Cần nghiên cứu khen thưởng ở khu vực tư nhân

Chính trị - Ngày đăng : 14:40, 17/08/2021

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khen thưởng ở khu vực tư thế nào cũng cần nghiên cứu chặt chẽ để khuyến khích vì nhiều cá nhân, đơn vị đóng góp rất trách nhiệm với xã hội

Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 2, sáng 17.8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến hình thức khen thưởng, đối tượng khen thưởng, tiêu chuẩn khen thưởng cũng như thẩm quyền và phân cấp, phân quyền.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Đại biểu Quốc hội chuyên trách thi đua với ai?

Góp ý về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao việc luật sửa đổi, bổ sung các quy định thi đua khen thưởng hướng về cơ sở, có nhiều điều khoản liên quan khen thưởng công nhân, nông dân, lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, luật cũng cần quan tâm đối tượng lao động khác.

Băn khoăn trước thực tế “các đại biểu dân cử, cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang đứng ngoài luật này”, ông Nguyễn Khắc Định cho biết dự thảo chỉ mới đề cập đến Văn phòng Quốc hội, còn các cơ quan khác “không tổ chức thi đua gì cả”.

“Các đại biểu dân cử, cả chuyên trách và không chuyên trách mà có sáng kiến, đóng góp tích cực thì khen được chứ. Các Uỷ ban hoàn toàn có thể tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng như các bộ dù quân số ít hơn. Nếu số lượng ít thì có thể thành lập hội đồng thi đua khen thưởng do UBTVQH chỉ đạo” – ông Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, đồng thời cho biết hiện cũng không có đại diện của Quốc hội ở hội đồng thi đua khen thưởng, chỉ được mời dự họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Cũng đề cập vấn đề khen thưởng đại biểu Quốc hội nói chung, đại biểu hoạt động chuyên trách nói riêng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, còn vướng mắc nhưng tờ trình và dự thảo không nêu phương án giải quyết rốt ráo. Nguyên tắc hình thức khen thưởng gắn với phong trào thi đua nhưng luật không quy định tổ chức thi đua thì như đại biểu Quốc hội chuyên trách địa phương thi đua với ai?

“Cần nghiên cứu có hình thức thi đua khen thưởng đặc thù với đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu chuyên trách gắn với cả nhiệm kỳ cũng như đột xuất gắn với thực hiện chức năng nhiệm vụ. Luật được ban hành khẩn trương, chất lượng cao hay giám sát, quyết định vấn đề quan trọng thì đại biểu tham gia xây dựng, tham mưu tốt có được khen thưởng không? – ông Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề và cho biết Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban là cơ quan Nhà nước như các bộ, ngành nhưng quá trình khen thưởng lại để các uỷ ban ra bên ngoài. Như Uỷ ban Pháp luật 75 năm chưa được khen thưởng gì cả mà không phải vì không có thành tích.

Đề cập tiêu chuẩn xét Chiến sĩ thi đua, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, so với luật hiện hành thì dự thảo có bổ sung thêm tiêu chuẩn sáng kiến đề tài, đề án. Vấn đề này cần đánh giá tổng kết vì thực tiễn công tác xét công nhận sáng kiến, tham gia đề tài nhiều nơi còn hình thức, việc công nhận ở nhiều nơi cũng khác nhau. Trong khi đó, tham gia đề tài không phải yếu tố quyết định đánh giá hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Thực tiễn có nhiều cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng không có sáng kiến, không tham gia đề tài nên không được xét khen thưởng thì không phản ánh đúng, không ghi nhận đúng. Bên cạnh đó, cán bộ công chức hiện nay để xem xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì không có tiêu chuẩn phải có sáng kiến. Do đó cần có tổng kết đánh giá kỹ hơn trước khi bổ sung tiêu chuẩn” – đồng chí Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến.

"Tiêu biểu nhiều quá thì chẳng có gì tiêu biểu nữa"

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh dự án Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi) là “sản phẩm đầu tay” về công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV nên cần làm gương, làm mẫu, đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, thi đua khen thưởng đụng chạm đến con người, đến toàn xã hội nên đừng bỏ lỡ cơ hội sửa luật lần này để khắc phục căn bản những tồn tại, hạn chế.

Ủng hộ quan điểm thi đua khen thưởng hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, cần quán triệt khen kịp thời, thành tích đến đâu khen đến đó; khắc phục bệnh thành tích, “chạy” danh hiệu thi đua và công khai minh bạch để không “chạy” được; loại bỏ xin – cho vì “xin – cho thành tích thì còn gì là động lực”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải có cái nhìn đột phá khi sửa luật; bao quát, không để khoảng trống, bình đẳng trong hệ thống chính trị. Khen thưởng ở khu vực tư thế nào cũng cần nghiên cứu chặt chẽ để khuyến khích vì nhiều cá nhân, đơn vị đóng góp rất trách nhiệm với xã hội, họ cũng muốn được danh hiệu gì đó mà Nhà nước thừa nhận.

“Khen thưởng người tốt việc tốt, công dân ưu tú là rất vinh dự, nhưng luật có khung để tổ chức chưa? Công nhận người tốt, việc tốt là đúng người, đúng việc, nhanh, chả cần tích luỹ thành tích. Rồi doanh nghiệp, doanh nhân chưa thấy có trong khi họ đi đầu trong sự nghiệp hiện đại hoá, đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm... Rà soát xem đủ rõ chưa, có chưa hay để khen thưởng tự phát?” – đồng chí Vương Đình Huệ nêu vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần thận trọng với những vấn đề mới. Như danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” chưa thuyết phục lắm. Tiêu biểu nhiều quá thì chẳng có gì tiêu biểu nữa. Bên cạnh đó cần có điều kiện để loại bớt những đối tượng không thực sự phù hợp, tránh hình thức, như một xã tiêu biểu mà tệ nạn nghiện hút phức tạp, địa phương hầu hết là gia đình văn hoá nhưng thực tế phát triển không thể hiện được điều đó.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết phải sửa luật, nhưng đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá từng vấn đề còn vướng mắc; làm rõ nội dung nào chưa phù hợp, cái nào do luật, do văn bản dưới luật hay do thực hiện để định hướng sửa đổi trúng và đúng.

Phạm vi sửa đổi cần đảm bảo khái quát được thi đua khen thưởng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tránh chồng chéo. Về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, các ý kiến đề nghị thiết kế 2 phương án, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội.

Theo VOV