Kinh tế vĩ mô 7 tháng cơ bản ổn định, nhiều lĩnh vực khá tích cực

Tin tức - Ngày đăng : 05:32, 12/08/2021

Bên cạnh nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp Chính phủ tháng 7/2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 11.8, dưới sự chủ trì, điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp về công tác phòng chống dịch COVID-19; tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2021.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc.

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, phiên họp này Chính phủ sẽ nghe và thảo luận về: tình hình và công tác phòng chống dịch COVID-19; tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2021.

Theo Thủ tướng, đây là hai nhiệm vụ quan trọng song song và có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau. Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, phân tích những kết quả đã đạt được để tiếp tục phát huy, đồng thời nêu những hạn chế và phân tích kỹ nguyên nhân để đề ra các giải pháp, huy động sự chung tay, chung sức, đồng lòng để chống dịch hiệu quả hơn và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch thứ 4 từ ngày 27.4 đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 225.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 224.000 ca trong nước (99%), 77.531 người đã khỏi bệnh (34%), 4.110 ca tử vong; có 2/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 12 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).

Nguyên nhân đợt dịch thứ 4 lây lan rộng và kéo dài là do biến thể Delta với khả năng lây lan rất nhanh và mạnh, có thể lây trong không khí và phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn; chu kỳ lây nhiễm ngắn làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, lây lan rất nhanh, mạnh trong không gian kín, đặc biệt là trong nhà máy, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người.

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam.

Một số tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch trở lại đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội. Tại các địa phương khác, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do số lượng lớn trường hợp đã đi về từ vùng dịch có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để.

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Trong đó, chỉ số CPI bình quân 7 tháng tăng 1,64%; thị trường tiền tệ ổn định; tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực, đạt 6,66%.

Thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 68% dự toán năm; thực hiện vốn FDI tăng 3,8%; giữ vững an ninh năng lượng; bảo đảm cung cấp nước an toàn, liên tục...

Sản xuất, kinh doanh 7 tháng được duy trì mặc dù bị tác động mạnh từ dịch bệnh, nhất là trong tháng 7. Trong đó, sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; an ninh lương thực được bảo đảm, nhất là cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội...

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng IIP tăng 7,9%...

Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, nhất là quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư, mua sắm, đấu thầu; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan và giữa Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp bộ máy các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp và cung ứng dịch vụ công tiếp tục chuyển biến tích cực.

Kinh te vi mo 7 thang co ban on dinh, nhieu linh vuc kha tich cuc hinh anh 1

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, nhất là trong bối cảnh tác động bởi dịch bệnh; huy động tổng lực với sự tham gia tích cực của nhiều cấp, nhiều ngành, các lực lượng xã hội cho công tác phòng, chống dịch, chăm sóc, điều trị các bệnh nhân COVID-19, đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn cung cấp vaccine trên các mặt trận.

Cùng với chống dịch, phương án thi tốt nghiệp THPT đã được tổ chức tốt, tuyển sinh vào lớp 10 linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh, điều chỉnh hợp lý phương án tuyển sinh cao đẳng, đại học.

Cả nước tổ chức các hoạt động tưởng nhớ, tri ân các thương binh, liệt sĩ ý nghĩa, an toàn, hiệu quả nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27.7.1947-27.7.2021) và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa với thông diệp “san sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” nhằm động viên tinh thần người dân và các lực lượng tuyến đầu có thêm niềm tin, sức mạnh để mau chóng chiến thắng dịch bệnh.

Hoạt động thể dục, thể thao, công tác chuẩn bị cho các giải thi đấu lớn trong khu vực và quốc tế tiếp tục được chú trọng. Đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021.

Tuy nhiên, diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19 trong tháng 7 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam, khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ; sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút.

Đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề...

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo hơn 20 tỉnh, thành phố, bộ, ngành và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thảo luận, phân tích những kết quả, thành tựu và cả những hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ thời gian vừa qua; rút ra những bài học kinh nghiệm, nhất là trong phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh; dự báo tình hình, đặc biệt là những khó khăn, thuận lợi, thách thức; bàn các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện những tháng cuối năm 2021.

Trong đó, nhiều vấn đề “nóng” trước mắt được các đại biểu đề cập như thực hiện nghiêm ngặt, sáng tạo, linh hoạt trong phòng chống dịch COVID-19; vấn đề phân bổ vaccine phòng COVID-19; về giao thông, lưu thông hàng hóa; tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản cho người dân; kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là về thuế, phí, lãi suất ngân hàng; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để loại bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh bất cập, chồng chéo; về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư công; công tác phòng, chống lụt bão...

