Giải pháp nào cho học sinh lớp 1?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:30, 22/08/2021
Học sinh lớp 1 tại TP Hồ Chí Minh năm học 2020-2021 - Ảnh: NHƯ HùNG
Học sinh lớp 1 là đối tượng học sinh đặc biệt nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân, bởi các em lần đầu tiên trong đời chuyển trạng thái học tập, từ hoạt động chủ đạo là vui chơi sang hoạt động chủ đạo là học tập.
Tận dụng "thời gian vàng" để dạy học trực tiếp
Các em chưa biết đọc, chưa biết viết, thói quen học tập, khả năng tập trung chú ý chưa được hình thành. Thao tác tư duy phải dựa vào hình ảnh trực quan, việc làm cụ thể; đặc điểm trí nhớ nhanh nhớ, nhanh quên. Giáo viên cầm tay uốn từng nét chữ và dạy từng câu nói, việc làm. Vì vậy cần hạn chế việc dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1, tận dụng thời gian "vàng" dạy học trực tiếp để học sinh được tương tác.
Đối với học sinh lớp 1, trong thời gian vàng dạy học trực tiếp, các nhà trường và giáo viên cần ưu tiên để học sinh làm quen về tâm thế, thói quen học tập, nội quy trường lớp; ưu tiên dạy học môn tiếng Việt (môn học công cụ) và kiểm tra đánh giá học sinh.
Đa dạng hóa dạy học "không trực tiếp"
Trong trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh căng thẳng kéo dài không thể tổ chức dạy học trực tiếp được, các nhà trường, giáo viên cần chọn hình thức phù hợp với tâm lý lứa tuổi, điều kiện, hoàn cảnh gia đình... của các em để tổ chức dạy học.
Nhà trường, giáo viên phải nắm rõ hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, từ đó phân loại đối tượng học sinh thành các nhóm.
Nhóm học sinh có đủ thiết bị để học trực tuyến, có phụ huynh "cùng học" với con (1); Nhóm học sinh có đủ thiết bị để học trực tuyến nhưng phụ huynh không "cùng học" được với con (2); Nhóm học sinh không thể học trực tuyến (3).
Đối với nhóm 1, giáo viên thành lập nhóm phụ huynh qua Zalo, Messenger..., kết nối, tương tác và hướng dẫn phụ huynh cùng học với con. Sau đó tiến hành dạy học trực tuyến (nếu số lượng ít, các trường có thể dạy chung theo khối).
Đối với nhóm 2, giáo viên thành lập nhóm phụ huynh qua Zalo, Messenger..., kết nối, tương tác, phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh học tại nhà. Giáo viên xây dựng, thiết kế các video, clip... với nội dung "cùng phụ huynh lớp 1 hướng dẫn con học ở nhà" để giúp phụ huynh hướng dẫn con tự học.
Đối với nhóm 3, giáo viên thiết kế nội dung bài học thành "Giáo án dành cho phụ huynh" để giúp phụ huynh hướng dẫn con học.
Học qua truyền hình
Đồng thời với các giải pháp cho từng nhóm đã nêu, giáo viên giúp phụ huynh hướng dẫn học sinh học qua truyền hình (Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng 51 chủ đề Tiếng Việt lớp 1 tại chuyên mục "Dạy Tiếng Việt lớp 1", giúp học sinh dễ dàng học âm, học vần). Hướng dẫn phụ huynh chụp và gửi sản phẩm học tập của học sinh để giáo viên nhận xét, hướng dẫn kịp thời.
Theo Tuổi trẻ