Bí kíp giúp bạn ăn ngon miệng khi phải cách ly tại nhà
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:28, 31/07/2021
Hướng dẫn của các chuyên gia ở Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh trong "Sổ tay Sức khỏe Covid-19", người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái thưởng thức bữa ăn, không nên quá lo lắng về bệnh, dằn vặt hay trách người đã lây bệnh cho mình, có thể cùng ăn từ xa với người thân qua các ứng dụng Zalo, Facetime.
Cách ăn cũng vô cùng quan trọng trong nghệ thuật ẩm thực
Theo đó, nên áp dụng 6 bước trong công thức "Thiền ăn": Đầu tiên, nhìn đĩa thức ăn và cảm nhận hình dạng nó trông giống hình ảnh vui nhộn nào đó. Sau đó nhắm mắt lại và tưởng tượng món ăn trong đầu, nghĩ đến người làm ra món ăn, quy trình chế biến món ăn. Tiếp theo ngửi hương thơm tỏa ra và cảm nhận.
Bước thứ 4 đưa thức ăn chạm môi, sau đó đưa vào lưỡi và cảm giác vị trí thức ăn chạm vào. Sau đó, bằng ý thức, hãy cắn và cảm nhận vị ngon của thức ăn. Cuối cùng nhai và đếm nhẩm số lần trước khi nuốt. Nuốt từ từ cảm nhận thức ăn đang di chuyển xuống dạ dày và cảm ơn người đã tạo ra món ăn cho bạn.
Đối với người thay đổi vị giác, khởi đầu từ ăn nhạt rồi tăng dần vị. Dùng thức ăn khi còn ấm vì thức ăn nóng có vị đậm đà hơn. Dùng kẹo chua, kẹo bạc hà hoặc kẹo cao su trước và sau bữa ăn nếu bị khô miệng. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tạo cảm giác ngon miệng hơn.
Với người chán ăn, cần chia nhỏ bữa ăn 4-6 lần/ngày, không bỏ bữa. Nếu không ăn cơm được thì thay thế bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng như cháo thịt, sữa giàu năng lượng, ngũ cốc... Người chăm sóc cần khuyến khích, động viên, tạo động lực sống để người bệnh vui vẻ, lạc quan.
Cần ăn uống đa dạng và đủ chất
Về chế độ dinh dưỡng, cần ăn uống đa dạng đủ chất. Cung cấp đầy đủ năng lượng, bổ sung đủ 4 nhóm chất, ăn ba bữa chính và ăn thêm các bữa phụ, đa dạng các loại thực phẩm mỗi ngày.
Uống nhiều nước, có thể bổ sung nước trái cây như cam, chanh, nước ép rau củ quả hoặc sinh tố. Đối với trẻ em và người cao tuổi cần bổ sung nước thường xuyên chứ không đợi cảm giác khát. Ăn các loại trái cây, rau, các loại đậu như đậu lăng, đậu xanh..., các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
Người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh mạn tính, người thiếu cân có thể bổ sung thêm các chế phẩm dinh dưỡng giàu năng lượng và đạm như ngũ cốc, sữa và sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua,..
Ngoài ra, cần hạn chế đường, bánh ngọt, nước ngọt, rượu bia, đồ ăn dầu mỡ, chiên xào. Giảm ăn mặn, mỗi ngày dùng ít hơn 5 g muối tương đương khoảng một thìa cà phê. Luôn ăn chín uống sôi để tránh các bệnh gây ra do thực phẩm.
Theo VNE