Nghệ sĩ, hướng dẫn viên khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ
Xã hội - Ngày đăng : 10:30, 24/08/2021
Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các diễn viên, ca sĩ của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật nhưng họ rất khó tiếp cận chính sách hỗ trợ (Ảnh tư liệu)
Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng một số nhóm đối tượng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang rất khó có thể nhận được các khoản hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Công việc ngưng trệ, cuộc sống khó khăn
Chị Phương Hào là diễn viên múa của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Nếu theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, chị nằm trong nhóm "đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn..." nên đã hy vọng sẽ được nhận khoản hỗ trợ một lần theo quy định là 3.710.000 đồng. Chồng là bộ đội xa nhà nên chị Hào đang phải một mình chăm sóc con nhỏ gần 4 tuổi. May mắn là chị được cơ quan tạo điều kiện cho ở tập thể nên không mất tiền thuê trọ. Lương được 3,8 triệu đồng/tháng cộng với một phần lương chồng gửi về phải căn cơ lắm chị Hào mới đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Cũng ở Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, chị Thùy Linh là ca sĩ, dù lương cao hơn chị Hào một chút nhưng tình cảnh lại khó khăn hơn khi chồng đã mất vì tai nạn giao thông và chị đang phải nuôi 2 con ăn học. "Trước khi có dịch, khi tập luyện hoặc đi biểu diễn đều có tiền bồi dưỡng, cộng với lương nên cũng đủ xoay xở. Nhiều đồng nghiệp của tôi là trụ cột gia đình hoặc mẹ đơn thân nên đời sống rất khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch", chị Linh chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh và Nhà hát Chèo hiện có khoảng 50 ca sĩ, diễn viên chức danh nghề nghiệp hạng IV. Trong tỉnh có 137 hướng dẫn viên du lịch. Những người này đều bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, bị giảm nhiều hoặc không có thu nhập, đời sống khó khăn nhưng lại rất khó để nhận được hỗ trợ.
Vướng ở quy định
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, khoảng 20 người đang có chức danh nghề nghiệp hạng IV của đơn vị đang rất hy vọng vào gói hỗ trợ của Chính phủ. Thế nhưng Nghị quyết số 68 quy định các đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật "phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên từ ngày 1.5 đến hết ngày 31.12.2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" để phòng chống dịch Covid-19 mới được hỗ trợ. Thực tế các đơn vị trên dù không có quyết định tạm dừng hoạt động thì bên trong gần như đã "đóng băng", không có hoạt động nào được diễn ra. Trong suốt các đợt dịch, diễn viên, ca sĩ chỉ vài lần ghi hình, thu âm các chương trình cổ vũ chống dịch Covid-19.
Đối với hướng dẫn viên du lịch, một trong những điều kiện bắt buộc để nhận được hỗ trợ là phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch. Nếu không có hợp đồng lao động thì họ phải là hội viên các hiệp hội về hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra, những người này phải có thẻ hướng dẫn viên được cấp lần đầu trước ngày 1.5.2021 và còn hạn sử dụng.
Các quy định này đã khiến hầu hết hướng dẫn viên rất khó nhận được hỗ trợ dù thực tế thì họ đang thất nghiệp. Anh Mạc Văn Linh ở TP Chí Linh đã nộp hồ sơ để mong nhận hỗ trợ, song anh cho biết yêu cầu hướng dẫn viên phải có hợp đồng chỉ phù hợp ở các doanh nghiệp du lịch lớn, các trung tâm du lịch sôi động. Tại Hải Dương không thể làm thế vì hướng dẫn viên ở đây chỉ mang tính thời vụ, nếu ký hợp đồng với 1 doanh nghiệp thì thu nhập rất thấp, vì thậm chí cả tháng mới có 1 tour và không thể nhận được tour của đơn vị khác.
Về phía doanh nghiệp du lịch, họ cũng không muốn hoặc không có khả năng ký hợp đồng cả năm với hướng dẫn viên vì chỉ khi có tour thì mới cần hướng dẫn viên. Những công ty vừa và nhỏ sẽ không thể ký hợp đồng dài hạn với hướng dẫn viên vì ngành này mang tính thời vụ...
HUY ANH