Hội nghị quốc tế viện trợ cho Afghanistan: "Phao cứu sinh" trước thảm họa nhân đạo
Bình luận - Ngày đăng : 19:37, 14/09/2021
Một gia đình người Afghanistan đi bộ để sang Pakistan ngày 6.9. Ảnh: Reuters
Trước nguy cơ đó, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Nam Á này.
Thảm họa nhân đạo đang hiện hữu
Khủng hoảng nhân đạo, người tị nạn, tụt hậu về giáo dục, lan truyền tư tưởng cực đoan… là những vấn đề “nóng” đang gây ra nhiều lo ngại kể từ sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan.
Trong bản báo cáo đưa ra đầu tháng 9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết sau 2 thập kỷ nội chiến, Afghanistan hiện đang phải đối mặt với "giờ khắc nguy hiểm nhất". Người đứng đầu LHQ bày tỏ sự lo ngại của mình về cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo sâu sắc tại nước này cũng như nguy cơ các dịch vụ cơ bản sụp đổ hoàn toàn.
Theo Tổng Thư ký LHQ, 18 triệu người Afghanistan, chiếm gần một nửa dân số nước này, vốn vẫn phải sống phụ thuộc vào viện trợ ngay cả trước khi Taliban chiếm được Kabul hồi tháng trước, đang trên bờ vực của nạn đói khi nguồn cung lương thực có thể sẽ cạn kiệt vào cuối tháng này. Cứ 3 người Afghanistan thì có 1 người không có tiền để mua thực phẩm cho ngày hôm sau. Ước tính, hơn một nửa trẻ em dưới 5 tuổi ở Afghanistan có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng vào năm tới trong khi mỗi ngày người dân Afghanistan mất dần sự tiếp cận với các hàng hoá và dịch vụ cơ bản.
Sau khi Taliban trở lại nắm quyền trong bối cảnh quân đội NATO do Mỹ dẫn đầu rút khỏi Afghanistan và các lực lượng của chính phủ được phương Tây hậu thuẫn tan rã, hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài cho nước này đã bị cắt. LHQ cho rằng chính điều này đã tạo ra sự thiếu hụt thực phẩm trầm trọng và tiền mặt ở quốc gia này với khoảng một nửa dân số chủ yếu sống dựa vào viện trợ nước ngoài đồng thời cảnh báo khả năng nghiêm trọng nền kinh tế Afghanistan có thể sụp đổ bất cứ lúc nào khi toàn bộ hoạt động thương mại, nhập khẩu nguyên liệu ở Afghanistan vẫn chưa được nối lại dẫn đến giá cả các mặt hàng cơ bản đều tăng.
Một con số đáng báo động về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang quay lại trở Afghanistan sau 2 thập kỷ nội chiến. Ông Ghulam Bahauddin Jailani, người đứng đầu cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Afghanistan đã thừa nhận các cuộc xung đột gia tăng khiến hơn 400.000 người dân Afghanistan đã phải rời bỏ nhà cửa, tị nạn sang các nước láng giềng do các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng Taliban trong vòng 2 tháng qua. Cùng với đó là những thiếu thốn về cơ sở vật chất, thực phẩm, thuốc men.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) cảnh báo Afghanistan đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu đến gần 2 thập niên trong việc giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, khi viễn cảnh bạo lực xuất hiện với sự trở lại của chính quyền Taliban. Báo cáo cho biết số lượng người dân Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa được dự báo sẽ tăng lên, ước tính cho tới cuối năm nay sẽ có khoảng 500.000 người Afghanistan di tản khỏi nước này, kéo theo sự gia tăng nguy cơ thất học ở trẻ em, biến điều này thành “thảm họa mang tính thế hệ” và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của đất nước trong nhiều năm tới.
Trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng với 40% vụ lúa mì của Afghanistan đã mất trắng, các cơ quan nhân đạo cho biết nhiều người Afghanistan đang gồng mình để nuôi sống gia đình. Nghiêm trọng hơn, trong những ngày qua, cư dân thủ đô Kabul, Afghanistan đã phải mang những vật dụng trong nhà từ đồ nội thất, ga giường cho đến cả dụng cụ nhà bếp ra chợ bán vì thiếu tiền trang trải cuộc sống.
Những người đi bán cho biết họ chẳng có việc làm nên không bán đồ đạc đi thì cả nhà sẽ chết đói, nhưng bán hết đồ ở nhà rồi thì sẽ không còn gì để bán nữa. Một mùa đông khắc nghiệt sắp tới, người dân Afghanistan rất cần viện trợ quốc tế về lương thực, lều trú tạm và vật tư y tế. Cơ quan nhân đạo LHQ cảnh báo "Nếu không có những bước đi cẩn thận, chúng ta thực sự có thể chứng kiến người dân Afghanistan rơi vào vực thẳm trong điều kiện thảm khốc, tồi tệ hơn những gì chúng ta đang thấy bây giờ".
Quốc tế nỗ lực trợ giúp
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo nhấn chìm người dân Afghanistan, LHQ đã triệu tập một hội nghị viện trợ quốc tế cho Afghanistan tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 13.9. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước và quan chức LHQ đã cam kết hỗ trợ hơn 1 tỷ USD cho Afghanistan nhằm giúp quốc gia này đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sau khi Taliban lên nắm quyền.
Theo đó, 1 tỷ USD viện trợ cho Afghanistan trước mắt sẽ cung cấp lương thực và hỗ trợ sinh kế quan trọng cho 11 triệu người cùng các dịch vụ y tế thiết yếu cho 3,4 triệu người. Số tiền này cũng sẽ dành cho công tác điều trị cho hơn 1 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính, bảo đảm nước sạch, điều kiện vệ sinh cũng như bảo vệ trẻ em và những nạn nhân của bạo lực giới.
Trong khi đó, tại hội nghị, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield thông báo Washington đã cung cấp gần 64 triệu USD trong đợt hỗ trợ nhân đạo mới cho Afghanistan. Bà phát biểu: "Hôm nay, chúng tôi cam kết hưởng ứng lời kêu gọi khẩn thiết về hỗ trợ tài chính, cam kết sát cánh cùng các nhân viên làm công tác nhân đạo khi họ thực hiện công việc quan trọng của mình và đẩy mạnh hành động nhân đạo ở Afghanistan để chúng ta có thể cứu sống những người Afghanistan đang gặp khó khăn". Na Uy cũng cam kết hỗ trợ thêm 11,5 triệu USD. Pháp sẽ đóng góp 100 triệu euro (118 triệu USD) cho công tác nhân đạo khẩn cấp ở Afghanistan.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cùng ngày cho biết nước này sẽ hỗ trợ người Afghanistan thông qua LHQ và các cơ quan viện trợ nhằm tránh trao tiền trực tiếp cho lực lượng Taliban. Tại Hội nghị viện trợ quốc tế do LHQ chủ trì, Ngoại trưởng Raab khẳng định Anh sẽ không viện trợ trực tiếp cho Taliban vì điều tối quan trọng là các tổ chức viện trợ có thể hoạt động an toàn và tự do tại Afghanistan.
Ông Raab cho biết Anh hoan nghênh sự điều phối của LHQ trong công tác viện trợ và kêu gọi Taliban tạo điều kiện cho các nhân viên cứu trợ được hoạt động an toàn tại Afghanistan. Ông cảnh báo nếu nền kinh tế Afghanistan và các dịch vụ cơ bản sụp đổ, điều này sẽ tác động trực tiếp đến toàn bộ khu vực. Nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo, Anh sẽ tăng gấp đôi viện trợ cho Afghanistan và khu vực lên khoảng 396 triệu USD trong năm nay, bao gồm 42 triệu USD cho các nước láng giềng của Afghanistan, nơi được cho có thể chịu ảnh hưởng từ làn sóng di cư của những người tị nạn.
Bỉ cũng cam kết viện trợ 2 triệu euro cho Afghanistan nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe và bảo đảm an ninh lương thực. Toàn bộ khoản đóng góp 2 triệu euro của Bỉ cho viện trợ nhân đạo sẽ được chuyển đến Quỹ Nhân đạo LHQ.
Hồi tuần trước, Trung Quốc thông báo sẽ gửi thực phẩm và vật tư y tế trị giá 31 triệu USD đến nước này. Iran cũng cho biết đã gửi 1 chuyến hàng viện trợ nhân đạo cho Afghanistan. Ngoài hỗ trợ nhu yếu phẩm như dầu ăn và thuốc men, Pakistan cũng kêu gọi dỡ phong tỏa các tài sản của Afghanistan ở nước ngoài.
Theo giới phân tích, những cam kết cụ thể tại hội nghị để ngăn ngừa thảm họa nhân đạo đang ngày càng trầm trọng tại Afghanistan đã trở thành “phao cứu sinh” trong thời khắc có lẽ là nguy hiểm nhất sau nhiều thập kỷ nước này chìm trong nội chiến.
Theo TTXVN