Kinh te vi mo 7 thang co ban on dinh, nhieu linh vuc kha tich cuc hinh anh 2

Tổ chức tiêm vaccine miễn phí 100% cho hơn 5.500 công nhân tại khu công nghiệp Việt Nam-Singaore. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu lại những tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, giải pháp cơ bản, có tính chất định hướng cả trước mắt và lâu dài mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong phiên họp sáng cùng ngày để các đại biểu tiếp thu, thực hiện.

Theo đó, phấn đấu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, những cân đối lớn của nền kinh tế; chính sách tài khóa, tiền tệ phải hài hòa, hợp lý, giữ ổn định lạm phát. Phát triển bền vững, theo chiều sâu. Phát triển kinh tế hài hòa, hợp lý với phát triển văn hóa, phát triển bền vững bảo vệ môi trường.

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh an sinh xã hội chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Thực hiện cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giảm biên chế, gắn với thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, kiên định tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khâu tổ chức thực hiện phải được quan tâm, kiểm tra, giám sát thường xuyên, kiểm soát quyền lực. Nhanh chóng, kịp thời phát hiện nhân tố mới, cách làm hay, mô hình tốt, khắc phục những hạn chế, yếu kém để có sự phát triển toàn diện, tổng thể. 

Bên cạnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm người vi phạm, song phải mở ra môi trường sáng tạo. Những vấn đề phát sinh, vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung thì kiến nghị các cấp thẩm quyển giải quyết.

Đặc biệt, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, trên nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tập thể; thực hiện mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với tăng cường kiểm tra giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất; tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.” Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, phù hợp điều kiện thực tế, cụ thể ở địa phương. 

Về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 đã có nhiều văn bản chỉ đạo thống nhất, với các giải pháp, cách làm thống nhất từ Trung ương cơ sở.

Song đây là vấn đề chưa có tiền lệ, tình hình dịch bệnh lại diễn biến nhanh do chủng virus mới, do đó, trong quá trình thực hiện phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa tổng kết, sơ kết, kịp thời phát hiện những vấn đề chưa phù hợp để hoàn thiện dần.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ Nghị quyết này để triển khai. Tuy nhiên, dù đầy đủ đến mấy, Nghị quyết không thể phủ hết, do đó, các ngành, địa phương ngoài phải chấp hành nghiêm, vận dụng sáng tạo Nghị quyết, cần phát hiện những vấn đề còn bất cập nảy sinh, kiến nghị các cấp thẩm quyền bổ sung ngay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, những thành tựu vẫn là cơ bản, tình hình dịch vẫn kiểm soát được; nhiều nơi kiểm soát được tình hình, một số nơi khống chế được các ổ dịch lớn. Một số địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ, hỗ trợ kịp thời người lao động, doanh nghiệp.

Đó là nhờ sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ, các đoàn thể, nhân dân và doanh nghiệp. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao các địa phương, cơ quan, đơn vị đã huy động nguồn lực tối đa và sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp cho phòng, chống dịch.

Tuy vậy, theo Thủ tướng, trong phòng, chống dịch, vẫn có một số cơ quan, đơn vị, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chưa thực hiện nghiêm các quy định nên để dịch kéo dài, dây dưa.

Việc thực hiện Chỉ thị 16 ở một số địa phương chưa nghiêm, chưa được giám sát chặt, khiến lãng phí thời gian. Việc thực hiện 4 tại chỗ có nơi, có lúc chưa thực hiện nghiêm nên khi có dịch lúng túng, bị động, không đáp ứng yêu cầu.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương phải nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, động viên, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị phải vào cuộc để thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp, mỗi xã, phường phải là một pháo đài chống dịch; mỗi người dân phải là một chiến sỹ chống dịch; thực hiện ai ở đâu thì ở đó, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện...

Cùng với thực hiện tốt giãn cách xã hội, cách ly người cách ly với người, phải tổ chức xét nghiệm một cách thần tốc để bao vây ổ dịch, khoanh vùng nguồn lây; tách và phân loại nguồn lây, có biện pháp xử lý phù hợp, theo phương châm phát hiện sớm, khoanh vùng nhanh, điều trị tích cực, dập dịch, nhanh chóng ổn định tình hình.

Kinh te vi mo 7 thang co ban on dinh, nhieu linh vuc kha tich cuc hinh anh 3

Sản xuất các mặt hàng tại Nhà máy may Tân Đệ 1. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Về vấn đề vaccine, Thủ tướng nêu rõ, hiện nay việc tiếp cận không bình đẳng trên thế giới, dẫn đến khả năng khan hiếm từ nay đến tháng 10.

