Đô cử Lê Văn Công - người thách thức số phận
Thể thao - Ngày đăng : 19:22, 27/08/2021
Lê Văn Công (trái) nhận HCB nội dung cử tạ 49kg của nam ở Paralympic Tokyo 2020 sáng 26.8. Ảnh: Đoàn TTVN
"Tôi hy vọng tấm huy chương vàng (HCV) này sẽ giúp những con người kém may mắn nhìn vào và có thêm động lực để phấn đấu". Lê Văn Công nói như thế năm 2016, sau khi trở thành người đầu tiên trong lịch sử giành HCV cho Việt Nam ở một kỳ Paralympic.
Thực tế, chính anh đã nhiều lần phải nhìn vào tấm HCV đó để có thêm động lực cho bản thân.
Một năm sau khi lên đỉnh cao ở Rio, Lê Văn Công lập kỷ lục thế giới ở Mexico với mức tạ 183,5 kg. Nhưng, năm 2018, anh không may ngã cầu thang, chấn thương nặng ở vai trái. Ròng rã suốt hai năm, phải tập trung chữa trị cùng chuyên gia, đến cuối năm 2020 anh mới có thể tập nhẹ. Đến đầu 2021, đô cử 37 tuổi còn bị viêm khớp, phù tuỷ, bị sụn chỏm xương cánh tay... Ba tuần trước Paralympic, Công mới có thể tập luyện, nhưng không lần nào đạt hoặc vượt các mức tạ quen thuộc.
Thế rồi, sáng 26.8, Công vượt lên chính mình, thậm chí suýt lập nên kỳ tích. Cùng nâng được mức tạ 173 kg, anh chỉ chấp nhận giành huy chương bạc (HCB) do nặng hơn 0,1 kg so với đối thủ người Jordan Omar Qarada.
Lê Văn Công sinh ra với đôi chân bị teo tóp - di chứng từ việc mẹ bị sốt xuất huyết trong lúc mang thai. Khuyết tật cơ thể cùng hoàn cảnh gia đình nghèo khó ở Hà Tĩnh khiến anh sống khép kín. Dù vậy, chàng trai này rất chăm học và thương bố mẹ.
Ở tuổi đôi mươi, Công quyết định vào miền Nam để thay đổi cuộc sống. Tại TP Hồ Chí Minh, ban đầu anh xin học sửa chữa điện tử ở trường dạy nghề cho người khuyết tật. Một thân một mình nơi đất khách quê người lại tàn tật, chàng trai giàu nghị lực này vừa học, vừa đi làm thêm (đánh giấy nhám ở xưởng mộc) để tự nuôi sống. Ra trường, Công đi xin việc nhiều nơi nhưng không ai nhận vì khuyết tật cơ thể. Không còn cách nào khác, anh đành phải đi tìm việc khác với thù lao ít ỏi, như chỉnh sửa hình ảnh vi tính, và thậm chí đánh văn bản với thù lao chỉ... 200 đồng trên hai mặt giấy.
Nhưng những công việc ấy vô tình giúp Công bén duyên với cử tạ. "Do chân bị teo, mọi hoạt động đều bằng tay nên bắp tay tôi rất to và được nhiều người giới thiệu tập thể thao tại Trung tâm TDTT quận Tân Bình", anh kể. Ban đầu, Công chọn môn điền kinh để tập nhưng với đôi tay săn chắc, HLV Nguyễn Hồng Phúc đã chuyển anh sang cử tạ. Chỉ sau một thời gian ngắn làm quen, Công đã gặt hái thành quả đầu tiên: HCB giải quốc gia 2005. Sau đó, thành tích liên tục đến với anh như HCV châu Á 2007, HCB thế giới 2007, HCV Para Games 2009, 2014, HCB thế giới 2014, HCV Đại hội thể thao châu Á 2014, HCV châu Á 2015, phá kỷ lục thế giới tại Paralympic 2016, HCV và lập kỷ lục thế giới năm 2017 rồi HCB Paralympic Tokyo 2020.
Bảng vàng thành tích này có lẽ còn dày hơn nếu anh không bị tai nạn xe máy, dẫn đến chấn thương khớp vai năm 2011 và phải nghỉ thi đấu 3 năm.
Ngoài chấn thương, cuộc sống của Lê Văn Công cũng không mấy suôn sẻ. Sau khi giành dụm được chút tiền từ các thành tích, anh chuyển nhà từ Long An lên Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh sinh sống. Nhưng giai đoạn đầu, giấy tờ trục trặc, có lúc tưởng như mất trắng vì bị lừa. Sau khi cầu cứu khắp nơi, gia đình anh mới có chỗ dung thân.
Anh sau đó hùn hạp với bạn bè, mở tiệm kinh doanh âm thanh - ánh sáng. Nhưng do Covid-19, chuyện làm ăn chẳng mấy suôn sẻ, đến mức phải giảm nhân viên. Trong thời gian tập luyện tại Thủ Đức, Công phải điều hành cửa tiệm từ xa. Khi rảnh rỗi, đô cử người Hà Tĩnh kiêm luôn thợ thiết kế, sửa chữa amply, loa đài cho khách. Để cải thiện cuộc sống, đôi lúc anh còn kinh doanh bất động sản hay buôn bán trái cây...
Dù vất vả, Lê Văn Công vẫn giàu lòng nhân ái. Năm 2019, anh quyết định bán đấu giá chiếc HCV vô địch thế giới 2016, thu được 125 triệu đồng để hỗ trợ một nữ sinh hàng xóm bị ung thư gan. "Tôi đi lên từ khó khăn gian khổ nên rất đồng cảm với những hoàn cảnh như thế. Chia sẻ, giúp đỡ được điều gì thì tôi làm, không bao giờ hối tiếc", anh tâm sự.
Theo VnExpress