Nỗi đau khi người tâm thần gây án
Pháp luật - Ngày đăng : 08:30, 12/09/2021
Trần Tuấn Dương đã ra tay giết vợ trong đêm
Đây là vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý, giám sát những người này trong cộng đồng hiện nay.
Giết người thân
Theo lãnh đạo UBND phường Tân Dân (TP Chí Linh), đối tượng Trần Tuấn Dương (sinh năm 1998, ở khu dân cư Giang Hạ) ra tay tàn độc giết vợ mình là chị N.T.T. (sinh năm 1990) vào rạng sáng 1.9 bị tâm thần kinh từ nhỏ và đã được chữa trị. Đối tượng Dương lấy chị T. khoảng một năm nay. Chị T. có một con riêng 4 tuổi ở cùng với mình. Những ngày qua, người dân không khỏi bàng hoàng và xót xa trước cái chết của chị T. khi kẻ ra tay giết hại không ai khác mà chính là người đầu gối tay ấp với chị. Đau xót hơn, chị tử vong khi đang mang giọt máu của chính người chồng đã giết mình.
Theo thông tin của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, nguyên nhân dẫn đến việc hung thủ ra tay tàn độc là do đối tượng bị bệnh tâm thần kinh nên đã không kiểm soát, kìm chế được cảm xúc, hành động. Đêm hôm đó, đối tượng Dương muốn quan hệ tình dục với vợ nhưng không được chị T. đồng ý nên đã cầm gối đè vào mặt làm vợ ngạt thở chết.
Trên địa bàn tỉnh ta cũng đã xảy ra một số vụ án đau lòng mà hung thủ là các đối tượng tâm thần kinh. Đau đớn hơn, hầu hết nạn nhân đều là người ruột thịt. Các đối tượng giết người thường chỉ xuất phát từ những chuyện nhỏ như cãi nhau, bị kích động từ bên ngoài, không được người khác đáp ứng theo yêu cầu...
Sự việc đã trôi qua hơn một năm nhưng người dân thôn Bùng Dựa, xã Tuấn Việt (Kim Thành) vẫn không khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến vụ án cháu giết bà giữa đêm. Vào hồi 0 giờ 5 ngày 17.5.2020, đối tượng Vũ Văn Cương (sinh năm 1990) đang ở nhà thì có biểu hiện lên cơn động kinh và cầm dao sang nhà bà ngoại cách đó khoảng 500 m. Không chỉ chém bà ngoại, Cương còn sẵn sàng chém người đến can ngăn. Sau khi gây án, đối tượng Cương có ý định tự sát nhưng không thành. Theo người nhà của đối tượng thì Cương có biểu hiện tâm thần do một lần bị sốt cao, co giật.
Là người bị bệnh tâm thần nhiều năm nay, khoảng 9 giờ ngày 27.7.2020, đối tượng Nguyễn Văn Tuyến (sinh năm 1971, ở thôn Giữa, xã Cổ Dũng, Kim Thành) khi đi làm đồng về nhìn thấy ông T.V.K. người cùng xã đang ngồi chơi ở nhà hàng xóm liền nghĩ đến mâu thuẫn trước đây. Y đã về nhà lấy 2 con dao đuổi chém khiến ông K. bị tổn thương cơ thể 39%.
Nhiều người mắc bệnh chưa được quản lý
Hiện nay, nguy cơ người bị bệnh tâm thần kinh có chiều hướng gia tăng khi công việc, cuộc sống gặp nhiều áp lực, căng thẳng. Môi trường sống bị thay đổi nhiều đã tác động đến sức khỏe, tinh thần của người dân. Một bộ phận thanh niên nghiện ma túy tổng hợp dẫn đến hủy hoại thần kinh, sức khỏe, nhất là lên cơn ngáo đá cực kỳ nguy hiểm cho người thân và cộng đồng.
Theo tổng hợp của Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, toàn tỉnh có 4.823 bệnh nhân tâm thần kinh đang điều trị ngoại trú. Nhiều người có biểu hiện tâm thần kinh trong cộng đồng nhưng chưa được chẩn đoán, quản lý, điều trị.
Công tác theo dõi, quản lý người tâm thần kinh trong cộng đồng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là nhiều gia đình có người bị tâm thần kinh có biểu hiện e ngại, giấu giếm sợ mang tiếng với bà con hàng xóm. Từ đó, không dám cho con đi điều trị tại các cơ sở y tế. Một số gia đình chỉ đi khám rồi mua thuốc tự điều trị. Ngoài ra, có gia đình không điều trị bằng tây y mà dùng thuốc nam. Cá biệt có trường hợp còn dùng biện pháp tâm linh để chữa trị. Do không được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, bệnh tình ngày một nặng, chỉ cần bị kích động hay phát bệnh sẽ không kiểm soát được hành vi dẫn đến những hậu quả khôn lường. Nhiều địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở hoặc có biện pháp hỗ trợ các gia đình trong việc quản lý, giám sát, thăm khám, điều trị cho người bị tâm thần kinh.
Theo bác sĩ Nguyễn Việt Hòa, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, trong công tác phát hiện, chữa trị đến quản lý bệnh nhân tâm thần kinh, gia đình có vai trò rất quan trọng. Đối với những người chưa điều trị, người nhà khi thấy con em mình có biểu hiện bất thường cần đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Người đang điều trị ngoại trú cần giám sát, quản lý, tuân thủ phác đồ điều trị. Trong thời gian này, nếu có dấu hiệu bất thường cần đưa ngay đến bệnh viện, không tự ý mua thuốc hoặc chữa trị bằng phương pháp khác. Người nhà cần tìm hiểu để biết cách chăm sóc, quản lý hiệu quả đối với người bệnh.
Các cấp, các ngành, đoàn thể phát huy hơn nữa vai trò trong việc tuyên truyền, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị tâm thần kinh để họ có điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, giám sát, điều trị. Cần quan tâm hơn đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, không có người quan tâm, giám sát thường xuyên đối với người bị bệnh.
DANH TRUNG