa để dễ dàng hệ thống hóa và ghi nhớ. Đặt sự kiện đó trong một giai đoạn hoặc tiến trình lịch sử cụ thể và xâu chuỗi sự kiện này với sự kiện khác, giai đoạn này với giai đoạn khác.
Sử dụng một số phương pháp như phương pháp đọc nhẩm, sử dụng kênh hình... Phân chia kiến thức thành các mốc, các giai đoạn cụ thể, “chia để học”.
- Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, môn lịch sử được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thầy có lưu ý gì với thí sinh khi làm bài thi không, thưa thầy?
- Trắc nghiệm là hình thức thi các em đã quen thuộc, với môn lịch sử cũng vậy, nên việc đọc SGK của các em cũng cần thay đổi. Nếu trước kia, thi tự luận sẽ không phải đọc SGK nhiều mà chỉ học kiến thức cơ bản và đi vào câu hỏi nâng cao. Hiện nay, với đề thi trắc nghiệm thì đại đa số kiến thức trong bài thi đều lấy từ SGK nên các em cần chủ động trong việc khai thác và xử lý thông tin từ sách (kênh chữ và kênh hình).
Các em nên nhớ bài thi trắc nghiệm thì các câu hỏi đều bằng điểm nhau, dù câu hỏi khó hay dễ, nên các em cần tuân theo nguyên tắc câu dễ làm trước câu khó làm sau để bảo đảm đạt điểm cao nhất. Điều quan trọng là phân bổ thời gian để không bỏ sót câu hỏi nào, nếu hết thời gian mà vẫn còn những câu chưa làm được thì nên phỏng đoán một đáp án rồi tô, không nên để phiếu đáp án trống.
Với đa số các câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi khó phải tìm được từ "từ khóa” trong câu hỏi, đây chính là mấu chốt để giải quyết vấn đề. Mỗi khi đọc câu hỏi xong, điều đầu tiên là các em phải tìm được từ khóa nằm ở đâu, điều này các em giúp định hướng được câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với chính từ khóa đó. Đây được xem là cách để giải quyết câu hỏi một cách nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm dữ liệu đáp án.
Một phương pháp “cứu nguy” lúc không thể áp dụng cách tìm từ khóa hay rơi vào phần kiến thức yếu là loại trừ. Một câu hỏi có 4 đáp án, các đáp án có độ nhiễu cao hay nói cách khác là thường không khác nhau nhiều lắm về nội dung hoặc đảo vị trí các cụm từ trong câu hỏi. Muốn làm đúng dạng này các em thay vì đi tìm đáp án đúng thì hãy đi tìm đáp án sai, tìm được càng nhiều càng tốt và khi loại hết được các đáp án sai thì còn lại sẽ là đáp án đúng.
- Xin cảm ơn thầy.
Theo VOV