Người cao tuổi cần chú ý gì trong mùa dịch COVID-19
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:15, 28/07/2021
Đây là những người đặc biệt dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch kém và thường mắc sẵn các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, hen phế quản... Bởi vậy người cao tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn nếu bị nhiễm COVID-19.
Theo các chuyên gia, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thở ra. Chúng ta có thể bị nhiễm bệnh khi hít phải virus SARS-CoV-2 khi đang ở gần người nhiễm, hoặc chạm vào bề mặt có virus, rồi lại chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
Hiểu được điều đó, mọi người cần chung tay hành động, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo và yêu cầu của bác sỹ, chuyên gia. Trong đó, người cao tuổi là nhóm đối tượng cần đặc biệt chú ý chủ động phòng, chống COVID-19 để không bị lây nhiễm.
Những điều người cao tuổi cần chú ý trong phòng, chống dịch COVID-19
1. Hãy ở nhà và hạn chế ra ngoài trong thời gian giãn cách xã hội
Đối với người cao tuổi, nên ở nhà và tránh ra ngoài nhiều nhất có thể trong thời gian giãn cách xã hội. Với những trường hợp bắt buộc phải ra ngoài khi cần thì phải đeo khẩu trang; giữ khoảng cách 2 mét với người có biểu hiện ho, hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh.
Tránh đến những nơi đông người như chợ, lễ hội, đám cưới, đi lại bằng máy bay, tàu thuỷ, tham gia phương tiện công cộng như xe buýt, tàu.
2. Sử dụng khẩu trang đúng cách
Người cao tuổi cần đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, có thể sử dụng khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế
3. Giữ khoảng cách an toàn
Tránh tiếp xúc hoặc dùng chung vật dụng ăn uống với người có biểu hiện sốt, ho, hoặc người đi từ vùng dịch về.
4. Rửa tay và giữ vệ sinh cá nhân
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, hoặc sử dụng dung dịch rửa tay có cồn sau khi ho, hắt hơi, tháo khẩu trang, trước bữa ăn, sau khi đi vệ sinh…
5. Duy trì chế độ tập luyện phù hợp
Người cao tuổi có thể tự tập luyện tại nhà phù hợp với sức khoẻ và thể chất, giúp người cao tuổi có sức khoẻ, tinh thần tốt, giảm căng thẳng, lo lắng…
6. Dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý tăng cường sức khoẻ
Người cao tuổi cần ăn đủ để tăng cường sức khoẻ, đảm bảo an toàn trong khâu bảo quản và chế biến thực phẩm.
7. Kiểm soát tốt các bệnh mãn tính
Người cao tuổi khi mắc các bệnh mãn tính, tim mạch, bệnh phổi, tiểu đường, không nên đến nơi đông người.
8. Cung cấp thông tin sức khoẻ bản thân
Hãy nói ngay với người thân, người chăm sóc những bệnh hiện mắc và thuốc đang điều trị. Tự khai báo hoặc nhờ người thân khai báo trực tuyến về tình trạng sức khoẻ của bản thân.
9. Cập nhật thông tin về tình hình dịch COVID-19
Người cao tuổi cần cập nhật thông tin về dịch COVID-19 qua báo, đài, truyền hình trung ương và địa phương nơi người cao tuổi sinh sống.
10. Chuẩn bị trước nếu không may bị ốm/cách ly
Cần có sẵn thông tin, số điện thoại trạm y tế xã phường, bác sỹ hiện đang chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi để được tư vấn khi cần thiết
- Hãy lưu số điện thoại của người thân, hàng xóm
- Dự phòng người chăm sóc khi cần
- Chuẩn bị các vật dụng thiết yếu (thức ăn, thuốc thiết yếu, thuốc trị bệnh hàng ngày…).
Nếu người cao tuổi không có người chăm sóc, cần báo với chính quyền địa phương để được giúp đỡ khi cần.
Theo TTXVN