Vợ chồng khuyết tật chật vật nuôi con
Đời sống - Ngày đăng : 08:36, 31/08/2021
Chiếc nồi cơm điện đã hỏng nên mỗi lần nấu cơm mẹ con chị Quyên lại phải ngồi giữ
Con hẻm nhỏ dẫn vào phòng trọ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Quyên (43 tuổi) và anh Đỗ Xuân Hải (45 tuổi) ở ngách 10, ngõ 23, phố Hoàng Diệu, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) chỉ đủ 2 người lách qua. Phòng trọ của anh chị ở gần cuối dãy, tối tăm, ẩm thấp, mùa này lúc nào cũng ngột ngạt, nóng bức. Thấy có người đến, chị Quyên vội vàng tập tễnh vơ quần áo trên giường lấy chỗ cho khách ngồi. Căn phòng trọ chưa đầy 10 m2 giăng mắc đủ thứ nhưng không có bất kỳ thứ nào có giá trị, trừ chiếc xe đạp nhỏ hàng xóm thương bé Đỗ Đại Phong (5 tuổi) con trai anh chị nên góp tiền mua tặng.
Chị Quyên quê ở xã Văn Hội (Ninh Giang). Ngày bé sau một cơn bạo bệnh, gân ở chân của chị bị co lại. Nhà nghèo, không có điều kiện đi chữa bệnh từ sớm nên càng ngày gân càng co nhiều khiến chị đi lại tập tễnh, khó khăn hơn. Anh Hải quê ở xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ), bị khiếm thị từ nhỏ. 2 mảnh đời khuyết tật gặp nhau, làm chỗ dựa cho nhau trong cuộc sống suốt 7 năm qua. Bé Phong ra đời mang đến niềm vui, động lực để anh chị vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn đối với cặp vợ chồng khuyết tật vốn đã rất nhọc nhằn để không phải phụ thuộc vào người khác.
Để mưu sinh, anh chị và con trai từng rong ruổi khắp các đường phố Sài Gòn, mang lời ca tiếng hát sống nhờ vào lòng nhân ái của mọi người. Nhưng từ cuối năm ngoái, anh chị quyết định về Hải Dương vì cháu Phong ngày càng lớn, còn phải đến trường học tập. Để kiếm kế sinh nhai, 3 người lại dắt díu nhau đi hát. Nhưng dịch Covid-19 xảy ra nên từ Tết đến giờ anh chị chỉ sống nhờ vào khoản tiền trợ cấp khuyết tật hạn hẹp hằng tháng. Ngoài trả tiền phòng trọ mỗi tháng 500.000 đồng, chị Quyên phải tằn tiện lắm mới đủ 3 miệng ăn. Lâu lâu chị mới dám mua chút thịt cho con trai nhỏ, còn vợ chồng chủ yếu ăn rau, đậu qua ngày. Khi được hỏi tại sao không về quê nhà sinh sống, chị Quyên bảo ở quê rất khó khăn. Mẹ anh Hải đã mất, bố giờ cũng đã già yếu lại bệnh tật thường xuyên nên không thể giúp được gì. Rồi về quê, anh chị khuyết tật thế này cũng không biết làm gì để có kế sinh nhai.
Cuộc sống quá khó khăn, thương con nhỏ bữa no bữa đói, chị Quyên đã giấu chồng tìm việc làm thêm. Nhưng vì cả tin vào lời mời gọi tìm người làm hàng thủ công của một nhóm người trên mạng, chị Quyên đã bị lừa mất 150.000 đồng. Số tiền ấy với nhiều người có thể không nhiều nhưng với chị nó là cả tháng chắt bóp tiền ăn của gia đình mới có được. Vì thế, khi kể chuyện mà chị cứ rơm rớm nước mắt hối tiếc, không dám ngẩng mặt nhìn chồng đang ngồi lặng lẽ phía góc giường.
Cảm thông trước hoàn cảnh của vợ chồng anh chị, 2 tháng trước có một nhóm từ thiện đã vận động ủng hộ cho 3 triệu đồng. Vì vậy, anh chị và con mới cầm cự được trong những ngày không thể kiếm tiền do dịch bệnh. Nhưng chị Quyên và anh Hải đều không giấu được nỗi buồn vì lo cho cuộc sống lâu dài, nhất là thương con nhỏ, không biết tương lai của con sẽ ra sao nếu anh chị không đủ sức nuôi con. Chị Quyên bảo, chị mong sao ai đó có việc gì phù hợp như làm việc thủ công cho chị làm lúc này thì thật đáng quý. Bởi còn sức khỏe, chị mong muốn được làm việc để lo cho gia đình, chứ không muốn là gánh nặng hay sống nhờ vào sự hỗ trợ của người khác. Trước đây, chị Quyên từng có thời gian làm việc cho một công ty ở Hưng Yên chuyên về gấp sản phẩm bao bì. Suy nghĩ ấy của chị Quyên thật đáng trân trọng và mong sao niềm vui sẽ đến với cặp vợ chồng khuyết tật có nghị lực ấy.
NGỌC THANH