Quy định đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Sát thực tế hơn
Pháp luật - Ngày đăng : 08:45, 26/08/2021
Quy định mới đã bỏ chỉ tiêu về giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND xã Đức Chính (Cẩm Giàng)
Từ ngày 1.1.2022, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có hiệu lực thi hành. Những thay đổi của quyết định này so với Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8.5.2017 được đánh giá là sát thực tiễn hơn.
Nhiều chỉ tiêu của quy định cũ còn định tính
Thời gian qua, việc triển khai đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được UBND các xã, phường, thị trấn và UBND cấp huyện trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Ông Bùi Đình Doãn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cẩm Giàng cho biết thông qua đánh giá, công nhận việc đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chính quyền các cấp có điều kiện nắm bắt, xác định được khó khăn, hạn chế của thực tiễn triển khai các nhiệm vụ về giải quyết các vụ việc hành chính - tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, thực hiện các thiết chế dân chủ cơ sở... để có biện pháp khắc phục, thực hiện các nhiệm vụ đó hiệu quả hơn; đồng thời có những đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, công tác rà soát, tự đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy trình, quy định và đúng tiến độ. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc triển khai thực hiện công tác này còn chậm, có nơi chưa bảo đảm yêu cầu, nhất là tổng hợp hồ sơ để đánh giá việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu.
Nhiều năm thực hiện công tác tự đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật tại cơ sở, ông Phạm Văn Mạnh, công chức tư pháp - hộ tịch xã Cổ Bì (Bình Giang) nhận xét tại địa phương, bên cạnh những thuận lợi là có sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, các đồng chí cán bộ chuyên môn trong việc đánh giá chấm điểm các tiêu chí xã tiếp cận pháp luật thì việc triển khai vẫn gặp khó khăn. Đó là nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, quy trình còn phức tạp. Nhiều tiêu chí, chỉ tiêu còn định tính, thiếu định lượng cụ thể. Việc đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính ở cấp xã tại Quyết định số 619/QĐ-TTg còn hình thức.
Giảm số lượng chỉ tiêu
Với việc giảm bớt số lượng chỉ tiêu từ 25 xuống còn 20, sửa đổi một số điều kiện, trình tự đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, quy định mới được đánh giá là khoa học, sát thực tiễn hơn.
Theo quy định mới, xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đạt 5 tiêu chí với 20 chỉ tiêu. So với Quyết định 619/QĐ-TTg, bộ tiêu chí đã lược bỏ 8 chỉ tiêu trùng lặp, không thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã, 16 chỉ tiêu được kế thừa nhưng có chỉnh sửa để phù hợp, đồng thời bổ sung 4 chỉ tiêu theo hướng chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, sự gương mẫu của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn về an ninh trật tự…
Ngoài ra, quy định mới còn khắc phục một số bất cập về điều kiện, trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Cụ thể, xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 trở lên; tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên; trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điểm mới của quy định về điều kiện là áp dụng mức điểm tổng chung thống nhất, không phân loại cấp xã loại I, loại II và loại III nhằm bảo đảm sự công bằng trong thụ hưởng quyền, lợi ích theo quy định của pháp luật. Quyết định mới bỏ điều kiện về kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính ở cấp xã tại Quyết định số 619/QĐ-TTg. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn thực hiện theo quy trình cấp xã tự đánh giá và cấp huyện đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được sửa đổi theo hướng tăng cho cả cấp xã và cấp huyện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ được giao của từng cấp.
HÀ NGA