Chiến lược vaccine của chúng ta là hoàn toàn đúng đắn. Thủ tướng Chính phủ cũng nỗ lực thực hiện ngoại giao vaccine, đích thân tiếp xúc, gửi thư và điện đàm với hơn 20 lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đề cập đến vấn đề vaccine.

Tuy nhiên, tình hình vẫn rất khó khăn, do đó các cơ quan, đơn vị, địa phương cần hiểu và thực hiện tiếp cận bình đẳng các loại vaccine.

Bên cạnh thúc đẩy nhập khẩu vaccine, Chính phủ và các cơ quan liên quan cũng đẩy mạnh chuyển giao, nghiên cứu để sản xuất vaccine trong nước và đang có triển vọng tốt. Tuy nhiên, việc sản xuất, công nhận vaccine sản xuất trong nước cần thời gian do phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khoa học và pháp lý.

Thủ tướng cho biết, vừa qua, chúng ta đã hoàn thành kết nối khám chữa bệnh từ xa tới 100% với cơ sở y tế tuyến huyện; kết nối với các nền tảng công nghệ đã có phục vụ phòng, chống dịch; đang nghiên cứu, thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19; thực hiện đông, tây y kết hợp trong điều trị COVID-19…

Như vậy, công tác chống dịch sẽ thực hiện theo quy trình “5K + vaccine + công nghệ + thuốc + các biện pháp khác”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, khi phong tỏa, cách ly, các địa phương không được để cho bất kỳ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; đồng thời, chăm lo cả về tinh thần như vận động, động viên người dân, nhất là tuyên truyền, giải thích cho công nhân về nhận thức pháp luật.

Đối với doanh nghiệp, không để đứt gẫy chuỗi cung ứng, nhất là về hàng hóa và lưu thông. Chấp hành nghiêm quy định về lưu thông hàng hóa, không gây khó dễ, làm ách tắc lưu thông nhưng phải có biện pháp kiểm soát.

Chú ý chuỗi cung ứng về lao động, chuỗi sản xuất toàn cầu không để đứt gãy. Những nơi an toàn, sản xuất được thì hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất. Tiếp tục thực hiện sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng địa phương về “3 tại chỗ” và "một cung đường, hai điểm đến."

Về tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô 7 tháng cơ bản ổn định, nhiều lĩnh vực đạt kết quả khá tích cực.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm chỉ đạo, an sinh xã hội được giữ vững. Đây cũng là đánh giá chung của các tổ chức, định chế quốc tế, song chúng ta không được chủ quan, thoả mãn.

Theo Thủ tướng, trong lúc này, chúng ta tập trung ưu tiên cho chống dịch, vì chống dịch thành công, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phục hồi kinh tế-xã hội thuận lợi hơn. Tuy nhiên cũng cố gắng duy trì, phát triển kinh tế để có tiềm lực để phòng, chống dịch.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo, các ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung chỉ đạo thúc đẩy mạnh đầu tư công; rà soát để ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm; nỗ lực khôi phục lại sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp; củng cố chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm bảo đảm nguồn cung, gắn với tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu thêm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và giải quyết khó khăn cho một bộ phận người dân, người lao động do dịch bệnh; cương quyết giữ mạch lưu thông hàng hóa; bảo đảm lưu thông về tiền tệ, tài chính-mạch máu của nền kinh tế; giữ vững cung ứng nguồn lao động, không để đứt gãy thị trường lao động…

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành: Bộ Quốc phòng hỗ trợ, bảo đảm công tác phòng, chống dịch, phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, là đội quân sản xuất, chiến đấu và công tác.

Bộ Công an có giải pháp hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế.

Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chi tiêu tài chính để tiết kiệm chi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, gắn kết tiêu thụ nông sản, bảo đảm an ninh lương thực, phòng, chống dịch bệnh gia súc, phòng chống thiên tai.

Bộ Công thương thúc đẩy thương mại điện tử, khai thông thị trường trong nước, đẩy mạnh cấp mã QR Code trong lưu thông hàng hóa, tăng cường quản lý thị trường hàng hóa, dịch vụ, xử lý nghiêm đầu cơ, tích trữ, nâng giá, hạn chế nhập siêu. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm kết thúc năm học 2020-2021 thành công, chuẩn bị năm học mới phù hợp tình hình. Bộ Xây dựng thúc đẩy công tác quy hoạch cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng nghiên cứu đề xuất xây dựng nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp.

Bộ Ngoại giao đẩy mạnh công tác ngoại giao vaccine. Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, lan tỏa những yếu tố tích cực, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, chống các hiện tượng sách nhiễu, phiền hà cho nhân dân; chuẩn bị các văn kiện trình Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV sắp tới.

Theo TTXVN