Đế chế Man United xuất hiện nhờ… một chú chó

Quốc tế - Ngày đăng : 17:19, 05/09/2021

Major là tên của một chú khuyển thuộc gia đình tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhưng, cách đây đã hơn 100 năm, còn có một chú khuyển khác, cũng tên Major, rất nổi tiếng tại TP Manchester.

Đó là vào tháng 3.1901. Người ta mở một phiên chợ từ thiện, hoặc đại khái là điều gì đó gần giống như vậy, để gây quỹ. Cần khoảng 1.000 bảng để cứu câu lạc bộ bóng đá Newton Heath ở thành phố Manchester thoát cảnh phá sản. Phiên chợ diễn ra trong vòng 5 ngày thì mãi đến ngày cuối cùng, vẫn chẳng mảy may có hy vọng gì về cái mốc 1.000 bảng.

Tệ hơn là đằng khác. Xem ra, chi phí tổ chức lại còn lớn hơn doanh số thu được. Và tệ nhất lại là ở chỗ: do những người trong cuộc đều quá bận rộn, chẳng ai quan tâm đến Major – một chú khuyển dòng St Bernard, được xem là biểu tượng của cả tập thể - đã lạc đi đâu mất!

Major là thú cưng của Harry Stafford – hậu vệ cánh mang băng thủ quân, cũng được xem là thành viên tâm huyết nhất với sự tồn vong của Newton Heath thuở ấy.

Thành lập vào năm 1878, Newton Heath dự giải vô địch quốc gia Anh ngay thuở sơ khai, và rớt hạng lần đầu tiên vào năm 1894. Các cầu thủ giỏi lần lượt bỏ đi. Cố mãi, Newton Heath vẫn không thể thăng hạng trở lại. Hầu bao thâm hụt dần. Đến năm 1901 thì sổ nợ đã lên đến 2.670 bảng và xem ra không còn hy vọng cứu vãn về mặt tài chính. Cầu thủ không được lãnh lương nữa. Thay vào đó, họ hưởng tỷ lệ phần trăm từ số tiền bán vé.

Thủ quân Stafford tìm hết thứ này đến thứ khác để gây quỹ cứu trợ cho câu lạc bộ. Có cả biện pháp… ăn xin nữa. Chú khuyển cưng Major của Stafford sẽ đeo một cái lon vào cổ, chạy vòng quanh sân, để ai thấy quan ngại với tương lai bấp bênh của đội bóng thì góp chút tiền lẻ gây quỹ. Rút cuộc cũng chẳng đem về được bao nhiêu.

Phiên chợ từ thiện nêu trên chính là giải pháp cuối cùng. Và, như đã nói, phiên chợ ấy đóng cửa trong sự thất vọng cùng cực. Khi cánh cửa này đóng lại, như người ta vẫn nói, thì cánh cửa khác sẽ mở ra?

Chú khuyển Major đi lạc vào một nhà hàng, và lập tức lọt vào mắt xanh của John Henry Davies – một doanh nhân giàu có, với cả một vương quốc rượu bia đang được điều hành. Davies rất thích con chó. Con gái ông cũng thích nó. Đến mức độ phải tìm cách mua bằng mọi giá.

Và Davies dễ dàng tìm đến chủ nhân của chú khuyển – nói là hậu vệ thủ quân Stafford cũng được, mà nói là Câu lạc bộ Newton Heath kia cũng được. Đằng nào, người ta cũng đã xem chú khuyển Major là biểu tượng của câu lạc bộ lâu nay rồi.

Người ta có thể bán gì cũng được, chứ ai lại bán biểu tượng? Mà bán với giá bao nhiêu cho vừa? Nghe có vẻ lạ, nhưng đây là sự thật: thà doanh nhân Davies đặt luôn vấn đề mua lại cả câu lạc bộ bóng đá – gồm các cầu thủ, từ Stafford trở xuống, và cả chú khuyển Major trong đó – thì nghe rất hợp logic.

Chuyện đã xảy ra cách đây hơn một thế kỷ, tam sao thất bản. Tùy thuộc bạn xem nguồn nào, sẽ biết rằng ông chủ dây chuyền sản xuất bia rượu kia đăng quảng cáo trên tờ Manchester Evening News để liên hệ với chủ nhân của “một con chó đi lạc vào ngày, giờ nọ”, hay ly kỳ hơn, rằng chính Major đã dắt doanh nhân Davies về gặp thủ quân Stafford – như một định mệnh.

Cũng vậy, Stafford không chịu bán chú khuyển cưng, nhưng rút cuộc đành hy sinh thú vui của riêng mình để cứu đội bóng, do phải bán chó thì mới có hy vọng thuyết phục ông nhà giàu chi tiền cứu câu lạc bộ. Hay Stafford đã tài tình nghĩ ra kịch bản “không bán chó, nhưng bán câu lạc bộ gồm cả con chó như một tài sản thì được”?

Cũng có tài liệu, bỏ qua hết mọi khía cạnh giật gân, ghi nhận thủ quân Stafford đã nỗ lực tìm được 4 nhà hảo tâm, cùng nhau quyên góp tài chính giúp Newton Heath vượt qua nguy cơ phá sản vào năm 1901, và kết cục của câu chuyện ấy là Davies trở thành chủ tịch câu lạc bộ.

Sự thật hiển nhiên là lịch sử đội bóng đã bước sang trang mới kể từ sau sự xuất hiện của John Henry Davies. Ông đổi tên câu lạc bộ thành Manchester United, đổi màu trang phục, chuyển đến sân Old Trafford (vào năm 1910)… Với nguồn tiền do Davies bơm vào, Manchester United nhanh chóng cải thiện lực lượng, thuê huán luyện viên giỏi, vươn lên đẳng cấp cao nhất, và đến năm 1908 thì lần đầu tiên đoạt chức vô địch quốc gia.

Chủ tịch Davies không nhìn thấy thành quả

MU là câu lạc bộ số 1 nước Anh về thành tích vô địch quốc gia (20 lần, kế đến là Liverpool với 19 lần vô địch). Đấy cũng là Câu lạc bộ Anh đầu tiên có cúp C1 châu  u (năm 1968), Câu lạc bộ Anh đầu tiên có “cú ăn ba” gồm cả cúp C1 châu Âu (năm 1999) và là một trong số hiếm hoi các đội đã có đủ 3 cúp châu  u. MU từng kiếm được 676,3 triệu euro trong một mùa bóng (2016/17) hoặc được định giá 3,15 tỷ bảng (năm 2019). Vị chủ tịch đầu tiên tạo ra “đế chế” này, John Henry Davies, đã qua đời vào năm 1927.

Theo Bongdaplus