Số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 210 triệu người
Tin tức - Ngày đăng : 11:20, 19/08/2021
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà hoả táng ở Bangkok, Thái Lan ngày 30.7.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 19.8, số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 210 triệu người.
Hiện, thế giới có 210.050.202 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.404.265 người không qua khỏi. Số ca hiện đang điều trị là 17.465.775 ca, trong đó có 108.043 ca trong tình trạng nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 692.706 ca mắc và 10.432 ca tử vong.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch trên thế giới, với 38.072.656 ca nhiễm và 641.346 ca tử vong.
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua của Mỹ cũng ở mức cao nhất thế giới với 152.578 ca.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bảo vệ quan điểm về việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3, theo đó khẳng định ông không đồng tình với quan điểm của các nhà lãnh đạo trên thế giới về việc người dân các nước cần được tiêm mũi đầu tiên vaccine, trước khi Mỹ triển khai việc tiêm mũi bổ sung.
Trong một tuyên bố, ông nhấn mạnh Mỹ vừa có thể chăm lo cho người dân nước này, vừa có thể hỗ trợ thế giới.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, người dân Mỹ cần tiêm mũi bổ sung 8 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2.
Trong khi đó, Bộ Y tế và dịch vụ con người Mỹ thông báo người dân Mỹ có thể đi tiêm mũi bổ sung đại trà cho toàn bộ người dân bắt đầu từ ngày 20.9 tới.
Hiện, việc tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 3 vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Trong một tuyên bố, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan khẳng định những dữ liệu hiện tại không cho thấy điều này là cần thiết.
Cố vấn WHO Bruce Aylward cho rằng “hiện có đủ vaccine trên khắp thế giới, nhưng lại không đến đúng địa điểm theo đúng thứ tự”.
Theo ông Aylward, việc tiêm đủ 2 mũi cần được áp dụng với tất cả những nước dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước khi mũi thứ 3 tăng cường được áp dụng với những người đã tiêm đủ 2 mũi.
Ông cũng cho rằng còn khá lâu nữa thế giới mới đến được mức độ đó.
Giám đốc phụ trách các vấn đề khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cũng chỉ trích các nước giàu khi vội vàng triển khai việc tiêm mũi bổ sung vaccine ngừa COVID-19, trong khi hàng triệu người trên thế giới chưa nhận được bất cứ liều vaccine nào.
Hạ nghị sỹ Mỹ Mark Pocan của đảng Dân chủ đã đưa ra một dự luật đề xuất chuyển khoảng 9,6 tỷ USD chi tiêu cho quốc phòng sang những nỗ lực tiêm chủng trong bối cảnh người dân nhiều nước trên thế giới vẫn chưa tiếp cận được với vaccine ngừa COVID-19.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga
Theo ông, hiện nay, COVID-19 là nguy cơ lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như thế giới. Việc chuyển các khoản ngân sách từ vũ khí và những hợp đồng quân sự sang sản xuất vaccine ngừa COVID-19 sẽ cứu sống hàng trăm nghìn người, thậm chí hàng triệu người trên khắp thế giới.
Sự xuất hiện của biến thể Delta đã và đang đảo ngược hầu hết thành quả chống dịch của các nước trong các làn sóng lây nhiễm trước đây và ngay cả đối với những nước đã có độ bao phủ vaccine cao trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, Mexico thông báo ghi nhận thêm 28.953 ca mới - mức cao nhất trong 1 ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Không chỉ vậy, nước này còn có thêm 940 ca tử vong. Như vậy, tính đến nay, tổng cộng 3.152.205 người tại Mexico đã mắc COVID-19, trong đó có 250.469 người không qua khỏi.
Trước tình hình trên, Ủy ban Liên bang về Phòng chống các nguy cơ y tế của Mexico (Cofepris) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Moderna của Mỹ, sau khi đánh giá chất lượng, tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này.
Trước Moderna, Cofepris đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp các loại vaccine của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, CanSino Biologics, Sputnik V, Sinovac, Covaxin và Johnson & Johnson.
Pháp cũng thông báo ghi nhận thêm 28.045 ca mới. Đáng chú ý, số bệnh nhân mắc COVID-19 đang phải điều trị tích cực tại nước này đã lần đầu tiên vượt mức 2.000 người kể từ ngày 14.6 tới.
Giới chức y tế Pháp cho biết số bệnh nhân điều trị tích cực đã tăng gấp đôi chỉ chưa đầy 1 tháng trong bối cảnh biến thể Delta đang gây sức ép đối với hệ thống y tế nước này.
Trong khi đó, Bộ Y tế Ai Cập cảnh báo quốc gia Bắc Phi này có thể sắp đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19 vào cuối tháng Chín hoặc đầu tháng Mười tới.
Để đối phó với nguy cơ trên, Bộ Y tế Ai Cập khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên và tránh những khu vực đông đúc.
Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một nghĩa trang ở Iran
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Ai Cập cũng kêu gọi người dân cần đăng ký tiêm vaccine qua các trang mạng chính thức để có thể đặt trước và qua đó góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo số liệu mới nhất, Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng hơn 285.000 ca mắc COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi tháng Hai năm ngoái, trong đó có 16.630 ca tử vong.
Nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đang khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
Tại Israel, kể từ ngày 18.8, các biện pháp hạn chế mới nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19 bắt đầu có hiệu lực, sau khi nước có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 khá cao trên thế giới này ghi nhận số ca mới trong ngày ở mức cao nhất kể từ tháng Một vừa qua.
Theo đó, người dân buộc phải có chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc có xét nghiệm COVID-19 âm tính khi đi vào khu vực công cộng, trong đó có quán bar, nhà hàng, khách sạn.
Quy định tương tự cũng được áp dụng đối với những tín đồ muốn vào các cơ sở tôn giáo có hơn 50 người tham dự.
Bên cạnh đó, các cửa hàng, trung tâm thương mại và khu công nghiệp phải bảo đảm việc giãn cách 1 người/7m2.
Tại Trung Quốc, giới chức nước này đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) cho trẻ từ 3-17 tuổi.
Đây là nhóm đối tượng quan trọng để tiêm chủng nhằm xây dựng hàng rào miễn dịch khi xuất hiện nhiều biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh các nước đang đẩy mạnh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, các bác sỹ và chuyên gia tim mạch Bỉ khuyến cáo những người được tiêm vaccine phòng COVID-19 không nên thực hiện các hoạt động thể chất quá sức ít nhất một tuần sau mỗi lần tiêm.
Khuyến cáo trên được đưa ra sau khi có ít nhất 3 vận động viên đua xe đạp trẻ tuổi của nước này đã phải nhập viện với các vấn đề về tim sau một cuộc đua hoặc tập luyện trong những tuần gần đây và tất cả các trường hợp này đều vừa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo Vietnam+