Sự kiện nổi bật ngày 17.7

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 20:20, 17/07/2021

Thống nhất một số nội dung chủ yếu trong việc chuẩn bị và chỉ đạo Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV là sự kiện nổi bật ngày 17.7.

TRONG NƯỚC


Ngày 17.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội và Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ đồng chủ trì cuộc họp để trao đổi, thống nhất về 1 số nội dung chủ yếu trong việc chuẩn bị và chỉ đạo Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, thành viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan… Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Ngày 17.7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, khu cách ly. Thành phố phải bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu để ổn định đời sống người dân; đồng thời động viên người dân chịu khó vất vả, chia sẻ khó khăn tạm thời trước mắt để tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch. Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN


Ngày 17.7, tại TP Lạng Sơn, Ban Tổ chức "Hành trình đỏ" Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Lạng Sơn tổ chức chương trình Hành trình đỏ tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Với chủ đề “Ngày hội hiến máu - Giọt hồng xứ Lạng”, Ban tổ chức Chương trình Hành trình đỏ tỉnh Lạng Sơn năm 2021 dự kiến tiếp nhận khoảng 2.000 đơn vị máu, tương đương với khoảng 4.500 người tham gia hiến máu. Trong ảnh: Quang cảnh Chương trình Hành trình đỏ tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN


Ngày 17.7, hàng chục tấn hàng hóa nông sản, nhu yếu phẩm, thực phẩm khô, rau màu… đã được tập kết lên xe tải từ TP Quy Nhơn (Bình Định) để vận chuyển vào TP hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là số hàng hóa được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định tiếp nhận từ phát động Tuần lễ cao điểm “Vì TP Hồ Chí Minh thân yêu”. Trong ảnh: Nhiều hàng hóa nông sản, thực phẩm của nông dân Bình Định gửi tặng Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN


Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang diễn ra trên địa bàn, từ 0 giờ ngày 17.7, TP Đà Nẵng áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 tại địa bàn 4 phường của 3 quận gồm: Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu); phường Thạc Gián, phường An Khê (quận Thanh Khê) và phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) để khẩn trương phòng chống dịch. Đây là các địa bàn có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Trong ảnh: Khu vực thực hiện Chỉ thị 16 đều được các lực lượng chức năng túc trực bảo vệ. Ảnh: Lê Lâm - TTXVN


Ngày 17.7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị vừa điều tra, làm rõ 2 đối tượng về hành vi làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để kiếm lời với số tiền hàng trăm triệu đồng. Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện đối tượng Nguyễn Tiến Kiên, sinh năm 1980 và Lý Văn Nguyên, sinh năm 1984, đều là cán bộ, nhân viên của Trung tâm Quản lý cửa khẩu thuộc Ban quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã có hành vi lợi dụng quy định của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc thành lập Đội lái xe chuyên trách tại khu vực cửa khẩu để làm giả các giấy tờ, tài liệu nhằm hoàn chỉnh hồ sơ cho các lái xe được tuyển vào Đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu Tân Thanh để trục lợi. Trong tháng 3.2021, hai đối tượng trên đã câu kết làm giả 10 giấy tờ nhằm hợp thức hóa hồ sơ cho 81 lái xe, chiếm đoạt trên 400 triệu đồng. Trong ảnh: Cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ và khám xét nơi làm việc của các đối tượng. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

TRONG TỈNH


Chiều 17.7, UBND TP Hải Phòng tổ chức lễ khánh thành 2 công trình cầu Quang Thanh và cầu Dinh kết nối tỉnh Hải Dương với TP Hải Phòng. Phát biểu tại lễ khánh thành cầu Quang Thanh, các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, cùng với cầu Dinh, cầu Quang Thanh là công trình tiêu biểu, có ý nghĩa cao đẹp thể hiện tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Công trình hoàn thành đã đáp ứng được mong chờ của nhân dân trong nhiều năm qua, góp phần kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các huyện An Lao – Thanh Hà; Thủy Nguyên – thị xã Kinh Môn nói riêng và 2 tỉnh, thành phố Hải Dương - Hải Phòng nói chung. Cầu Quang Thanh dài 536 m, rộng 12 m, tổng mức đầu tư 398 tỷ đồng do TP Hải Phòng đầu tư. Đường dẫn phía tỉnh Hải Dương dài 1,78 km, quy mô đường cấp III đồng bằng, chiều rộng nền đường 12 m, tổng mức đầu tư 195 tỷ đồng do tỉnh Hải Dương đầu tư. Cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên và thị xã Kinh Môn dài hơn 400 mét, rộng 12 mét với tổng mức đầu tư 328 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách TP Hải Phòng. Tỉnh Hải Dương đang triển khai đầu tư đường dẫn nối cầu Dinh đến quốc lộ 17B dài khoảng 3,5 km. Cầu Quang Thanh và cầu Dinh được khởi công xây dựng vào tháng 5.2020. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương cắt băng khánh thành cầu Quang Thanh. Ảnh: Thành Chung.


