Chiếc chân giả

Các em viết - Ngày đăng : 15:40, 25/07/2021

Mỗi lần nhìn chiếc chân giả của ông Thật, tôi lại càng thêm trân trọng cuộc sống hòa bình, ấm no hôm nay.



Lâu lắm rồi chưa được về quê vì dịch Covid-19 nhưng lần này ông nội muốn đưa tôi về thắp hương tổ tiên vì tôi vừa hoàn thành xong kỳ thi chuyển cấp với kết quả khá cao. Nhà thờ của họ Vương (họ của tôi) đặt tại nhà ông Thật, anh ruột của ông nội tôi. Ông Thật là thương binh trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, một chân ông bị cụt đến đầu gối. Hồi bé, mỗi khi nhìn thấy ông tôi vừa sợ vừa thương. Từ ngày ông đi chân giả, nỗi sợ trong tôi biến mất. Vì thế được về quê, về nhà ông Thật hái ổi, câu cá, tôi cũng háo hức lắm.

- Chú Thà cho cháu Khanh về chơi đấy à? - ông Thật hồ hởi nói vọng ra từ cửa nhà. Ông đi nhanh thoăn thoắt ra cổng đón ông cháu tôi, tay bắt mặt mừng - Phấn khởi quá, cháu ông thi đỗ vào lớp 10 rồi nhỉ? Bây giờ thi vào lớp 10 trường trung tâm khéo còn khó hơn thi một số trường đại học ấy chứ?

Thấy ông Thật đi nhanh, bước đi nhẹ nhàng, ông nội tôi ngạc nhiên:

- Chân bác dạo này đỡ đau rồi à? Cái chân giả không làm bác khó chịu nữa chứ?

Ông Thật chỉ vào chân mình, cười khà khà:

- Tôi chưa kịp khoe với chú. Tôi đoán thể nào gần đến ngày 27.7 chú cũng về quê nên chờ chú về tôi mới kể. Vừa rồi có chương trình thiện nguyện lắp chân giả loại hiện đại cho thương binh. Tôi thấy chân giả lần này được lắp rất nhẹ, dễ đi và dễ hoạt động, không còn nặng nề như trước nữa. Đây, chú xem, tôi có thể đứng vững trên chân giả và đi những bước nhanh nhẹn.

Vừa nói, ông Thật vừa dùng chân giả làm trụ, xoay người một vòng cho ông cháu tôi xem. Rồi ông nói tiếp:

- Mừng lắm chú ạ! Các chuyên gia, bác sĩ ở bệnh viện quân đội cũng đã hướng dẫn cho tôi cách tập luyện ở nhà để có thể cử động linh hoạt hơn với chiếc chân giả mới, giúp các khớp vận hành theo cử động của mình. Loại chân giả này hỗ trợ người cụt chân từ đầu gối trở xuống có thể đi, chạy, trèo cây, lái xe và ngồi xổm… Cu Khanh đâu, chốc nữa theo ông ra vườn, ông trèo cây hái ổi chín cho.

Nghe ông Thật nói vậy, tôi vui quá, cảm nhận mùi ổi mỡ chín xộc vào mũi thơm lừng khiến tôi nuốt nước miếng. Ông tôi ngạc nhiên:

- Bác trèo cây được cơ à? Bác để ông cháu em vào thắp hương tổ tiên đã.

- Dịp này nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ, tôi định làm vài mâm cơm cúng giỗ anh Năng, chú thấy có được không? - ông Thật hỏi ông tôi.

Ông tôi vội xua tay:

- Em nghĩ năm nay dịch bệnh thế này bác cứ làm bát cơm quả trứng cúng giỗ, chứ chống dịch cũng phải như chống giặc, không được chủ quan. Hồi xưa chiến tranh, bom đạn ác liệt. Bây giờ Covid cũng nguy hiểm lắm. Anh em mình có tuổi rồi, lắm bệnh nền, càng phải cảnh giác với cái con Covid chứ.

Nghe ông tôi nói vậy, ông Thật có vẻ đồng tình, gật gật đầu.

Thắp ba nén nhang lên bàn thờ, ông nội bảo tôi chắp tay vái các cụ. Như thói quen, ông lại giới thiệu từng bức ảnh đen trắng treo trên tường trước mặt, khói nhang bảng lảng.

- Con nhớ nhé, hàng trên cùng là cụ cố. Phía dưới bên phải là ông Năng, anh cả của ông và ông Thật. Ông Năng là liệt sĩ thời chống Mỹ, ông hy sinh ngày nào cũng không ai biết chính xác nên cứ đến ngày 27.7 hằng năm là gia đình mình sẽ làm giỗ ông.

Nói đến đây giọng ông tôi trầm hẳn đi, có lẽ ông đang rất xúc động. Lúc đó, trong tôi dâng trào một cảm xúc khó nói nên lời. Tôi hiểu được những mất mát, đau thương mà chiến tranh gây ra. Dù chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm rồi nhưng những nỗi đau vẫn còn ám ảnh tâm trí nhiều người. Ông Năng hy sinh, ông Thật thì phải mang một chiếc chân giả suốt đời. Mỗi lần nhìn chiếc chân giả của ông Thật, tôi lại càng thêm trân trọng cuộc sống hòa bình, ấm no hôm nay. Và tôi tự nhủ lòng phải nỗ lực học tập, sống xứng đáng với những hy sinh mà bao thế hệ trước đã đổ máu xương mới giành được.

 VƯƠNG TUẤN KHANH
(Lớp 10A, Trường THPT Nam Sách)