[Video] Nỗi lo phà, đò ngang
Tin tức - Ngày đăng : 06:44, 15/07/2021
Mặc dù UBND huyện Thanh Miện yêu cầu dừng hoạt động nhưng đò Kiều vẫn đưa khách qua sông
Nguy hiểm rình rập
Sông Cửu An là ranh giới tự nhiên giữa xã Cao Thắng và xã Lê Hồng (Thanh Miện). Từ nhiều năm nay, người dân ở hai xã trên thường di chuyển qua đò Kiều để tiết kiệm thời gian. Mỗi ngày, bến đò này đưa đón từ vài chục đến hàng trăm lượt khách qua sông.
Có mặt tại bến đò Kiều một ngày gần đây, chúng tôi khá bất ngờ với chiếc đò chở khách qua sông đã khá cũ, không có mái che và chỉ có một bên lan can được dựng tạm bợ, mặt đò được chắp vá bởi nhiều ván gỗ nhỏ. Trên đò chỉ có 2 chiếc phao cứu sinh đã cũ. Đò không sử dụng mái chèo hay động cơ mà chủ phương tiện dùng tay kéo một sợi dây sắt nối từ đầu bờ bên này sang bờ bên kia để di chuyển con đò. Dù tiềm ẩn nguy hiểm nhưng nhiều người vì không muốn đi đường vòng nên vẫn lên đò qua sông. Chị Nguyễn Thị L. ở thôn Thủ Pháp, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) cho biết: "Tôi thường đi đò Kiều để sang xã Cao Thắng vì quãng đường di chuyển gần hơn đi đường bộ từ 5 - 6 km. Sang sông chỉ mất vài phút nên tôi nghĩ không nhất thiết phải mặc áo phao".
Theo tìm hiểu của phóng viên, đò Kiều hoạt động không phép và chủ phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa. Năm 2019, lực lượng chức năng huyện Thanh Miện phát hiện đò Kiều không có nhà chờ, cầu lên xuống, không có thiết bị cứu đắm cùng các thiết bị bảo đảm an toàn khác. UBND huyện Thanh Miện đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu ông Bùi Văn Đông (sinh năm 1966) ở thôn Hoành Bồ, xã Lê Hồng là chủ bến đò phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, ông Đông phớt lờ lệnh cấm và vẫn hoạt động lén lút.
Hằng ngày số lượng người đi qua đò Sỹ ở xã An Phượng (Thanh Hà) khá đông. Nhưng hầu hết hành khách và chủ phương tiện đều không mặc áo phao hoặc sử dụng các dụng cụ nổi theo quy định. Áo phao trên chiếc đò này được xếp vào một góc đã cũ kỹ, mốc meo có vẻ như lâu ngày không có người sử dụng. Khi được hỏi về lý do không sử dụng áo phao thì một số hành khách cho rằng qua phà chỉ mất vài phút nên mặc vào khá phiền phức hoặc áo phao cũ, mất vệ sinh nên ngại mặc. Có người tự tin vì bản thân biết bơi và chưa thấy có vụ chìm đò nào xảy ra nên không mặc áo phao hoặc sử dụng các thiết bị nổi.
Tình trạng trên khá phổ biến ở nhiều bến phà, đò ngang khác trên địa bàn tỉnh. Nguy hiểm hơn, tại một số bến đò, các phương tiện vận chuyển mặc dù đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn nhưng vẫn vô tư hoạt động.
Nhiều hành khách đi đò, phà không được trang bị áo phao
Kiên quyết xử lý
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 80 bến khách ngang sông đang hoạt động, nhiều bến đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương. Để bảo đảm an toàn, Ban An toàn giao thông (ATGT) các cấp đã phân công lực lượng tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra hoạt động tại các bến phà, đò ngang. Ông Phạm Xuân Luân, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết (Thanh Miện) cho biết trước đây trên địa bàn xã vẫn tồn tại một bến đò hoạt động không phép. Dù lực lượng chức năng đã nhiều lần lập biên bản xử lý và yêu cầu dừng hoạt động nhưng bến đò này vẫn lén lút hoạt động. "Vừa qua, để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và phòng chống dịch Covid-19, xã đã kiên quyết yêu cầu bến đò này dừng hoạt động", ông Luân cho biết.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng liên ngành gồm Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), các phòng, ban liên quan đã kiểm tra 17 bến đò, bến phà ở các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà và thị xã Kinh Môn. Qua đó phát hiện 3 bến đò vi phạm quy định về ATGT. Bến đò Bầu A (Thanh Hà) và Hiến Thành (Kinh Môn) bị yêu cầu dừng hoạt động vì vi phạm lỗi khai thác bến thuỷ nội địa quá thời hạn cho phép; bến Bầu B (Tứ Kỳ) không đủ số lượng thiết bị phòng cháy, chữa cháy bị xử phạt vi phạm hành chính.
Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng các vi phạm liên quan ATGT đường thuỷ nội địa vẫn xảy ra. Theo Ban ATGT tỉnh, công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt nên vẫn còn tình trạng đò, phà hoạt động chưa đúng quy định. Mặt khác, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng nên việc phát hiện, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, chế tài xử phạt các bến đò, bến phà vi phạm hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe nên nhiều chủ phương tiện có biểu hiện "nhờn luật".
Ông Vũ Duy Bôn, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: "Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATGT đường thủy tại các bến phà, đò ngang. Yêu cầu Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đình chỉ ngay các đò, phà hoạt động không phép, hết phép hoặc không bảo đảm các điều kiện về ATGT".
Xem clip
ĐỖ QUYẾT - VŨ ĐẠT