Ngày 17.7, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong tỉnh tiếp tục áp dụng một số biện pháp bổ sung phòng chống dịch Covid-19 và điều chỉnh thời gian cách ly y tế. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch và các lực lượng chống dịch của các huyện, thị xã, thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong phòng chống dịch.  Kiểm soát, giám sát chặt chẽ người từ tỉnh ngoài đến Hải Dương và người Hải Dương ở nơi khác về, đặc biệt là ở các vùng có dịch. Người từ vùng có dịch vào tỉnh và người Hải Dương ở những vùng có dịch về phải có đủ một trong hai điều kiện: tiêm đủ 2 mũi vaccine (có giấy chứng nhận) hoặc có giấy xét nghiệm SARS- CoV-2 (bằng phương pháp PCR) âm tính trong vòng 3 ngày gần nhất kể từ ngày trả kết quả (theo giấy xác nhận). Nếu không bảo đảm các điều kiện nêu trên thì từ chối tiếp nhận vào tỉnh đối với người tỉnh ngoài và đưa đi cách ly tập trung đối với người cư trú trên địa bàn tỉnh. Người đến từ vùng không có dịch, không cư trú trên địa bàn tỉnh nếu không có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày gần nhất kể từ ngày trả kết quả thì phải lấy mẫu xét nghiệm nhanh và tự chi trả kinh phí xét nghiệm. Điều chỉnh thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1, người nhập cảnh và người về từ tâm dịch theo quy định của Bộ Y tế.  Tăng cường hoạt động của tổ "Covid cộng đồng", tổ "An toàn Covid".... Trong ảnh: Lực lượng công an trực tại chốt km46+300 thuộc phường Hoàng Tiến (giáp thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 của người từ vùng dịch về. Ảnh: Thế Anh.


QUỐC TẾ


Ngày 16.7, quyền Bộ trưởng phụ trách văn phòng Tổng thống Nam Phi Kumbudzo Ntshaveni cho biết số người thiệt mạng vì bạo loạn ở các tỉnh KwaZulu-Natal và Gauteng đã tăng lên 212 người, song nhấn mạnh tình hình ở 2 địa phương này đã ổn định trở lại. Phát biểu tại cuộc họp báo, quyền Bộ trưởng Ntshaveni nêu rõ tổng số người thiệt mạng ở tỉnh KwaZulu-Natal là 180 người, trong khi có 1.692 người bị bắt giữ. Còn tại tỉnh Gauteng, tổng cộng 32 người đã thiệt mạng và 862 người bị bắt giữ. Trong ảnh: Các thành viên lực lượng vũ trang Nam Phi tập trung tại khu vực phong toả nhằm ngăn chặn tình trạng cướp bóc ở Phoenix Township, North Durban. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 16.7, Indonesia bắt đầu tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3 cho các nhân viên y tế bằng vaccine của công ty dược Moderna (Mỹ). Bộ trưởng Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin cho biết chương trình được tiến hành thử nghiệm với 50 giáo sư Khoa Y thuộc Đại học Indonesia (FKUI) và một số bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cipto Mangunkusumo ở Thủ đô Jakarta. Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ trưởng Budi cho hay nếu thử nghiệm thành công, chương trình tiêm nhắc lại cho các nhân viên y tế sẽ được triển khai tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Trong ảnh: Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Banda Aceh. Ảnh: THX/TTXVN


Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) ngày 17.7 cho biết sẽ triển khai gần 60.000 sỹ quan cảnh sát để bảo đảm an ninh cho sự kiện Olympic và Paralympic Tokyo sắp tới. Đây là số lượng sỹ quan cảnh sát lớn nhất mà NPA đã từng triển khai để bảo đảm an ninh cho các sự kiện ở Nhật Bản.Theo NPA, có khoảng 36.500 trong số gần 60.000 sỹ quan cảnh sát sẽ được triển khai ở Tokyo, trong đó có 11.600 người đến từ các tỉnh khác. Các địa phương khác có số lượng sỹ quan cảnh sát triển khai lớn là: Kanagawa có 7.000 người, Chiba có 4.600 người, Hokkaido 3.400 người, Saitama 2.600 người, Shizuoka 2.300 người, Miyagi và Ibaraki mỗi tỉnh 1.200 người và Fukushima 1.100 người.Trong ảnh (tư liệu): Cảnh sátNhật Bản tuần tra tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Getty Image/TTXVN


Tổng cộng ít nhất 153 người đã thiệt mạng trong đợt mưa lũ lịch sử tại một số khu vực ở Tây Âu, trong đó có Đức, Bỉ, Hà Lan. Sau nhiều ngày mưa dữ dội, Đức ghi nhận 133 người thiệt mạng, con số tử vong vì thảm họa tự nhiên lớn nhất tại nước này trong gần 60 năm qua.  Tại Bỉ, ít nhất 20 người thiệt mạng khi "mưa lũ như sóng thần" đã quét qua khu vực Leige và Verviers, khiến các con sông Meuse và Vesdre vỡ bờ và gây ra cảnh tượng chết chóc và đổ nát. Trong ảnh: Một phương tiện bị phá hỏng trong nước lũ tại Verviers, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN