Hạn chế cỗ bàn trong các đám tang, nhìn từ thời Covid
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:44, 13/08/2021
Vừa qua, tôi có đi dự một số đám tang ở quê mà nếu không có dịch Covid-19 thì tôi thuộc thành phần sẽ được ăn cỗ, thậm chí có đám ăn cỗ đến 2-3 bữa. Nhưng do dịch bệnh nên tôi chỉ đến phúng viếng và chia buồn với gia chủ. Các gia đình có việc tang cũng chỉ làm gói gọn vài ba mâm để anh em, con cháu trực tiếp phục vụ đám tang ăn, còn đa số sau khi phúng viếng hoặc đưa tang thì ai về nhà đó, khác hẳn thời chưa có dịch Covid-19.
Trước đây, ở hầu hết các làng quê, khi gia đình có người thân mất, cùng với việc họ tộc họp bàn để lo hậu sự cho người thân chu toàn, thì việc lo tổ chức đội hậu cần, tính toán làm bao nhiêu mâm cỗ, có các món gì để không bị chê trách cũng quan trọng không kém. Hầu hết các đám tang đều tổ chức từ 30 đến 50 mâm cỗ, thậm chí có đám đến 90 -100 mâm. Lo làm cỗ đã vất vả, nhưng mệt không kém là phải đi mời chào. Ở không ít nơi, sau khi đưa bố mẹ, ông bà ra đồng, con cháu phải tỏa đi nhiều nơi để mời chào mọi người về ăn cỗ. Việc tang là việc buồn, nhưng đã ăn cỗ là có rượu, nên ở không ít đám trong khi gia chủ còn đang chưa hết đau buồn thì một số người đã cụng ly, rượu vào lời ra rất phản cảm. Cỗ đám tang cũng rất linh đình, tốn kém và lãng phí.
Những năm qua, từ tỉnh đến các địa phương đã có nhiều văn bản, quy định về thực hành tiết kiệm trong việc tang, nhất là hạn chế cỗ bàn, ăn uống. Mặc dù vậy, việc ăn uống linh đình trong việc tang gây lãng phí, thậm chí là phản cảm vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Không ít người cho rằng đây là do tập tục có từ lâu nên rất khó để hạn chế, dẹp bỏ.
Thực tế từ các đám tang thời dịch cho thấy việc hạn chế ăn uống linh đình, tránh lãng phí trong việc tang mà bao lâu nay các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đưa ra là rất hợp lòng dân. Vậy vì đâu mà việc này không được thực hiện nghiêm túc, thậm chí nạn cỗ bàn trong đám tang có chiều hướng phát triển hơn, khó ngăn chặn hơn, trong khi thời dịch bệnh lại làm được? Điều này cho thấy, ngoài việc người dân lo sợ dịch bệnh nên chấp hành, thì sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở là yếu tố quyết định. Hiện nay, để hạn chế việc tụ tập đông người, ngoài chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và nhất là mỗi thôn, khu dân cư đều cử cán bộ đến tận nhà có đám tang yêu cầu, nhắc nhở thực hiện các quy định phòng chống dịch, không tổ chức cỗ bàn quá 5-10 mâm. Gia đình nào vi phạm sẽ bị nhắc nhở, "bêu gương" trên loa truyền thanh xã, thậm chí là xử phạt. Điều này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Mong rằng sau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, các cấp, các ngành, các địa phương nhất là cấp xã cần tiếp tục chỉ đạo duy trì tổ chức tang lễ gọn nhẹ, lành mạnh như hiện nay.
VŨ VĂN(Kim Thành)